Đại gia và nỗi đau bị siết nợ

Hơn lúc nào hết, nợ xấu như một bóng ma dai dẳng đeo bám vào nền kinh tế ọp ẹp. Sự lùng nhùng của mớ nợ xấu đang hàng ngày tiêu hao sinh lực của hệ thống tài chính - ngân hàng. Muốn cứu vãn nền kinh tế không có cách nào khác là phải bắt đầu bằng việc làm sạch nợ xấu.

Nợ: Từ quá hạn đến... xấu

Đầu tuần, tôi bỗng gặp người quen cũ, vốn là một tay giang hồ có số má ở Hải Phòng. Cứ trông thì biết, đi xe đẹp, ăn mặc lịch lãm và xài đồ hiệu không khác gì các đại gia. Ít ai biết rằng, cách đây mấy năm, hết thời gian thụ án, hắn lang thang sống bằng nghề bảo kê và đòi nợ thuê, lúc nào cũng nơm nớp bị pháp luật sờ gáy.

Cũng theo lời hắn kể thì khi nền kinh tế lâm vào khủng hoảng, hụi họ bể đôm đốp như bong bóng đám cưới, thì các khoản nợ nần dây dưa ngày càng nhiều. Đó là lúc mà các chủ nợ sử dụng đến công cụ hữu hiệu như hắn: Đòi nợ thuê theo cách xã hội... đen. Tùy theo độ khó của những khoản nợ mà chủ thoả thuận ăn chia theo tỷ lệ phần trăm.

Hắn lý giải: Đã có tín dụng đen thì ắt phải có cách đòi nợ theo kiểu xã hội đen. Bởi khi chuyện vay mượn được thể hiện bằng khế hẳn hoi, đến thời hạn không trả, chủ nợ và con nợ lần lượt kéo nhau ra toà, nhưng rồi ngay cả phán quyết của toà án cũng không mấy khi được thực thi.

Đem chuyện này trao đổi với một chuyên gia kinh tế, ông cho rằng, đó là một thực tế đáng buồn khi một trong những hoạt động quan trọng của nền kinh tế lại bị bỏ trống và được giải quyết theo cách phi luật. Khi mở cửa với thế giới, chúng ta không thể để cho không gian phi luật lan rộng và tự tung tự tác chi phối nền kinh tế.

Trong nền kinh tế thị trường, quan hệ nợ - có như là một hoạt động tất yếu của các giao dịch kinh tế và phân công lao động. Quan hệ, nợ - có thường được ràng buộc bởi các điều khoản về nghĩa vụ hoàn trả vốn và lãi. Những thoả thuận này được thể hiện bằng các hợp đồng vay mượn hoặc hợp đồng tín dụng. Khi quan hệ nợ - có được luật hoá và được tôn trọng là điều cần thiết cho một nền kinh tế lành mạnh. Tuy nhiên, đời sống thương trường không phải lúc nào cũng diễn ra như mong muốn, thế mới có chuyện nợ quá hạn, nợ khó đòi, nợ xấu.

Nợ quá hạn là những khoản đến kỳ thanh toán nhưng con nợ chưa có khả năng thanh toán. Tuy nhiên, nợ quá hạn chưa chắc đã phải là nợ xấu. Khi con nợ chưa hoàn thành nghĩa vụ thanh toán nhưng vẫn còn đó các tài sản đảm bảo, vẫn còn đó những khả năng sinh lời của các tài sản, vấn đề còn lại là thời hạn thanh khoản không như mong muốn làm vỡ kế hoạch tài chính. Một số khoản nợ khác có thể coi là xấu nhưng chưa hết cơ hội thu hồi, khi con nợ vẫn còn năng lực và vẫn có cơ hội phục hồi năng lực trả nợ.

Đại gia và nỗi đau bị siết nợ - 1

Làm sạch nợ xấu như là điều kiện cần để làm lành mạnh hoá các tổ chức tài chính, đặc biệt là hệ thống các ngân hàng thương mại. (Ảnh minh họa).

Hai cách làm đẹp nợ xấu

Doanh nhân Lê Văn Kiểm, từng là bạn thân của Tăng Minh Phụng, cho rằng, để có như ngày hôm nay, ông cũng đã từng là một con nợ. Thậm chí không phải là nợ thường mà là nợ chồng nợ chất, nợ đơn nợ kép, trong đó có không ít khoản nợ... thối. Hàng ngày ở văn phòng ông luôn có một cán bộ tín dụng túc trực, hể có khoản tiền nào chuyển về là bị chấn ngay. Nhưng rồi cũng may nhờ giời, khi thị trường hết đóng băng, ông bán đi một vài thứ, giãn được ít khoản nợ rồi cứ thế hồi sinh, ăn ra làm nên giải quyết hết nợ xấu.

Nợ xấu hay nợ khó đòi là các khoản nợ dưới chuẩn, có thể quá hạn hoặc chưa quá hạn nhưng bị nghi ngờ về khả năng trả nợ lẫn khả năng thu hồi vốn của chủ nợ, điều này thường xảy ra khi các con nợ đã tuyên bố phá sản hoặc đã tẩu tán tài sản. Nợ xấu gồm các khoản nợ quá hạn trả lãi hoặc gốc thường quá ba tháng căn cứ vào khả năng trả nợ của khách hàng để hạch toán các khoản vay vào các nhóm thích hợp.

Lý thuyết là vậy, nhưng nợ thế nào là xấu, hay xấu đến mức độ nào còn phụ thuộc vào cách đánh giá, nhận định của chủ nợ. Các ngân hàng thương mại VN hiện vẫn áp dụng cách thức phân loại nợ theo quyết định số: 493/2005/QĐ-NHNN để trích là lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Nợ xấu không phải là một hiện tượng mới, thậm chí chúng ta đã từng có những thực tiễn sinh động cách đây 15 năm. Năm 1997, tập đoàn Minh Phụng do phát triển quá nóng đã mất khả năng thanh toán để lại một khoản nợ khổng lồ cho 6 ngân hàng thương mại (Incombank, Vietcombank, Eximbank...) khoảng 6.000 tỷ đồng.

Cho đến nay, đã hơn chục năm trôi qua, nhưng xung quanh việc xử lý món nợ xấu điển hình này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Bằng cách khởi tố vụ án, dùng cách biện pháp hình sự để siết nợ nhưng những ngân hàng thương mại trong vụ Minh Phụng vẫn không thể thu hồi đủ số nợ xấu. Đó là chưa nói đến chuyện hậu quả xấu từ vụ án mang lại là hàng ngàn lao động không có việc làm. Trường hợp của đại gia như tôi vừa nhắc ở trên, ông đã thoát khỏi vòng lao lý và làm lại sự nghiệp vẻ vang, hoành tráng được xã hội tôn vinh.

Nếu có công ty mua bán nợ xấu

Trở lại trường hợp của vụ án Tăng Minh Phụng, theo thống kê của các cơ quan cảnh sát điều tra, đến đầu năm 1997, ngoài các nhà xưởng sản xuất về ngành may mặc, giày dép, các dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh có tới hàng ngàn bộ máy may, tổng danh mục bất động sản của Minh Phụng có tới 169 biệt thự, nhà ở, văn phòng các loại; hệ thống nhà xưởng tập trung, kho tàng tại các khu công nghiệp có 78 đơn vị với diện tích trên 1,2 triệu m2; đất chuyên dùng có trên 2,6 triệu m2. Các tài sản trên phân bố khắp địa bàn TP. HCM và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Lâm Đồng...

Nếu có một công ty mua bán nợ, biết kinh doanh và khai thác các tài sản đảm bảo như nói ở trên thì việc thu hồi khoản nợ xấu là hoàn toàn có thể.

Có lẽ từ kinh nghiệm này nên mới đây, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ thành lập công ty mua bán nợ trong hệ thống ngân hàng với số nợ mua khoảng 100 nghìn tỷ đồng. Quá trình mua lại nợ xấu như một sự cần thiết tất yếu sau một giai đoạn tín dụng tăng trưởng nhanh trong bối cảnh kinh tế thế giới có những biến động bất lợi làm gia tăng nợ xấu.

Điều này với VN là khá mới mẻ nhưng với các nước trong khu vực là chuyện không mới. Việc xử lý nợ xấu của hệ thống tín dụng Việt Nam nếu thả nổi cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tất yếu sẽ phát sinh nhiều tác động không mong muốn. Bởi thế, mô hình công ty mua lại nợ mà Việt Nam đang hướng đến là một công ty tập trung do Nhà nước quản lý, thay vì là công ty tư nhân nhằm mua lại nợ xấu của các ngân hàng thương mại.

Như đã nói ở trên, khi nợ nần đã trở thành một vấn nạn của nền kinh tế, Nhà nước không thể đứng ngoài cuộc để mặc cho xã hội xử lý. Nắm trong tay công cụ quyền lực và tài chính là điều kiện cần thiết để công ty mua bán nợ đưa nợ xấu ra khỏi hệ thống ngân hàng một cách nhanh chóng.

Làm sạch nợ xấu như là điều kiện cần để làm lành mạnh hoá các tổ chức tài chính, đặc biệt là hệ thống các ngân hàng thương mại. Trên cơ sở đó, Chính phủ có thể đưa ra các điều kiện trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Điều mà dư luận quan tâm là, một công ty mua bán nợ trực thuộc Nhà nước sẽ được tổ chức thế nào để hoạt động có hiệu quả là một điều không dễ. Nếu quản lý không khéo sẽ có thể dẫn đến những tiêu cực trong hệ thống ngân hàng. Thêm vào đó, các tài sản mà các công ty này mua lại sẽ khó có được thanh khoản so với việc mua lại nợ từ các công ty mua bán nợ tư nhân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Thế Hải ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN