Đại gia tuần qua: Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lại gây sốc với xe điện lội nước “bất tử”
Chỉ hơn 1 tháng sau màn ra mắt ô tô, Vinfast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lại gây chú ý khi trình làng mẫu xe điện được giới thiệu có khả năng chống ngập nước, kết nối internet.
Quốc Cường Gia Lai báo lãi thể thảm, chưa bằng 1% cùng kỳ
Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán QCG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2018 với kết quả kinh doanh ảm đạm nhất trong vòng 2 năm qua.
Trong ba tháng 7, 8, 9, lợi nhuận ròng của doanh nghiệp chỉ đạt chưa đầy 1,3 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 0,7% so với cùng kỳ năm trước (165 tỷ đồng).
Nguyên nhân kết quả kinh doanh sụt giảm được công ty giải thích là do trong kỳ không có dự án nào bàn giao căn hộ cho khách hàng nên chưa ghi nhận được doanh thu. Đồng thời, doanh nghiệp cũng không có khoản thu nhập đáng kể nào từ việc đầu tư tài chính.
Tính đến cuối tháng 9, giá trị hàng tồn kho của Quốc Cường Gia Lai là 6.324 tỷ đồng. Trong đó, giá trị hàng tồn kho từ bất động sản dở dang là 5.800 tỷ đồng, riêng giá trị hàng tồn kho tại dự án Khu dân cư Phước Kiển là hơn 4.800 tỷ đồng.
Cũng trong quý 3, Quốc Cường Gia Lai vay của các cá nhân cổ đông và công ty con 3.028 tỷ đồng, đây đều là khoản phải trả ngắn hạn.
VinFast ra mắt xe máy điện Klara: Có kết nối Internet, 1 lần sạc đi 80km
Klara là dòng xe điện đầu tiên trong chuỗi sản phẩm xe điện của VinFast được bán ra thị trường và thuộc phân khúc trung cấp.
Ngày 3/11/2018, VinFast đã tổ chức lễ khánh thành Nhà máy sản xuất xe máy điện thông minh và ra mắt dòng sản phẩm đầu tiên – VinFast Klara tại Hải Phòng.
Klara là dòng xe điện đầu tiên trong chuỗi sản phẩm xe điện của VinFast được bán ra thị trường và thuộc phân khúc trung cấp. Xe máy điện thông minh của Vinfast được giới thiệu có khả năng chống ngập nước, di chuyển không gây tiếng ồn, không xả khí thải. Hiện tại, thông số của dòng 2 dòng xe điện cũng như giá bán chưa được công bố. Dự kiến, xe sẽ bán từ ngày 17/11.
Theo tiết lộ, sau Klara, cho đến hết năm 2019, VinFast sẽ ra mắt thêm 4 mẫu xe máy điện thông minh, theo các phân khúc từ trung cấp, cao cấp đến siêu cao cấp.
Để tạo hệ sinh thái, phía Vinfast đang kế hoạch kết hợp với các đối tác thiết lập 30.000 - 50.000 trạm sạc và trạm thuê pin trên toàn quốc đến năm 2020.
“Đại gia bình dân” Uniqlo chi tiền mua 35% hãng thời trang Việt?
Hãng thời trang Uniqlo vừa chi hàng chục triệu USD để mua lại 35% cổ phần của CTCP Elise.
Thông tin này được bà Trần Thị Thanh Thủy, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết tuần qua. Theo bà, thỏa thuận đã hoàn tất, tiền cũng đã được chuyển cho bên phía Elise.
Elise là thương hiệu thời trang nữ của CTCP Elise có trụ sở tại Hà Nội, hiện có hơn 100 cửa hàng trên toàn quốc.
Tiếp nối sự có mặt của hàng loạt cái tên như Zara, H&M, Pull&Bear... Uniqlo cũng đã chính thức thông báo sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại TPHCM ngay trong năm nay.
Trước đó, giới truyền thông Nhật Bản đã đăng tin, hoạt động trên của Uniqlo sẽ thông qua công ty con của hãng tại Việt Nam có tên: Công ty TNHH Uniqlo Việt Nam
Đây là liên doanh do Fast Retailing (Singapore) sở hữu 75% vốn điều lệ, còn lại 25% vốn do Tập đoàn Mitsubishi sở hữu và không có liên hệ nào với các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Hãng thời trang Uniqlo vừa chi hàng chục triệu USD để mua lại 35% cổ phần của CTCP Elise.
Loạt siêu đại gia đua nhau khoe doanh thu khủng
Kết quả kinh doanh của loạt đại gia trong quý 3 khá khả quan. Với Công ty CP Hàng không Vietjet (mã VJC), doanh thu công ty đạt xấp xỉ 12.713 tỷ đồng, tăng 105% so với cùng kỳ. Tổng lợi nhuận trước thuế Quý 3 đạt 1.709 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng, doanh thu Vietjet đạt gần 33.934 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.681 tỷ đồng tăng 33% so với cùng kỳ năm 2017. Theo lý giải, doanh thu Vietjet tăng mạnh thời gian qua là nhờ tăng cường thêm đội tàu bay mới, tiết kiệm nhiên liệu, mở thêm nhiều đường bay quốc tế.
Một cái tên đáng chú ý là CTCP Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC). Quý 3 của VIC ghi nhận doanh thu thuần 23.456 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng, VIC đạt doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt 84.148 tỷ đồng và 8.825 tỷ đồng, tăng 47% và 72% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, theo báo cáo, đến cuối tháng 9, công ty đã đầu tư vào dự án Vinfast hơn 13.603 tỷ đồng, tăng gần 13.000 tỷ đồng so với đầu năm.
Một ông lớn nữa là Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Sabeco ghi nhận lũy kế doanh thu thuần chín tháng đầu năm đạt hơn 25.540 tỷ đồng, tương ứng xấp xỉ 1,1 tỷ USD và hoàn thành hơn 70% kế hoạch cả năm. Bia tiếp tục chiếm tỷ trọng áp đảo trong cơ cấu doanh thu với hơn 85%, nhờ đó giúp số tiền bình quân mỗi ngày thu về từ sản phẩm này tăng lên 81 tỷ đồng. Phần doanh thu còn lại đến từ bao bì vật tư, nước giải khát và cồn rượu.
Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết chưa được vận chuyển hàng không
Bamboo Airways chưa phải doanh nghiệp hàng không Việt Nam nên không thuộc đối tượng để xem cấp quyền vận chuyển hàng không.
Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi Công ty TNHH Hàng không Tre Việt - Bamboo Airways trả lời về việc xin cấp quyền vận chuyển hàng không trên các đường bay nội địa của hãng này. Theo văn bản, Bamboo Airways chưa phải doanh nghiệp hàng không Việt Nam nên không thuộc đối tượng để xem cấp quyền vận chuyển hàng không.
Trong tuần trước, Bamboo Airways đã văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam xin cấp quyền vận chuyển hàng không trên các đường bay nội địa.
Trước đó, Bamboo Airways dự tính có chuyến bay đầu tiên vào 10/10 nhưng kế hoạch trên đã phải lùi lại xuống cuối quý 4/2018.
Trả lời thêm về thông tin này tại buổi họp báo Chính phủ chiều tối 3/11, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã đề nghị với Chính phủ việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Bamboo Airways.
"Tuy nhiên, đây là vấn đề quan trọng liên quan tới an ninh, an toàn trong hàng không nên Văn phòng Chính phủ cần xem xét rất thận trọng", Bộ trưởng Dũng thông tin.
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm của Vingroup đều đạt được sự tăng trưởng.