Đàn bò “khủng” của bầu Đức bây giờ ra sao?

Sự kiện: Bầu Đức

Hiện nay, bầu Đức xem việc duy trì đàn bò là “để hỗ trợ nguồn phân bón cho ngành trồng trọt” với số lượng chỉ hơn 10.000 con.

Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Group) vừa gửi thông điệp đến cổ đông và nhà đầu tư khi công bố báo cáo thường niên năm 2017 khẳng định lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của HAGL năm 2018 là ngành trồng trọt với trọng tâm là sản xuất trái cây. Chăn nuôi bò, từng đóng góp gần 52% doanh thu của HAGL vào năm 2016 thì năm 2018 chỉ còn duy trì để… hỗ trợ nguồn phân bón cho ngành trồng trọt với tổng đàn chỉ còn 13.000 con.

Đàn bò “khủng” của bầu Đức bây giờ ra sao? - 1

Từ vị trí chủ lực đóng góp doanh thu lớn cho HAGL, đàn bò giờ chỉ còn vị trí khiêm tốn để hỗ trợ phân bón cho trồng trọt - Ảnh: HAGL

Vào giữa năm 2014, HAGL công bố dự án nuôi bò công nghệ cao với tổng vốn khoảng 6.300 tỉ đồng, dự kiến tổng số lượng đàn bò "khủng" khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng bởi quy mô quá lớn. Đây là giai đoạn bò Úc được một số doanh nghiệp nhập về vỗ béo bán ra thị trường như một lĩnh vực kinh doanh mới đầy tiềm năng. 

Tại báo cáo thường niên năm 2014, HAGL nhận định: "Trong lĩnh vực chăn nuôi bò, thức ăn chiếm tới 80% giá thành nên một khi mở rộng hoạt động sản xuất cọ dầu, mía đường, bắp..., HAGL sẽ tận dụng được bã cọ dầu, mật rỉ mía đường, lõi bắp và diện tích đất ven sông suối nhiều cỏ... làm nguồn thực phẩm cho bò. Như thế, việc đầu tư chăn nuôi giúp HAGL phân hóa rủi ro, hạn chế được các ảnh hưởng tiêu cực gây ra bởi những biến động trên thị trường, hỗ trợ mạnh mẽ cho các lĩnh vực kinh doanh dài hạn khác của tập đoàn."

Còn nhớ, khi bước vào chăn nuôi bò, bầu Đức nhiều lần khẳng định với báo giới về lợi thế khiến chăn nuôi bò trở thành lĩnh vực "siêu lợi nhuận" của HAGL. Tuy nhiên, thực tế kết quả kinh doanh theo công bố hằng năm của chính HAGL thì các kế hoạch hầu như không đạt được, cho thấy lĩnh vực này không hề "dễ ăn".

Đàn bò “khủng” của bầu Đức bây giờ ra sao? - 2

Bầu Đức trao đổi với các phóng viên khi công bố dự án nuôi bò vào thời điểm tháng 6 - 2014 tại TP HCM - Ảnh: NGỌC ÁNH

Theo đó, năm 2016, HAGL xuất bán được nhiều bò nhất, với số lượng 122.740 con, mang lại doanh thu 3.465 tỉ đồng, lợi nhuận gộp đạt 440 tỉ đồng và tỉ lệ lợi nhuận gộp đạt 13%. Lợi nhuận chăn nuôi bò của HAGL được ghi nhận cao nhất là vào năm 2015 khi doanh thu bán bò đạt 2.542 tỉ đồng, lợi nhuận gộp đạt 743 tỉ đồng và tỉ suất lợi nhuận gộp đạt 29%. Đến năm 2017, doanh thu bán bò của HAGL chỉ còn 759 tỉ đồng mang về lợi nhuận 37 tỉ đồng, tỉ suất lợi nhuận gộp giảm còn 4,8%.

Với kết quả kinh doanh như trên, đối với chăn nuôi bò, HAGL hiện chỉ duy trì khoảng 13.000 con. "Tuy biên lợi nhuận của mảng chăn nuôi bò thời điểm hiện tại không cao, nhưng đây là một lợi thế quan trọng để hợp thành chuỗi nông nghiệp khép kín của công ty khi cung cấp lượng phân hữu cơ rất lớn cho vườn cây ăn trái đạt hiệu quả cao và tuân thủ tiêu chuẩn GlobalGAP" - báo cáo giải thích.

Sự thu hẹp quy mô đàn bò được HAGL giải thích là do thiếu vốn lưu động cho mảng chăn nuôi nên đã chủ động cắt giảm quy mô. Tuy nhiên, nhìn lại kết quả kinh doanh từ mảng chăn nuôi bò từng được kỳ vọng cũng dễ hiểu lý do tập đoàn này chuyển dịch mạnh sang lĩnh vực mới là trái cây.

Về bò thịt, năm 2014, HAGL đã ký kết với Công ty VISSAN để hợp tác giết mổ, tiêu thụ nhưng thực tế VISSAN chỉ tiêu thụ đúng 1 lô bò của HAGL trong ngày công bố ra mắt sản phẩm vào đầu năm 2015. Sau đó, HAGL chỉ còn tiêu thụ bò sống cho các cơ sở giết mổ đã được phía Úc công nhận đủ điều kiện.

Mua bảo hiểm cho trại bò

Theo HAGL, nông nghiệp là một ngành kinh tế đặc thù với những đặc điểm riêng biệt, chịu ảnh hưởng nhiều của các điều kiện tự nhiên và tính thời vụ. Đối với chăn nuôi gia súc, rủi ro là đàn có thể chịu ảnh hưởng của các loại bệnh phổ biến đối với gia súc, dẫn đến giảm số lượng và chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng đến chi phí đầu tư và hiệu quả kinh doanh. Biện pháp công ty hạn chế rủi ro là đào tạo đội ngũ thú y có kiến thức chuyên sâu về các bệnh phổ biến của bò. Đồng thời, đưa ra các quy trình xử lý vệ sinh thức ăn, nước uống, chất thải nhằm hạn chế tối đa việc phát triển và lây lan của mầm bệnh. Ngoài ra, tập đoàn tiến hành đánh giá xác suất xảy ra rủi ro cho từng ngành và mức thiệt hại phát sinh khi xảy ra rủi ro. Tập đoàn đã mua đầy đủ các loại bảo hiểm rủi ro nhà xưởng, bảo hiểm rủi ro trong chăn nuôi cho các nông trường bò.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Ánh (Người lao động)
Bầu Đức Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN