Đại gia và “canh bạc” bất động sản

Sức “nóng” của thị trường bất động sản khiến nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực khác đứng ngồi không yên, dốc “hầu bao” đầu tư vào hàng loạt các dự án bất động sản.

Nhưng có thành công hay không đôi khi không phụ thuộc vào vốn liếng hay thương hiệu mà còn tùy vào sự… mát tay.

Nhộn nhịp hơn bao giờ hết

Những năm 2014-2015, thị trường bất động sản (BĐS) phục hồi trở lại, đây cũng là thời điểm nhiều đại gia ngoài ngành nhảy vào lĩnh vực này. Những cái bắt tay hợp tác đã diễn ra nhiều hơn, những dự án mới được cấp phép đầu tư cũng nhiều hơn.

Liên tiếp khuấy động thị trường BĐS thời gian gần đây là đại gia Nguyễn Đức Thụy cùng Tập đoàn ThaiGroup “bơm” một số vốn khổng lồ mua nhiều khu đất vàng ở Hà Nội, đầu tư khu nghỉ dưỡng hạng xa xỉ tại Phú Quốc, mua lại khách sạn Kim Liên.

Đại gia này cũng hợp tác với Tập đoàn khách sạn Hyatt đầu tư khách sạn 5 sao với giá trị đầu tư 165 triệu USD. Nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất xi măng, vận tải, bảo hiểm, chứng khoán...nên sự chuyển hướng này của ông Thụy là thông tin sốt dẻo.

Một đại gia khác mới đây cũng đã đổ hàng trăm tỷ để đầu tư vào địa ốc, đó là Tập đoàn Hoành Sơn (Hà Tĩnh), công ty chuyên về xây dựng dân dụng, kết cấu hạ tầng, cầu cảng ở Hà Tĩnh đã thâu tóm mảnh “đất vàng” Cao Su Sao Vàng trên đường Nguyễn Trãi (HN)…

Gần đây, làn sóng này tiếp tục diễn ra khi hàng loạt đại gia trong lĩnh vực kinh doanh khác cũng đang tấn công vào lĩnh vực địa ốc

Các đại gia phía Nam sốt sắng tham gia cuộc chơi. Đơn cử như Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM lập một công ty con chuyên đầu tư BĐS với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Một doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, sản xuất linh kiện điện tử như Đức Long Gia Lai lại khởi công xây dựng 3 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng.

Đại gia Lê Phước Vũ cùng Tập đoàn Hoa Sen cũng vừa khởi công xây dựng dự án khách sạn lớn 4 sao tại thành phố Yên Bái với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng. 

Bất ngờ hơn tập đoàn này còn thành lập 4 công ty con chuyên đầu tư vào lĩnh vực BĐS. Tập đoàn còn tham vọng đầu tư một khu du lịch tâm linh, sinh thái quy mô tới 1.000ha, trong đó 400ha mặt nước ở đầm Vân Hội và một loạt dự án, khách sạn nghỉ dưỡng lớn khác tại Bình Định.

Thực chất, sự đổ bộ của đại gia Lê Phước Vũ là một cuộc trở lại. Tập đoàn Hoa Sen từng đầu tư vào BĐS trước đây nhưng thất bại, theo giải thích của vị chủ tịch tập đoàn là do chọn thời điểm chưa phù hợp.

Đại gia và “canh bạc” bất động sản - 1

Sự trở lại thị trường BĐS của đại gia Lê Phước Vũ liệu có thành công?

Động thái này thể hiện rất rõ trong những tháng gần đây, liên tiếp có thông tin Tôn Hoa Sen đầu tư vào các dự án nghỉ dưỡng ở Bình Định và Yên Bái. Cụ thể, giữa tháng 5/2016 một dự án tổ hợp thương mại và khách sạn 4 sao trên khu đất rộng khoảng 1,5ha với tổng mức 1.200 tỷ đồng tại thành phố Yên Bái. Hoa Sen ở hữu 70% ở dự án này.

Theo chia sẻ của chủ tịch tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ thì tập đoàn này đang chuẩn bị đầu tư vào nhiều dự án BĐS khác. Trong đó có khu du lịch tâm linh, sinh thái ở đầm Vân Hội (Yên Bái) với khoảng 1.000 ha, trong đó 400 ha mặt nước.

Ngoài ra, hiện tập đoàn Tôn Hoa Sen cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào các dự án khách sạn, nghỉ dưỡng khác ở Bình Định. Trong đó có một tổ hợp khách sạn, thương mại trên đường An Dương Vương TP Quy Nhơn và khu du lịch nghỉ dưỡng Hội Vân (Phù Cát).

Hay không bằng hên

Tuy nhiên, BĐS là một cuộc chơi không phải ai cũng chơi được. Từng có rất nhiều ông lớn nếm những “trái đắng” vì sân chơi BĐS. Đó là Mai Linh khi đang đứng đầu cả nước trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi. Cú sẩy chân khi đầu tư vào BĐS khiến tập đoàn này rơi vào cảnh nợ nần, mất thanh khoản.

Sau khi cắt giảm, thu hẹp nguồn nhân lực và các văn phòng đại diện, số tiền có được cũng không đủ để trả nợ. Doanh nghiệp này đã phải bán hơn 1.000 đầu xe để thu hồi 200 - 300 tỷ đồng trả nợ cho các nhà đầu tư mà vẫn không thể thanh toán được những khoản nợ vài trăm triệu đồng của người góp vốn.

Đến nỗi phải tìm cách gia hạn, mời gọi những người cho vay nhiều trở thành cổ đông trong công ty. Thất bại với BĐS, Mai Linh mất luôn cả chì lẫn chài khi ngậm ngùi nhường ngôi vương trong kinh doanh taxi vận tải cho Vinasun.

Chính bản thân nhiều doanh nghiệp BĐS nhìn nhận, đây là một thị trường nặng tính may rủi mà sự thành công chưa chắc đến từ năng lực tài chính. Quan trọng là cách làm thương hiệu và đối mặt khủng hoảng.

Thị trường BĐS TP.HCM từng chứng kiến sự đổ bộ hào nhoáng của đại gia Thảo Loan với dự án Thảo Loan Plaza đình đám. Tuy nhiên, con đường đi lên của đại gia này là từ cò đất. Dự án đình đốn nhiều năm với khoản nợ vay hàng trăm tỷ đồng. Nữ đại gia sau đó “biến mất” khỏi thị trường địa ốc. Dự án được tập đoàn H.T mua lại từ ngân hàng, thay tên đổi họ và lập tức bán đắt như tôm tươi.

Ngay như một nhân vật lừng lẫy là ông bầu Đoàn Nguyên Đức cũng “e ngại” sân chơi này. Thời điểm năm 2013, khi tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai bán tháo các dự án và rút lui hoàn toàn khỏi lĩnh vực này, bầu Đức cho rằng thị trường không có dấu hiệu phục hồi.

Tuy nhiên, ông đã lầm. Từ thời điểm đó, BĐS mới bắt đầu vào giai đoạn hưng thịnh. Một loạt các doanh nghiệp gặp khó như Novaland, chỉ cần gỡ nút thắt tiêu thụ được một dự án, lập tức vươn mình thành một tập đoàn BĐS lớn mạnh như hiện tại.

Trong khi bầu Đức chọn sân chơi nông nghiệp với toan tính “cầu toàn” thì lại gặp phải khó khăn lớn với việc tái cơ cấu nợ nần thời gian gần đây.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đồng Lâm (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN