Đánh thuế tài sản: Hà Nội bói đâu ra nhà dưới 700 triệu đồng?

Ở Hà Nội làm gì có nhà 100m2 có giá dưới 1 tỷ đồng? Rõ ràng dự thảo đề xuất mức thuế đối với nhà từ 700 triệu đồng là quá thấp, không thể chấp nhận được và cần phải xem xét nâng mức chịu thuế lên cho hợp lý.

Đề xuất đánh thuế tài sản với nhà trên 700 triệu đồng, các tài sản khác như tàu bay, du thuyền, ô tô giá trên 1,5 tỷ đồng trong dự thảo Dự án Luật thuế tài sản đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia và dư luận. PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế, PGS – TS. Đinh Trọng Thịnh về dự thảo này.

Một loại thuế bù đắp cho nhiều loại thuế

Dư luận đang có nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau về Dự thảo Luật thuế tài sản do Bộ Tài chính trình Chính phủ, theo quan điểm của ông có cần thiết phải đánh thuế tài sản hay không?

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh: Có rất nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang áp dụng thuế tài sản vì nó mang tính hợp lý, hợp pháp và đảm bảo tính công bằng cho xã hội.

Tính hợp lý và hợp pháp là ở chỗ khi anh có một lượng tài sản lớn, anh phải sử dụng lượng dịch vụ công và hạ tầng lớn, vì thế anh phải đóng góp để Chính phủ xây dựng là hợp lý. Muốn tài sản đó được an toàn, xã hội ổn định, không có trộm cắp, không có ai gây phương hại đến tài sản của anh thì anh phải đóng một khoản tiền để Chính phủ duy trì sự quản lý tài sản cho anh; duy trì lực lượng làm công tác xã hội cũng như an ninh và các vấn đề liên quan đến quản lý, từ đó đảm bảo cho tài sản của anh tồn tại một cách an toàn trong mọi điều kiện.

Tính công bằng là ở chỗ khi anh có một lượng tài sản lớn, có nghĩa là anh giàu hơn những người khác. Người có thu nhập cao hơn, sử dụng nhiều hơn phải có trách nhiệm đóng góp, cống hiến cho xã hội nhiều hơn.  

Chính vì lẽ đó mà trong thực tế việc các quốc gia trên thế giới áp dụng rộng rãi hình thức thu thuế này là điều bình thường.

Đánh thuế tài sản: Hà Nội bói đâu ra nhà dưới 700 triệu đồng? - 1

Một công trình khách sạn đang được xây dựng tại thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Theo quy định của dự thảo, tài sản nhà có giá trị trên 700 triệu đồng sẽ phải chịu thuế tài sản.

Đó là việc diễn ra ở các nước khác, nhưng đối với điều kiện, hoàn cảnh ở Việt Nam hiện nay, thậm chí là một vài năm tới, việc đánh thuế tài sản đã là hợp lý hay chưa, thưa ông?

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh: Thực ra từ trước đến nay Việt Nam chưa từng đánh thuế tài sản là vì thu nhập bình quân đầu người của chúng ta ở mức thấp. Hầu hết người dân Việt Nam chỉ đảm bảo mức sống tối thiểu, việc có được tài sản nào đó là kết quả của cả một quá trình tiết kiệm, chắt bóp thậm chí là hà khắc với chính bản thân mình.

Nhưng giờ đây mức thu nhập của người Việt Nam đã ở mức trung bình của thế giới, khoảng 2.400 USD/người/năm, nên rất nhiều người có tài sản lớn và Nhà nước cần xem xét đánh thuế. Đó là lý do đầu tiên cần phải đánh thuế.

Thứ hai, giai đoạn 2017-2018 nguồn thu của ngân sách nhà nước đang sụt giảm nghiêm trọng vì phải thay đổi chính sách thuế phù hợp với các cam kết của Việt Nam với các đối tác khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Mức giảm thấy rõ nhất là thuế nhập khẩu, trước đây thuế nhập khẩu bình quân khoảng 20%, đến nay thuế nhập khẩu bình quân chỉ còn khoảng 3% trên tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu.

Thứ ba, là thuế thu thu nhập cá nhân (TNCN), trong cải cách về thuế TNCN có hai phương án được Bộ Tài chính đưa ra, hoặc sẽ giảm 1.400 tỷ đồng, hoặc sẽ tăng thêm 500 tỷ đồng so với phương án đang thực hiện.

Thứ tư là thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế này cũng đã giảm đi rất nhiều trong thời gian qua.

Đánh thuế tài sản: Hà Nội bói đâu ra nhà dưới 700 triệu đồng? - 2

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh.

Nguồn thu NSNN giảm đi rất nhiều từ thuế xuất khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, và thuế tiêu thụ đặc biệt. Liệu có phương án nào khác để vẫn có tiền cho NSNN mà không cần phải đánh thuế tài sản, thưa ông?

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh: Như trên đã nói, nguồn thu như vậy là giảm đi rất nhiều. Cắt giảm chi tiêu cũng là một giải pháp cần phải thực hiện, nhưng nếu chỉ cắt giảm chi tiêu thì chưa đủ vì NSNN vẫn phải chi cho bộ máy hành chính quản lý nhà nước, quân đội, công an, tòa án, rồi chi cho đầu tư công,… vì thế có cắt giảm thế nào đi nữa thì chi tiêu cũng không giảm được nhiều, trong khi nguồn thu lại giảm đi đáng kể.

Chính vì vậy, Bộ Tài chính phải tìm mọi cách cơ cấu lại nguồn thu, tức là thay đổi toàn bộ hệ thống thuế. Những loại thuế nào bắt buộc phải giảm thì chúng ta giảm, nhưng cái gì có thể tăng được mà phù hợp với thông lệ quốc tế thì chúng ta phải làm.

Nếu không tăng thuế thì không lấy đâu ra nguồn thu. Trước hết, đối với thuế VAT, hiện nay các nước đang áp dụng việc đánh thuế gián thu, trong đó có thuế VAT và mức bình quân chung của thế giới trong năm 2017 theo World Bank là 16%, trong khi của Việt Nam là 9,7%. Như vậy, mức thuế VAT của Việt Nam còn quá thấp so với mức trung bình của thế giới cũng như so với các nước xung quanh. Vì thế không phải ngẫu nhiên mà Bộ Tài chính đề nghị tăng thuế VAT.

Thứ hai, về thuế TTĐB, một số hàng hóa có thể tăng thuế được là ô tô cũ,… thì lại tăng, ngay cả thuế bảo vệ môi trường và thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng dầu cũng cần thiết xem xét tăng lên vì những thứ này xả thải ra môi trường. Nhưng cứ mỗi khi đề cập đến là tất cả lại phản đối, điều này cũng dễ hiểu vì tâm lý của những người chịu thuế.

Ngoài ra, chúng ta phải áp dụng nghiên cứu những loại thuế chúng ta chưa có mà trên thế giới đã có, ví dụ như thuế tài sản. Đây là loại thuế đem lại nguồn thu rất ổn định cho ngân sách nhà nước các quốc gia mà hầu như nước nào cũng áp dụng. Từ trước đến nay thuế liên quan đến tài sản của chúng ta chỉ dừng lại ở việc thu phí và lệ phí, chẳng hạn như phí sử dụng đất.

Đã làm là phải làm cho công bằng!

Nếu cho rằng việc đánh thuế tài sản là cần thiết, vậy theo ông Bộ Tài chính cần điều chỉnh như thế nào cho công bằng, tránh gây bức xúc cho người dân?

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh: Rõ ràng đã đến lúc chúng ta xem xét việc đánh thuế tài sản để đảm bảo công bằng, nhưng có mấy điều mà người làm chính sách cần phải lưu ý. Thứ nhất, mức độ tài sản phải được xác định thế nào là tài sản lớn để đánh thuế. Đã là tài sản phải bao gồm cả động sản và bất động sản và mức độ xác định giá trị phải như nhau. Ví dụ xác định cái nhà trên 700 triệu là phải đánh thuế thì cái ô tô hay bất kỳ tài sản gì khác có giá từ 700 triệu đồng trở lên cũng phải bị đánh thuế.

Ngưỡng chịu thuế được xác định như thế nào lại là một câu chuyện mà mỗi quốc gia có một đặc thù riêng. Ví dụ như nước có thu nhập cao như Mỹ họ sẽ đánh thuế ở mức cao hơn, nhưng những quốc gia có mức thu nhập trung bình và trung bình khá thì sẽ đánh thuế ở mức thấp hơn.

Đánh thuế tài sản: Hà Nội bói đâu ra nhà dưới 700 triệu đồng? - 3

Khu nhà liền kề tại đảo Tuần Châu, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Thứ hai là phương pháp đánh thuế. Đối với tài sản thừa kế, thông thường các nước đánh rất cao, thậm chí lên đến 50%. Việt Nam khuyến khích người dân tiết kiệm cũng như khuyến khích tình cảm giữa con cái với cha mẹ nên chưa nên xem xét việc đánh thuế đối với tài sản thừa kế, hoặc nếu có thì cũng nên áp mức thấp.

Đối với việc tính thuế khi mua bán tài sản, cần xác định trên giá trị tài sản đó theo giá thị trường. Còn đối với thuế duy trì hàng năm với tài sản là thuế đóng để nhà nước quản lý, theo dõi, bảo vệ tài sản cho người đóng thuế, đó gọi là thuế duy trì và thường rất thấp. Ví dụ thuế mua bán tài sản từ 3-5% thì thuế duy trì chỉ từ 0,5-0,7%. Thuế mua bán tài sản được xác định theo giá trị thị trường của mặt hàng bị đánh thuế thì thuế duy trì hàng năm cũng phải giảm trừ khấu hao tài sản mới hợp lý.

Theo đề xuất hiện nay đối với bất động sản là 700 triệu đồng, Hiến pháp quy định người dân có quyền có chỗ ở, nếu tính theo mức bình thường là mỗi người 25m2, một gia đình bình quân có 4 người, tổng diện tích phải là 100m2, nhưng ở Hà Nội làm gì có nhà 100m2 có giá dưới 1 tỷ đồng? Rõ ràng dự thảo đề xuất mức thuế đối với nhà từ 700 triệu đồng là quá thấp, không thể chấp nhận được và cần phải xem xét nâng mức chịu thuế lên cho hợp lý.

Thứ hai là xem xét mức đóng từ 0,4-0,7% của dự thảo, cần làm rõ cơ sở sao cho hợp lý, nếu giá trị tài sản vượt quá ngưỡng không phải chịu thuế thì phải áp mức 0,4% hay 0,7%, rõ ràng vấn đề quan trọng là phải xác định căn cứ cho hợp lý, khi giải trình được một cách công khai, rành mạch thì người dân sẽ chấp nhân.

Nhưng liệu có dẫn đến tình trạng người mua và người bán tài sản kê khai giá bán thấp hơn nhiều so với giá trị thực để trốn thuế hay không, thưa ông?

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh: Lo ngại này là có thực nhưng trước hết chúng ta phải có được cơ sở kê khai của tài sản đó, sau đó đem so sánh với giá thị trường để xác định mức giá có hợp lý hay không. Để làm được điều này cần có ngân hàng dữ liệu về giá trị tài sản lớn, từ đó có mức giá của tài sản tương tự, qua đó tính được mức tăng/giảm giá của tài sản để đánh thuế cho chính xác.

Còn bây giờ nếu đòi hỏi về một sự công bằng, chính xác ngay lập tức thì không thể có được. Bất kỳ một quốc gia nào, một chính sách nào ban hành ra đều cần có thời gian, sau đó rút kinh nghiệm và chỉnh sửa thì chính sách mới sát với thực tế và phát huy hiệu lực.

Cho nên việc chúng ta áp dụng thuế tài sản là cần thiết, có điều xác định rõ ngưỡng chịu thuế, các loại thuế khác nhau, và mức thuế suất như thế nào, cần có cơ sở thuyết phục để người dân đóng thuế.

Người dân cũng cần phải hiểu rằng một quốc gia cũng giống như một gia đình, trong một gia đình cần phải có nguồn thu để phục vụ việc chi tiêu. Vấn đề là làm thế nào để người dân thấy được mặt tích cực của chính sách, trong đó vai trò của báo chí là rất quan trọng. Làm thế nào để người dân hiểu được việc đóng thuế là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, nếu không đóng thì không có an sinh xã hội, các cơ quan báo chí cần làm rõ việc này cho đầy đủ, rõ ràng, trách nhiệm thì người dân sẽ vui vẻ đóng thuế.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Giang (Infonet)
Đề xuất đánh thuế nhà đất từ 700 triệu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN