Đất đai manh mún cản trở đầu tư

“Đất nông nghiệp ở VN đang bị thu hẹp, đó là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà tài trợ không mấy mặn mà khi đầu tư vào lĩnh vực này”.

Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại VN cho biết như vậy trong cuộc trao đổi ngắn với phóng viên NTNN.

Các con số thống kê gần đây cho thấy, nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp VN thấp và đặc biệt thấp trong năm 2012. Thậm chí ADB, nhà tài trợ tích cực cho VN trong lĩnh vực nông nghiệp cũng giảm các nguồn hỗ trợ vốn vay. Ông nhận định như thế nào về thực trạng này, thưa ông?

- Thực tế là, trong quá trình phát triển kinh tế VN với mục tiêu hiện đại hóa, công nghiệp hóa thì đất nông nghiệp đang bị suy giảm vì những mục đích khác nhau.

Ở các địa phương của VN hiện nay, nhiều diện tích đất canh tác đang bị thu hẹp để lấy đất xây dựng các khu công nghiệp. Trong khi đó, mục tiêu muôn đời của phát triển nông nghiệp là tăng sản lượng trên đất, nhưng VN lại chưa có nhiều công nghệ cao để giúp tăng sản lượng.

Điều cản trở tầm nhìn lớn nhất của các nhà đầu tư là kích cỡ và quy mô sử dụng đất nông nghiệp của nông dân hiện nay. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, đa phần nông dân VN hiện nay sở hữu diện tích đất nông nghiệp nhỏ, nên việc phát triển kinh tế của họ cũng diễn ra trong quy mô không lớn, manh mún.

Hơn nữa, VN chưa có những chiêu thức giới thiệu, quảng bá nông nghiệp ấn tượng với thế giới, cùng với những thủ tục hành chính, thuế…. cũng đã góp phần làm trở ngại cho nguồn vốn FDI.

Vậy theo ông, lời khuyên hữu ích nào dành cho VN để khơi thông nguồn vốn đầu tư này vào nông nghiệp, lĩnh vực được cho là thế mạnh của VN?

- Cần phải giới thiệu nhiều hơn nữa các công nghệ phát triển nông nghiệp của VN. Chúng tôi hiểu rằng, khi đất nông nghiệp bị thu hẹp thì phải có công nghệ hỗ trợ để làm sao có thể tăng sản lượng tương đương hoặc gấp đôi, gấp ba trên diện tích bé hơn, nhưng các nhà đầu tư chưa nhìn thấy được điều ấy ở VN.

Ngoài ra, VN cũng nên áp dụng các mô hình canh tác hiện đại, hiệu quả hơn, quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu để có những biện pháp ứng phó an toàn, làm yên lòng các nhà đầu tư dài hạn. Đối với các nhà đầu tư đơn thuần, việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính và thuế cũng sẽ thu hút họ hơn trong các quyết định đầu tư.

ADB sẽ có những dự án hỗ trợ nào dành cho phát triển nông nghiệp VN trong thời gian tới, thưa ông?

-Trên thực tế, ADB thường xuyên có các hỗ trợ vay vốn ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp ở VN. Mới đây nhất, ADB và VN vừa ký kết Hiệp định vay dự án "Phát triển hệ thống tưới Bắc sông Chu - Nam sông Mã" và "Phát triển toàn diện kinh tế-xã hội tại các đô thị Việt Trì, Hưng Yên và Đồng Đăng" với tổng trị giá 180 triệu USD.

Các dự án của ADB nhằm giúp Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi và quản lý nguồn nước, các dịch vụ trong hệ thống thủy lợi ở khu vực phía Bắc sông Chu và phía Nam sông Mã thuộc tỉnh Thanh Hóa, đồng thời cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị và dịch vụ địa phương ở các trung tâm kinh tế phía Bắc tại Việt Trì, Hưng Yên và Đồng Đăng.

Dự án này nhằm nâng cấp và xây dựng hệ thống công trình phục vụ hệ thống tưới tiêu để tăng sản lượng nông nghiệp trong khu vực Bắc sông Chu, Nam sông Mã của tỉnh Thanh Hóa, qua đó góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống, thu nhập của người dân.

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thúy Đăng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN