Dân li hương vì...dự án bỏ hoang

Dự án Khu công nghiệp Bình Long (rộng 41 ha) nằm trên địa bàn xã Bình Long, huyện Châu Phú tỉnh An Giang sau hơn 10 năm triển khai vẫn chỉ lèo tèo vài nhà đầu tư. Trong khi đó, ở đây lại nóng chuyện khiếu kiện; nhiều người phải li hương, bần cùng...

Bồi thường tùy tiện?

Đất thực tế của gia đình ông Mai Phú Túc, xã Bình Long theo bản đồ là 6.880m2, nhưng quyết định bồi thường chỉ có 3.485,50m2. Đất thổ cư được UBND xã Bình Long xác nhận và thu thuế hằng năm 710m2, quyết định bồi thường chỉ 79,65m2.

UBND tỉnh An Giang lập dự án bồi thường tre, trúc giá 50.000 đồng/cây, nhưng quyết định bồi thường thực tế cho dân chỉ 4.000 đồng/cây.

Theo quyết định 2589 ngày 19-9-2007 của UBND tỉnh An Giang, những hộ bị thu hồi đất có 6 nhân khẩu thì được cấp một nền nhà tái định cư tại chỗ, gia đình ông Túc có bảy nhân khẩu nhưng không được cấp nền nhà.

“Trước khi giải tỏa, cán bộ huyện, tỉnh về họp dân nói sẽ bồi thường thỏa đáng theo Nghị định 22 của Chính phủ và theo Quyết định 125 của UBND tỉnh An Giang. Theo đó, đất giáp quốc lộ 91 được bồi thường giá 1.020.000 đồng/m2, đất tiếp giáp đất hương lộ kinh cấp I và II, giá 510.000 đồng/m2, thế nhưng quyết định bồi thường của huyện chỉ chấp nhận mức giá 25.000 - 35.000 đồng/m2. Ngay cả tiền trợ cấp 720.000 đồng/tháng và 30kg gạo cho mỗi nhân khẩu cũng không đến tay người dân”, ông Túc nói.

Việc UBND huyện Châu Phú ra quyết định đền bù cũng bất nhất. Ngày 3-1-2003, UBND huyện ban hành quyết định số 107/QĐ.UB bồi thường cho gia đình ông Đàm Văn Tài gồm đất thổ cư 175m2, hơn 80m2 nhà ở, 4 ngôi mộ…, giá 72.501.200 đồng.

Thấy giá bồi thường quá thấp, ông Tài khiếu nại thì huyện lại ra quyết định số 776/QĐ.UB bồi thường giá thấp hơn 68.132.400 đồng. Ông Tài tiếp tục khiếu nại, huyện lại ra quyết định khác với giá bồi thường 71.268.400 đồng.

Tương tự, hộ ông Trương Văn Út nhận quyết định bồi thường lần thứ nhất 74.506.200 đồng. Thấy giá bồi thường thấp, cầu tiêu, nhà tắm, bồn nước không được bồi thường, ông Út khiếu nại thì huyện lại ra quyết định bồi thường xuống còn 49.701.200 đồng.

“Việc bồi thường, giải tỏa thể hiện sự tùy tiện. Chính quyền địa phương bố trí tái định cư cũng không công bằng, hộ nhiều đất nhiều người cũng được một nền, hộ ở đậu, ở tạm cũng nhận một nền. Hiện còn 11 hộ dân cương quyết không nhận tiền bồi thường vì giá quá thấp. Tiền bồi thường, một mét vuông đất mua được mấy bó rau thì ai nhận làm gì”. Nguyễn Hồng Châu một người dân trong vùng dự án nói.

Dân li hương vì...dự án bỏ hoang - 1

Sau hơn 10 năm khu công nghiệp Bình Long vẫn hoang vắng.

Khiếu kiện kéo dài

Gia đình ông Phạm Trung Ly có 5.789m2 đất, trước khi chưa có khu công nghiệp, cả nhà bảy người sống đầm ấm, sung túc với thu nhập trên 100 triệu mỗi năm từ nguồn nuôi cá tra, ngoài ra còn nguồn thu từ chăn nuôi heo, gà, rau màu các loại.

“Từ khi nhà nước thu hồi đất xây dựng khu công nghiệp hai đứa con gái đi lấy chồng, ba người con trai người thì mở quán cà phê “cóc ổi” ở xóm, người thì đi làm thợ mộc trên Bình Dương, người đi uốn tóc…, hai ông bà già không có việc gì làm sống lay lắt. Trong khi vội vàng cưỡng chế dân thì vùng dự án bao năm rồi vẫn chỉ lèo tèo vài nhà đầu tư. Có vùng xây hàng rào rồi bỏ hoang”, ông Ly kể.

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Tranh chủ yếu sống bằng nghề mắm con và dưa mắm, mỗi năm bán ra thị trường khoảng 4-5 tấn sản phẩm.

Sau khi bị cưỡng chế, nhà cửa, tài sản cũng bị thu giữ, gia đình li tán. Ông Tranh chạy lên Đồng Nai làm phụ hồ, vợ đi nấu thuê. Các con ông thất học, bơ vơ di tản lên các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, TPHCM làm thợ hồ, thợ sơn, làm công nhân may mặc…

Ông Nguyễn Hoàng Phương là một bộ đội xuất ngũ. Cha mẹ dựng cho cái nhà kế bên, diện tích 49,5m2, để cưới vợ, ở riêng.

Các quyết định 1178 ngày 1-8-2003 và 23-3-2005, của UBND huyện Châu Phú không bồi thường nhà, chỉ bồi thường “đất hoa màu loại 2”, giá 1.732.500 đồng. Đến ngày 14-11-2005 huyện lại ra quyết định số 2465 hủy hai quyết định trên.

Ông Phương không được bồi thường đồng nào do: Có cùng chung hộ khẩu với cha (5 khẩu) và vì ngôi nhà không có ngõ đi riêng...

Ông Phương nói: “Nồi niêu, chén bát; quần áo, mùng mền, chiếu gối cùng đồ đạc trong nhà bị chính quyền cưỡng chế thu giữ hiện chưa trả lại. Sau cưỡng chế, cán bộ huyện Châu Phú hứa miệng rằng sẽ hỗ trợ tôi 40 triệu đồng làm nhà và cho vay ưu đãi 10 triệu để làm ăn nhưng có thấy gì đâu. Gia đình đi thuê nhà trọ mấy năm nay. Cha đau bệnh, vợ không có việc làm, tôi đi làm thợ hồ”.

Nguồn gốc đất nhà của gia đình bà Trương Kim Tiết có từ năm 1946, nhà có 10 nhân khẩu sống ổn định bằng nghề nông.

Bà Tiết cho biết: “Lực lượng cưỡng chế ngoài việc tháo dỡ ngôi nhà 85m2, còn khiêng cả tủ thờ trong đó có nhiều kỷ vật là nữ trang do mẹ để lại. Hiện mạnh ai nấy tìm chỗ ở, việc làm. Riêng tôi sống chui rúc dưới gầm nhà sàn người thân từ năm 2004 đến nay. Cuộc sống rất khó khăn. Thưa kiện hoài không ai giải quyết”.

Chủ tịch UBND huyện Châu Phú - Võ Thanh Tráng cho biết, khi xây dựng khu công nghiệp Bình Long, ông chưa làm chủ tịch. Hiện thẩm quyền giải quyết cũng không thuộc huyện. Tuy nhiên, ông Tráng cho rằng việc người dân khiếu kiện như thế là “không đúng với quy định của pháp luật”.

Một cán bộ tiếp dân của UBND tỉnh An Giang cho biết: Tỉnh và Thanh tra Chính phủ đã nhiều lần tổ chức đối thoại với dân để “giải quyết dứt điểm” khiếu nại ở Khu công nghiệp Bình Long, tuy nhiên hiện vẫn còn 11 hộ vẫn thưa kiện kéo dài. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Lĩnh (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN