Đánh thức 500 tấn vàng đang “ngủ quên” bằng cách nào?

Huy động vàng trong dân không phải là vấn đề mới. Những ngày qua câu chuyện này lại được “xới” lên khi Hiệp hội Kinh doanh vàng cho rằng hiện đang còn khoảng 500 tấn vàng đang “ngủ quên” trong dân và nhà điều hành cần “đánh thức” nguồn lực này bằng việc thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia. Đề xuất này đang có nhiều ý kiến trái chiều song nó đặt ra một vấn đề: liệu pháp nào để “kéo” khối lượng vàng lớn đang nằm yên kia vào phục vụ sản xuất, kinh doanh?

Đánh thức 500 tấn vàng đang “ngủ quên” bằng cách nào? - 1

 Đa số chuyên gia cho rằng việc huy động vàng trong dân thông qua lập Sở Giao dịch vàng quốc gia là khó khả thi. (Ảnh minh họa)

Trong bản kiến nghị gửi Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội kinh doanh vàng khẳng định, mặc dù Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đến nay chưa có giải pháp nào được thực hiện.

Hiệp hội Kinh doanh Vàng cũng dẫn chứng, theo Bộ Tài chính, dự kiến đến tháng 7/2017, Việt Nam có thể không còn được vay vốn ODA, mà phải chuyển sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường với mức lãi suất cao. Trong khi đó, nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong những năm tới là rất lớn. Bởi vậy, việc nghiên cứu giải pháp huy động có hiệu quả nguồn lực vàng trong dân cho phát triển kinh tế là rất cấp bách trong điều kiện hiện nay.

Để góp phần huy động vàng có hiệu quả, Hiệp hội Kinh doanh Vàng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu để sớm thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia. Thông qua Sở giao dịch vàng quốc gia, Nhà nước có thể phát hành chứng chỉ vàng, hoặc trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân.

Bản kiến nghị của Hiệp hội Kinh doanh Vàng cũng cho rằng, Sở giao dịch vàng quốc gia nếu được thành lập sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu giao dịch vàng vật chất, giảm đáng kể lượng ngoại tệ để nhập khẩu vàng; loại bỏ những loại hình giao dịch vàng bất hợp pháp (sàn vàng chui); giảm thiểu tình trạng xuất, nhập lậu vàng qua biên giới.

Cùng vói đó là tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua việc thu thuế của các tổ chức, cá nhân giao dịch vàng; cơ quan chức năng có thể giám sát, quản lý được lượng giao dịch vàng để điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.

Đặc biệt, thông qua Sở Giao dịch vàng, các doanh nghiệp có thể mua vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, thay vì nhập khẩu, góp phần tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.

Dù Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa “lên tiếng” nhưng kiến nghị này ngay lập tức nhận được ý kiến phải hồi của giới phân tích. Đa số chuyên gia cho rằng việc huy động vàng trong dân thông qua lập Sở Giao dịch vàng quốc gia là khó khả thi.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, huy động vàng trong dân qua sàn vàng có thể kéo theo những hệ lụy khác, sẽ gây ra hiện tượng vàng hóa trở lại, có nghĩa là sẽ có 1 lượng tiền trong lưu thông quay trở lại với vàng, găm vàng thay vì đưa vào sản xuất kinh doanh.

Còn Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính – Bộ Tài chính) khẳng định, việc thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia để huy động vàng trong dân là khó khả thi.

Vị chuyên gia này phân tích, nếu sàn vàng được thành lập thì người tham gia chủ yếu là giới đầu cơ, còn các bà nội trợ hay những người nông dân sẽ không “mặn mà”. Bởi lẽ, người dân cầm vàng chủ yếu với mục đích tích trữ tài sản về lâu dài mà không quan tâm đến diễn biến hàng ngày, lời lãi thế nào. Còn người cầm vàng mà quan tâm đến lợi nhuận trong ngắn hạn thì họ đã chuyển sang các kênh đầu tư khác như gửi tiền đồng vào ngân hàng.

Thực hư con số 500 tấn vàng trong dân đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng nhiều ý kiến cho rằng lượng vàng trong dân là khá nhiều và nếu huy động được lượng vàng này vào phục vụ nền kinh tế là rất tốt. Tuy nhiên huy động bằng cách nào vẫn là câu hỏi lớn bấy lâu nay.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ cho rằng, chuyện huy động vàng gần như là rất khó, từ phía người cầm vàng chưa chắc đã thích. Tâm lý nắm giữ vàng của người dân, đặc biệt là ở nông thôn rất khó thay đổi, có những cái thuộc về tập quán. Lãi suất cao hay thấp, giá vàng lên hay xuống người ta vẫn tích, theo thói quen, tập quán. Và để thay đổi điều này không dễ.

Còn theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, huy động được khối vàng đó để đầu tư trở lại vào nền kinh tế cũng rất tốt nhưng không nên để các ngân hàng nhập cuộc thị trường vàng vì làm như thế, sẽ đi ngược chủ trương chống “vàng hóa” trong nền kinh tế. Vị chuyên gia này cũng cho rằng, nếu nhà nước huy động rồi đầu tư chỗ khác không kịp rút về để trả cho dân, rồi giá lên xuống phập phù là những rủi ro không dễ dàng cáng đáng.

Đồng quan điểm này, Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ dẫn chứng, thực chất, những năm 2000, lạm phát thấp, lãi suất cao, người dân tích trữ vàng nhiều. Thời điểm đấy Chính phủ cho phép huy động vàng để cho vay. Điều đó đã giúp giảm lãi suất cho vay ở thời điểm đó. Tuy nhiên, nó chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài sẽ gặp rủi ro khi giá vàng biến động.

“Làm một phép so sánh, đầu những năm 2000, giá vàng thế giới vào khoảng 250USD/ounce, đến năm 2011, giá đã lên tới 1.800USD/ounce. Như vậy, trong khoảng 10 năm vàng tăng gần 10 lần, tính ra là 20%/năm, vậy kinh doanh gì để trả được lãi suất đấy? Cho nên chuyện đi vay vàng rủi ro cao và nhà nước không nên theo đuổi những chính sách như thế”, Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ phân tích.

Giải pháp lâu dài mà nhiều chuyên gia đưa ra đó là cần ổn định kinh tế, cải cách môi trường kinh doanh. Môi trường kinh doanh tốt lên, người dân làm ăn dễ dàng, tự khắc họ sẽ bỏ tiền ra đầu tư làm ăn.

Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, điều cần thiết là làm sao để người dân không còn tập trung vào vàng, cần tạo ra một môi trường đầu tư để thay vì mua vàng, người dân sẽ đầu tư và tìm kiếm lợi nhuận, làm tài sản sinh sôi nảy nở thông qua các kênh đầu tư khác.

Vị chuyên gia này phân tích, sở dĩ người dân tích trữ vàng chủ yếu là do họ lo lắng lạm phát sẽ làm tiền đồng mất giá, cùng với đó là họ chưa tìm ra được kênh đầu tư nào hiệu quả.

Do đó, mục tiêu quan trọng vẫn là làm sao để người dân có kênh đầu tư hiệu quả, hấp dẫn hơn việc tích trữ vàng. Từ đó, họ sẽ không tích trữ vàng mà sử dụng nguồn lực tiền tệ của mình cho các mục tiêu đầu tư, phát triển, sinh lợi kể cả trực tiếp hay gián tiếp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TTXVN
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN