Đại hạ giá vàng để... đầu cơ
Nhiều ngày qua, giá vàng miếng của một số thương hiệu tiếp tục “đại hạ giá”, thấp hơn vàng SJC cả triệu đồng/lượng.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua, giá vàng SJC mua vào 41,8 triệu đồng/lượng, bán ra 42,1 triệu đồng/lượng. Cùng lúc, giá vàng một số thương hiệu khác như Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu là 40,95 triệu đồng/lượng (mua vào), 41,25 triệu đồng/lượng (bán ra), thấp hơn SJC 850.000 đồng/lượng. Vàng AAA của Tổng Công ty Vàng Agribank thấp hơn SJC 600.000 đồng/lượng…
Đây không phải lần đầu tiên vàng miếng phi SJC “đại hạ giá”. Còn nhớ, thời điểm cuối năm 2011, khi dự thảo Nghị định 24 được công bố, thị trường bắt đầu loạn giá giữa các thương hiệu khi có thông tin SJC được chọn làm vàng thương hiệu quốc gia. Lúc đó, người dân đổ xô bán vàng miếng phi SJC, buộc doanh nghiệp phải hạ giá bán. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước nhiều lần khẳng định vàng miếng các loại bình đẳng như nhau, kể cả khi nghị định có hiệu lực. Thị trường vàng ổn định trở lại, giá vàng các loại chênh lệch không đáng kể.
Nay, vàng phi SJC lại bị “đại hạ giá” khi thị trường chờ đợi thông tin chuyển đổi sang SJC, phải chăng đang có dấu hiệu đầu cơ?
Ngân hàng Nhà nước cũng luôn khẳng định người dân có quyền nắm giữ, sở hữu tất cả vàng miếng các loại, không phân biệt đối xử… (Ảnh minh họa).
Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 24 một lần nữa khẳng định vàng miếng các thương hiệu vẫn được giao dịch bình thường trong thời gian chuyển tiếp. Nghĩa là áp lực từ thông tin SJC sẽ độc quyền vàng miếng khiến vàng miếng phi SJC bị “ra rìa” không còn nhiều. Tuy chưa có lộ trình chuyển đổi nhưng trong lần trả lời phóng viên mới đây, Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) Lê Hùng Dũng khẳng định khi chuyển đổi, người giữ vàng miếng các loại chỉ cần đem qua SJC dập lại, đóng phí 60.000 đồng/lượng sau khi kiểm tra đúng tiêu chuẩn, hàm lượng vàng… Ngân hàng Nhà nước cũng luôn khẳng định người dân có quyền nắm giữ, sở hữu tất cả vàng miếng các loại, không phân biệt đối xử…
Với cách “đại hạ giá” vàng thương hiệu phi SJC, người sở hữu vàng đang lỗ nặng vì mua cao bán thấp. Chẳng hạn, nếu bán vàng Rồng Thăng Long ở mức 40,95 triệu đồng/lượng rồi mua SJC với giá 42,1 triệu đồng/lượng, người dân sẽ bị thiệt hơn 1,1 triệu đồng/lượng. Sau đó, với số lượng vàng thu gom được, các doanh nghiệp có thể hưởng lợi cả triệu đồng/lượng chênh lệch khi Nhà nước cho phép chuyển đổi qua SJC (chỉ mất phí gia công vài chục ngàn đồng).
Cùng là vàng miếng sản xuất theo chuẩn Ngân hàng Nhà nước cấp phép, mỗi loại có thương hiệu khác nhau. Giá mua bán có thể ảnh hưởng bởi thương hiệu nhưng không thể chênh lệch cả triệu đồng/lượng, tạo ra sự méo mó cho thị trường vàng, thiệt hại cho người dân.