Dân vẫn phải mua vàng ở đâu bán ở đó

DN kinh doanh vàng nhận định giá vàng trang sức sẽ tăng vì để làm trang sức từ vàng đủ tuổi, nhiều DN sẽ nâng tiền gia công lên để bù vào. Thị trường vàng trang sức hiện tại vẫn chưa thể xóa việc mua ở đâu bán ở đấy.

Thị trường vàng trang sức vẫn án binh bất động sau khi Thông tư 22 về quản lý đo lường và chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ có hiệu lực từ 1/6, sau 09 tháng “ân hạn”.

Nhìn chung, vấn đề cần xóa bỏ của thị trường vàng trang sức là mua ở đâu phải bán tại đó vẫn chưa thể thay đổi.

Theo ông Trần Hải, Chánh Văn phòng SJA, mặc dù TT 22 sẽ đảm bảo chất lượng vàng trang sức là đồng bộ trên thị trường, nhưng vàng trang sức là sản phẩm đặc biệt có gắn tên đơn vị sản xuất, tuổi vàng, đã được chế tác thành một loại mẫu nhất định… nên sẽ vẫn còn tình trạng mua đâu bán đó. Chẳng hạn, một người tiêu dùng mua một chiếc nhẫn vàng 18K của tiệm vàng A, sau một thời gian đem bán cho tiệm vàng B, dù chất lượng là đồng nhất nhưng tiệm vàng B chắc chắn sẽ mua giá thấp hơn nhiều, vì không thể để nhãn mác của tiệm vàng A dập trên sản phẩm bán trong tiệm của mình. Tiệm vàng B chỉ có thể đem nấu lại chiếc nhẫn đó thành sản phẩm khác hoặc đem bán lại cho tiệm vàng A.

Một DN kinh doanh vàng nhận định giá vàng trang sức sẽ tăng sau thông tư 22 vì để chế tác trang sức bằng vàng đủ tuổi, nhiều DN vàng sẽ nâng tiền gia công lên bù vào.

Còn đối với khách hàng, mỗi khi mua một sản phẩm là đã chấp nhận tiền gia công chế tác sản phẩm đó từ 300.000 đồng cho đến trên 1 triệu đồng/sản phẩm, tùy độ tinh xảo.

Dân vẫn phải mua vàng ở đâu bán ở đó - 1

DN kinh doanh vàng nhận định giá vàng trang sức sẽ tăng vì để làm trang sức từ vàng đủ tuổi (Ảnh minh họa)

Hiện nay, với khoảng 3.000 DN kinh doanh vàng trang sức trên địa bàn TP.HCM, mới có rất ít DN đầu tư máy huỳnh quanh tia X để kiểm định vàng, vì giá của máy này khá cao từ 500 triệu đồng tới gần 1 tỷ đồng.

Chủ tiệm vàng Kim Hảo (TP.HCM) cho biết, việc tuân thủ theo quy định về chất lượng của TT 22 DN phải tuân theo. Tuy nhiên, một số DN bán vàng nhưng còn hàng tồn thì ký mã hiệu trước kia không giống hiện nay thì có bị phạt không? Chẳng hạn, vàng đã bán và mua lại thì có bị phạt không? Bên cạnh đó, một số DN đã mua máy huỳnh quang tia X rồi, có tem kiểm định của máy rồi thì theo quy định mới có phải đổi máy không? Như vậy sẽ rất tốn kém cho DN.

Còn tiệm vàng Ngọc Hoài (TP.HCM) cho rằng, hiện DN mới chỉ chuyển đổi được 30% số vàng theo quy chuẩn mới. Nhưng vấn đề ở đây là hiện các tiệm vàng nhỏ, lẻ đều lấy hàng gia công từ các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ nên chất lượng vàng phụ thuộc vào chính các DN vàng nhỏ, lẻ này, đồng thời tiệm cũng không có máy huỳnh quang tia X để kiểm tra.

Theo bà Bà Hồ Kim Huệ - Chánh Thanh tra Sở KHCN-HCM, người bán phải chịu trách nhiệm với người mua, bán vàng không đúng chất lượng thì phải chịu trách nhiệm. Còn việc tiệm vàng đầu tư máy huỳnh quang tia X để kiểm định vàng vẫn được công nhận nếu máy có tem kiểm định. 

Có ý kiến cho rằng, chính vì các tiệm vàng đều đặt hàng tại các cơ sở sản xuất kinh doanh vàng nhỏ, lẻ để gia công, chế tác sản phẩm cho mình. Do vậy, chất lượng vàng phải được truy xuất từ đây.

Theo Nghị định 80/2013, DN vàng trang sức có thể bị tước Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh từ 1-6 tháng và sẽ bị phạt đến 5 lần tổng giá trị sản phẩm vi phạm về chất lượng hàng hóa không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng… Đặc biệt, DN vàng trang sức có thể bị phạt cao nhất lên tới 2 tỷ đồng nếu vi phạm về đo lường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Linh Lan (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN