Đất vàng VinaSquare: "Ngủ quên" cả thập kỷ giữa lòng đô thị

Sau 10 năm, lô đất 3 mặt tiền rộng 31.000 m2 tại số 152 Trần Phú đã âm thầm đổi chủ từ Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam sang hai nhà đầu tư tư nhân với giá 1.300 tỷ đồng. Trong khi lô đất đang được rao bán với giá hơn 4.000 tỷ đồng - gấp 3 lần con số nhận chuyển nhượng.

Âm thầm đổi chủ

Năm 2008, khi nhà máy thuốc lá Sài Gòn thuộc công ty TNHH MTV Thuốc lá Sài Gòn (100% vốn thuộc tổng công ty Thuốc lá Việt Nam Vinataba) tại 152 Trần Phú, quận 5, TP.HCM được di dời ra huyện Bình Chánh, phần đất rộng gần 31.000 m2 được đem đi góp vốn thực hiện dự án thương mại.

Tuy không nằm ở trung tâm nhưng vị trí khu đất này cũng thuộc khu vực thương mại sầm uất bậc nhất của TP.HCM, cách quận 1, 3 chỉ vài con phố và kế cận với chợ An Đông, Chợ Lớn...

Đất vàng VinaSquare: "Ngủ quên" cả thập kỷ giữa lòng đô thị - 1

Khu đất 152 Trần Phú 3 mặt tiền đường Lê Hồng Phong, Trần Phú và Trần Nhân Tôn

Đến tháng 10/2008, công ty TNHH Vina Alliance được thành lập với vốn điều lệ 880 tỷ đồng nhằm thực hiện dự án Vina Square tại lô đất trên. Sau đó, 4 thành viên trong danh sách cổ đông của doanh nghiệp dự án gồm Pacific Alliance Land Limited - thuộc quỹ đầu tư Vina Capital (62%), Vinataba (20%), công ty TNHH Sơn Đông (10,5%) và công ty Thuốc lá Sài Gòn (7,5%).

Năm 2012, Vinataba có văn bản xin góp vốn vào dự án bằng một phần quyền sử dụng khu đất rộng 31.000 m2 kể trên, được định giá 1.302 tỷ đồng (tương đương 42 triệu đồng/ m2).

Cụ thể, Vinataba góp 176 tỷ đồng, tương đương 20% vốn trong liên doanh, phần còn lại Vina Alliance phải thanh toán cho Vinataba - tức 1.126 tỷ đồng.

10 năm vẫn ... treo

Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin, sau 10 năm nhà máy Thuốc lá Sài Gòn được di dời, dự án Vina Square vẫn "ngủ quên" giữa lòng phố thị. Tuy vậy, cơ cấu cổ đông trong liên doanh thực hiện dự án lại có sự thay đổi đáng kể, nhất là thời điểm đầu năm 2017.

Tháng 5 và tháng 6/2017, công ty Thuốc lá Sài Gòn và công ty mẹ Vinataba lần lượt ký các hợp đồng chuyển nhượng 7,5% và 20% vốn trong liên doanh Vina Alliance cho cổ đông hiện hữu là công ty TNHH Sơn Đông. Giá gốc của khoản đầu tư là 242 tỷ đồng, giá trị chuyển nhượng 371,5 tỷ đồng. Qua đó, Sơn Đông nâng tỷ lệ sở hữu tại Vina Alliance từ 10,5% lên 38% cổ phần.

Tháng 9/2017, cổ đông lớn nhất của dự án là Pacific Alliance Land Limited thuộc quỹ đầu tư Vina Capital cũng thông báo đã thoái hết 62% vốn tại dự án 152 Trần Phú, thu về 44,2 triệu USD.

Bên nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH Bất động sản Trí Đức, có trụ sở tại 36-38 Nguyễn Văn Trỗi, Q. Phú Nhuận, TP.HCM.

Như vậy, bằng vài "nghiệp vụ", dự án 152 Trần Phú từ khu đất của công ty Nhà nước Vinataba đã đổi chủ sang công ty Vina Alliance, cụ thể là hai nhà đầu tư tư nhân là công ty bất động sản Trí Đức (62%) và công ty Sơn Đông (38%).

Hé lộ ông chủ mới

Theo tìm hiểu của PV, công ty Sơn Đông được thành lập năm 2002, hiện có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, thuộc sở hữu của vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Tuyển ở Hàng Bè, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Trong khi đó, Trí Đức được thành lập vào năm 2015, vốn điều lệ 600 tỷ đồng.

Không lâu sau khi đổi chủ, Vina Alliance đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 880 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng vào đầu năm 2018. Với diễn biến này, giới đầu tư địa ốc kỳ vọng gần 31.000 m2 đất vàng nằm ở khu vực sầm uất bậc nhất quận 5 sẽ "thức giấc".

Trên các trang web bất động sản Tp.HCM, khu đất 152 Trần Phú rộng 31.000 m2 được rao bán cả lô với mức giá cao ngất ngưởng 3.000 - 4.000 tỷ đồng, gấp 3 lần con số 1.302 tỷ đồng mà Vina Alliance đã trả cho Vinataba.

Đất vàng VinaSquare: "Ngủ quên" cả thập kỷ giữa lòng đô thị - 2

Lô đất 152 Trần Phú, quận 5, TP.HCM được rao bán với giá hơn 4.000 tỷ đồng - gấp hơn 3 lần con số định giá khi Vinataba bán cho liên doanh.

Về mặt pháp lý, dự án có thể bị thu hồi nếu quá 48 tháng không triển khai, trong đó đã có 36 tháng gia hạn. Dĩ nhiên chủ đầu tư có thể áp dụng nhiều cách thức để kéo dài thời hạn như thay đổi thiết kế, quy hoạch..., dù vậy, 10 năm là thời gian quá dài cho một khu đất rộng nằm ngay trung tâm thành phố. Dự án đình trệ gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng xung quanh và kéo lùi sự phát triển chung của thành phố.

Trong bối cảnh TP.HCM đang quyết liệt rà soát, kiểm tra các dự án trên địa bàn để tiến hành thu hồi nếu có các vi phạm, các cơ quan chức năng có thể cân nhắc thu hồi dự án và thu hồi luôn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án 152 Trần Phú để đấu giá, mở ra cơ hội tham gia dự án cho nhà đầu tư khác, đồng thời đưa về số tiền tối đa cho ngân sách Nhà nước.

Đất vàng VinaSquare: "Ngủ quên" cả thập kỷ giữa lòng đô thị - 3

Dự án Vina Square 10 năm chưa được triển khai khiến "bộ mặt" quận 5, TP.HCM trở nên xấu xí

Thanh tra Chính phủ vừa công bố quyết định thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành tại tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba). Theo kế hoạch, đoàn sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản, thoái vốn và tái cơ cấu tại Vinataba trong giai đoạn 1/2013 - 12/2017.

Nếu cần thiết, quá trình thanh tra sẽ được mở rộng đến giai đoạn trước và sau khoảng thời gian trên.Theo thông báo mới đây, sau khi rà soát, kiểm tra, UBND TP.HCM đã ra quyết định thu hồi, huỷ bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất đối với 577 dự án đất với tổng diện tích 5.915,1ha, phần lớn do chậm triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoa Liên ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN