“Đảo ngược” lãi suất cho vay BĐS

Thị trường đón thêm một ngân hàng thương mại với gói tín dụng có lãi suất ban đầu cạnh tranh, dành cho các nhu cầu vay vốn trong lĩnh vực bất động sản.

Từ hôm nay (28/5), Ngân hàng Quốc Tế (VIB) bắt đầu triển khai gói ưu đãi tín dụng cho vay bất động sản. Quy mô gói này là 1.000 tỷ đồng, hạn mức tới 90% nhu cầu, thời hạn tối đa 180 tháng, dự kiến triển khai đến 31/7/2012 hoặc khi giải ngân hết.

Điểm đáng chú ý của chương trình này là VIB áp dụng mức lãi suất tốt cho 3 tháng đầu của khoản vay, chỉ với 14,2%/năm. Đây cũng là một trong những mức tốt nhất trên thị trường hiện nay, thuộc mảng tín dụng bất động sản.

Thời gian qua, lãi suất cho vay ở lĩnh vực bất động sản, lại thuộc tín dụng tiêu dùng, thường được áp ở những mức cao trên thị trường, bên cạnh lãi suất cho vay đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, sau khi Ngân hàng Nhà nước cởi bỏ phần lớn nhóm nhu cầu vay vốn ở lĩnh vực này khỏi giới hạn 16% tỷ trọng tín dụng không khuyến khích, thị trường chứng kiến một sự “đảo ngược” nhanh chóng, dù chưa thực sự mở rộng.

“Đảo ngược” lãi suất cho vay BĐS - 1

Sau khi Ngân hàng Nhà nước cởi bỏ phần lớn nhóm nhu cầu vay vốn ở lĩnh vực này khỏi giới hạn 16% tỷ trọng tín dụng không khuyến khích, thị trường chứng kiến một sự “đảo ngược” nhanh chóng.

Đơn cử như trong tháng 4 và đầu tháng 5 này, Ngân hàng Á châu (ACB) liên tiếp có chính sách ưu đãi và hạ lãi suất đối với các cá nhân, hộ gia đình vay mua, xây - sửa chữa nhà ở với khoảng 17% - 18%/năm; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng liên tiếp giới thiệu gói hơn 6.000 tỷ đồng cùng các dự án tiếp vốn cụ thể, lãi suất chỉ 16%/năm; Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) vừa tung gói tín dụng lãi suất chỉ khoảng 14%/năm, trong đó có cho vay về bất động sản… Và nay có thêm VIB với mức khá thấp như vậy.

Tuy nhiên, điểm mà khách hàng quan tâm là những mức lãi suất được cho là hấp dẫn đó được áp dụng trong bao lâu? Như tại BIDV ở dự án Nam Đô Complex là với 12 tháng đầu, tại VIB là trong 3 tháng đầu. Và sau đó, liệu lãi suất có “bật” trở lại?

Trả lời câu hỏi này, ông Richard Harris, Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân của VIB cho biết, trong hợp đồng đã có thỏa thuận các tháng tiếp theo sẽ thực hiện theo chính sách tín dụng của ngân hàng, trên cơ sở thực tế biến động của thị trường. Đây cũng là cơ chế thường thấy ở các khoản vay nói chung, việc điều chỉnh được thực hiện định kỳ sau 3 - 6 tháng, hoặc theo khoảng thời gian thỏa thuận.

“Như vậy, sau khi có lãi suất ưu đãi 3 tháng đầu như trong chương trình trên, khách hàng sẽ vẫn chủ động được chi phí khoản vay vì những điều chỉnh sau đó có cơ sở vận động thực tế của thị trường. Trong thời gian tới, xu hướng giảm lãi suất đang thể hiện, chủ trương tiếp tục điều chỉnh từ nay đến cuối năm cũng đã được Ngân hàng Nhà nước đưa ra, nên khách hàng có thể yên tâm với những mức lãi suất phù hợp”, ông Richard nói thêm.

Thực tế, cũng từ hôm nay (28/5), các lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và trần lãi suất huy động VND lần thứ ba liên tiếp được điều chỉnh giảm. Và với kỳ vọng lạm phát năm nay được kiềm chế ở khoảng 7 - 8%, lãi suất huy động giảm sẽ tiếp tục tạo điều kiện để người vay vốn yên tâm hơn về chi phí vay trong trung hạn.

Ở chính sách chung, ông Richard nhấn mạnh rằng việc kích thích tín dụng bất động sản lúc này là phù hợp với các điều kiện thực tế. Về chủ trương, Ngân hàng Nhà nước đã tạo điều kiện để có thể mở rộng diện tiếp vốn thay vì giới hạn tỷ trọng như trước đây. Về khách hàng, vay để mua nhà ở, xây hoặc sửa chữa nhà là nhu cầu thiết thực và cần được đáp ứng, thậm chí là ưu đãi để có thể hỗ trợ, dĩ nhiên là phải đảm bảo được các điều kiện cho vay. Về hệ thống, trạng thái thanh khoản và vốn khả dụng đã cải thiện, thậm chí có hiện tượng dư thừa.

Với mỗi ngân hàng, như ở đây là VIB, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được giao 17% cũng là một cơ sở để có thể thúc đẩy tín dụng mạnh hơn; mức cho vay chỉ 14,2%/năm trong 3 tháng đầu như vậy cũng để tạo sự cạnh tranh thu hút khách hàng.

“Bản thân chúng tôi hy vọng rằng qua gói tín dụng này, cũng như trong xu hướng giảm dần lãi suất đang thể hiện, không chỉ người vay bớt khó khăn về chi phí mà chính ngân hàng cũng sẽ thu hút được thêm các khách hàng tốt, bởi cạnh tranh ở đây đang ngày một quyết liệt hơn trong hệ thống”, ông Richard Harris nhìn nhận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Nam ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN