“Đại hồng thủy” cuốn trôi Phố Wall

Các chỉ số chứng khoán chính tại thị trường Mỹ chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch đầu tuần.

Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần ngày 14/05/2012, chỉ số Dow Jones giảm 125,25 điểm, tương ứng 0,98%, chốt phiên ở mức 12.695,35 điểm. Tính trong tuần trước, chỉ số Dow Jones để mất 1,67%.

Trong số 30 cổ phiếu đang niêm yết tại đây, chỉ có duy nhất 1 cổ phiếu có mức tăng điểm là cổ phiếu của hãng Cisco với 1,21%. Cisco tăng trước hoạt động bắt đáy của nhà đầu tư vì các phiên trước đó, cổ phiếu của người khổng lồ công nghệ đã giảm rất sâu.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu của hai ngân hàng JP Morgan và Bank of America dẫn đầu đà giảm với tỷ lệ tương ứng 3,17% và 2,65%.

Chỉ số S&P 500 hạ 15,04 điểm, tương ứng 1,11%, dừng ở mức 1.338,35 điểm. Như vậy, chỉ số này đã để mất ngưỡng 1.350 điểm quan trọng. Tính trong tuần trước, chỉ số này đã giảm tới 1,15%.

Tất cả 10 chỉ số ngành trên S&P 500 đều giảm điểm trong phiên này trong đó, cổ phiếu ngành tài chính và năng lượng có tốc độ giảm mạnh nhất.

Chỉ số Nasdaq giảm 31,24 điểm, tương ứng 1,06%, chốt phiên ở mức 2.902,58 điểm. Trong tuần trước, chỉ số Nasdaq giảm 0,76% và đang ở mức thấp nhất trong vòng 3 tháng trở lại đây.

Chỉ số CBOE Volatility Index, VIX, chỉ số đo mức độ sợ hãi của các nhà đầu tư, tăng vượt mức 21 điểm lần đầu tiên trong vòng gần 3 tháng trở lại đây.

Có khoảng 6,6 tỷ cổ phiếu được giao dịch thành công trên cả 3 sàn giao dịch New York, America Exchange và Nasdaq.

“Đại hồng thủy” cuốn trôi Phố Wall - 1

Tại sàn giao dịch New York, số lượng cổ phiếu giảm điểm so với số lượng cổ phiếu tăng điểm là 2.557/472. Trong khi đó, tại sàn giao dịch Nasdaq, tỷ lệ này là 1.921/614.

Chứng khoán Mỹ suy giảm khi Hy Lạp cố đấu tranh để thành lập một chính phủ mới trong bối cảnh đầu cơ phát triển ở quốc gia này có thể khiến Hy Lạp phải rời bỏ đồng euro.

Hiện tại, các nhà lãnh đạo Hy Lạp mở rộng các cuộc đàm phán để thành lập chính phủ liên minh sau khi thất bại ở những nỗ lực cuối cùng trong tuần trước. Cuộc bầu cử mới sẽ diễn ra vào tháng sáu được đánh giá có thể khiến Hy Lạp rời khỏi đồng euro.

Nỗi lo lắng về sự thoái lui của Hy Lạp đã đẩy trái phiếu 10 năm của Tây Ban Nha vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 12 năm ngoái.

Art Cashin, giám đốc tổ chức tài chính tại UBS Financial Services nhận xét: “Nếu Hy Lạp rời bỏ đồng euro, trận đại hồng thủy có thể xảy ra. Nó có thể giống thảm họa của Lehman. Điều này sẽ là một quá trình, nhưng là quá trình nhanh chóng. Hệ thống ngân hàng Hy Lạp bị ảnh hưởng nặng nề. Tình trạng xấu bắt đầu từ Hy Lạp và lan sang các quốc gia khác”.

John Manley, chiến lược gia chứng khoán tại Wells Fargo Advantage Funds, New York, đơn vị quản lý 207 tỷ USD cho biết: “Chắc chắn chúng ta có quá nhiều điều để lo lắng. Nguy cơ Hy Lạp rời đồng euro đang ở rất cao”.

Scott Bauer, chiến lược gia thị trường cấp cao tại Trading Advantage trên “Squawk on the Street” của CNBC đề cao yếu tố khu vực đồng euro. Ông Sự Scott Bauer cho rằng sự thiếu hụt báo cáo kết quả kinh doanh của các tập đoàn và thông tin vĩ mô của Mỹ sẽ khiến các nhà đầu tư tập trung vào khu vực đồng euro.

Scott Bauer dự báo nếu không có tin tốt từ khu vực châu Âu, S&P thậm chí có thể giảm sâu xuống 1.260 điểm, điểm trung bình giữa mức thấp của tháng 10 năm ngoái và đỉnh cao gần đây.

Ngoài ra, nỗi lo ngại tăng trưởng chậm ở Trung Quốc cũng gây nhiều rắc rối cho nhà đầu tư trong vài tháng trở lại đây. Và tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tiếp tục là điểm mà nhà đầu tư sẽ quan tâm trong thời gian sắp tới.

Không chỉ nhấn chìm Phố Wall, Hy Lạp còn khiến thị trường chứng khoán châu Âu chìm trong sắc đỏ. Chỉ số Stoxx Europe 600 giảm 1,8% đóng cửa ở mức 247,43 điểm. Chỉ số FTSEurofirst 300, chỉ số của các cổ phiếu bluechip tại khu vực châu Âu giảm 1,7% về mức 1.004,20 điểm.

Tất cả 18 chỉ số chứng khoán chính tại khu vực châu Âu đều mất điểm trong phiên này, trong đó chứng khoán Hy Lạp tiếp tục là tâm điểm khi giảm mạnh. Chỉ số AGI giảm tới 4,6%, rơi xuống 584,04 điểm, đánh dấu mức giảm tồi tệ nhất trong số các chỉ số chứng khoán cùng khu vực.

Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha giảm 2,7% xuống 6.808,40 điểm. Chỉ số chứng khoán của Đức, DAX 30 giảm 1,94% chốt ở mức 6.451,97 điểm. Chỉ số chung của Pháp - CAC 40 giảm 2,29% đóng cửa ở mức 3.057,99 điểm. Chỉ số chứng khoán FTSE MIB của Italia đã rơi tới 2,7% xuống mức 13.660,87 điểm. Chỉ số FTSE của Anh giảm 1,97% đóng cửa ở mức 5.465,52 điểm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN