Đằng sau “cuộc hôn nhân hơn 32 triệu USD” ngắn ngủi giữa VinaCapital và Ba Huân
Câu chuyện về “cuộc hôn nhân” ngắn ngủi giữa VinaCapital và Ba Huân đã kết thúc, tuy nhiên dư luận đặt ra nhiều câu hỏi sau bản Hợp đồng kỳ lạ này.
“Cuộc hôn nhân” có duyên mà không có nợ
Các doanh nghiệp tại Việt Nam đa phần là vừa và nhỏ, trong đó các công ty nhỏ và rất nhỏ chiếm 85-90%. Chính vì vậy mà rất ít khi phải cần đến các nguồn vốn bên ngoài để đầu tư kinh doanh và nâng cao năng suất lao động của họ. Việc dựa vào các công ty nước ngoài để tăng phần vốn cho mình là một câu chuyện bình thường nhưng không hề đơn giản bởi nếu không nắm vững pháp lý về vốn, nội dung các hợp đồng không ký kết một cách chặt chẽ và đúng pháp luật thì khả năng xảy ra rủi ro là rất lớn.
Bà Phạm Thị Huân - Giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân
Thực tế hợp đồng giữa Ba Huân và Vinacapital (VOF) là như vậy. VOF là một quỹ đầu tư lớn đã rót vốn vào hơn 170 doanh nghiệp Việt Nam với số tiền là 1,8 tỷ USD, là một công ty có bề dày kinh nghiệm trên thương trường quốc tế về đầu tư vốn vào các doanh nghiệp.
Theo hợp đồng VOF đã mua 33,77% cổ phần của Ba Huân. Họ đã rót 32,5 triệu USD cho Ba Huân sau khi ký kết hợp đồng. Sau 5 tháng hôn nhân ngắn ngủi, công ty Ba Huân đột ngột có đơn kêu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ mong muốn dừng hợp tác với VOF với một lý do khó hiểu đó là: hai bên mới chỉ ký một bản hợp đồng tiếng Anh, sau một thời gian Ba Huân mới có bản tiếng Việt khi soi lại thì các nội dung trong bản tiếng Việt Ba Huân cho là không phù hợp với bản tiếng Anh cụ thể là tỷ suất hoàn vốn đầu tư (RIRR) lên đến 22% là quá xa vời đối với một đơn vị kinh doanh trứng gia cầm và thịt gà mà trước đó lợi nhuận bình quân hàng năm của đơn vị chỉ dao động trong khoảng ± 5% mà thôi, hoặc họ yêu cầu nếu Ba Huân không thực hiện được những điều khoản trong cam kết sẽ bị phạt hoặc phải bán thêm cho họ đủ 51% cổ phần của công ty. Sau khi có đơn của Ba Huân, lập tức quỹ VOF đã gửi thông báo và quyết định dừng đầu tư vào Ba Huân.
Những câu hỏi còn bỏ ngỏ…
Câu chuyện hợp tác giữa đôi bên đã kết thúc, tuy nhiên dư luận đặt ra nhiều câu hỏi sau bản Hợp đồng kỳ lạ này:
- Ba Huân là một đơn vị đã kinh doanh mấy chục năm có đầy đủ kinh nghiệm và có đủ điều kiện để thuê các tư vấn pháp lý hỗ trợ cho việc ký kết hợp đồng của mình. Vậy, tại sao chỉ mới có bản hợp đồng tiếng Anh họ đã vội ký và thực hiện? (Dù là một bản tiếng Anh đi nữa thì ít nhất Ba Huân cũng phải đọc và dịch đầy đủ câu chữ, nội dung rồi mới hạ bút ký, đấy là một lẽ thường tình của công ty sản xuất kinh doanh ở Việt Nam.)
- Ba Huân chỉ quan tâm nhiều đến việc gọi vốn mà họ đã quên đi những điều tối thiểu của một quyết định quan trọng, lâu dài của toàn đơn vị? Soi lại ở Việt Nam hình như chưa có hay chưa phát hiện một hợp đồng nào tương tự như Ba Huân đã ký với VOF.
Rõ ràng ở đây có trách nhiệm của cả hai phía, phía Công ty Ba Huân thì đã quá rõ, còn VOF thì sao? Liệu trong 170 Công ty Việt Nam mà VOF đã ký hợp tác đầu tư vốn thì có bao nhiêu % hợp đồng đã ký chỉ có 1 bản tiếng Anh ban đầu, sau đó mới gửi tiếp bản tiếng Việt cho đối tác?
Giả thuyết rằng Ba Huân đã yếu kém trong việc ký kết hợp đồng nhưng câu hỏi đặt ra là VOF có ý định gì khi chỉ giao dịch với Ba Huân bằng một bản tiếng Anh mà không có bản tiếng Việt một cách đồng thời? Phải chăng các cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam cần xem xét và giải đáp một cách thỏa đáng những thắc mắc này trước dư luận?
…Và bài học nhãn tiền
Kinh doanh sản xuất hiện nay trong xu thế hội nhập và làm ăn phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam và quốc tế là một thách thức khắc nghiệt với các doanh nghiệp Việt còn non yếu về mọi mặt mà lại đang khát về vốn, về công nghệ để phát triển.
Vụ việc trên cho chúng ta thấy nếu thiếu vốn, trước tiên các doanh nghiệp Việt nên dựa vào các ngân hàng Việt có uy tín để vay vốn kinh doanh.
Lựa chọn tiếp theo là vay vốn ở quỹ đầu tư nước ngoài nhưng cần phải thận trọng hơn trong việc ký kết hợp đồng với họ. Những công ty đã ký hợp đồng với các quỹ đầu tư nước ngoài cần soi xét lại hợp đồng trước đây đã ký để có thể khắc phục những khiếm khuyết như trường hợp tương tự của Ba Huân.
Theo góc nhìn của tôi, các ngân hàng quỹ đầu tư trong nước cần mở rộng cánh cửa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt vay vốn để phát triển. Điều đó rất phù hợp với sự chỉ đạo của Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí cho doanh nghiệp đảm bảo nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam trên sân nhà và vươn ra thị trường quốc tế.
Lùm xùm của “Cá mập” VinaCapital và “Trứng” Ba Huân đã đi đến hồi kết.