Đại gia tuần qua: Ông Trịnh Văn Quyết, bà Phương Thảo mất nghìn tỷ thế nào

Ông Trịnh Văn Quyết, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cùng chung số phận mất cả nghìn tỷ trong những phiên giao dịch đầu năm.

3 phiên giao dịch u ám, loạt đại gia bốc hơi nghìn tỷ

3 phiên giao dịch đầu năm 2019 chứng kiến đà lao dốc của một loạt đại gia. Đáng chú ý là SAB của Sabeco có 3 phiên giảm liên tiếp. Như vậy, chỉ trong 3 ngày đầu năm SAB đã bốc hơi tới hơn 24.000 đồng/cổ phiếu, tương đương khoảng 9% giá trị.

VJC của Vietjet Air cũng trong tình trạng tượng tự. Chốt phiên cuối năm 2018, VJC còn ở mức 120.000 đồng/cổ phiếu thì tới ngày 4/1,VJC chỉ còn 115.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giảm 5.000 đồng/cổ phiếu tuần này, tài sản chứng khoán của bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã mất hơn 1.000 tỷ đồng.

Đại gia Trịnh Văn Quyết cũng không thoát khỏi vòng xoáy. ROS của FLC Faros sau 1 tuần hiện dừng ở mức 36.000 đồng/cổ phiếu, mất 2.700 đồng mỗi cổ phiếu. Điều này đồng nghĩa tài sản của ông Trịnh Văn Quyết sụt giảm khoảng 1.031 tỷ đồng chỉ trong vài ngày đầu năm 2019.

Đại gia tuần qua: Ông Trịnh Văn Quyết, bà Phương Thảo mất nghìn tỷ thế nào - 1

3 phiên giao dịch đầu năm 2019 tài sản chứng khoán của bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã mất hơn 1.000 tỷ đồng.

Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ dè dặt đặt mục tiêu lãi 500 tỷ

CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) vừa công bố kế hoạch kinh doanh niên độ 2018-2019 trong đó doanh thu dự kiến giảm 9% xuống 31.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng của HSG vẫn dự kiến tăng 22% đạt 500 tỷ đồng.

Trước đó, trong niên độ tài chính 2017-2018, HSG ghi nhận doanh thu thuần 34.441 tỷ đồng trong đó cả doanh thu nội địa và doanh thu xuất khẩu của Hoa Sen đều tăng trưởng vượt bậc. 

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của HSG năm ngoái chỉ đạt 409 tỷ đồng, bằng 30% so với kế hoạch lãi lên tới 1.350 tỷ đồng đặt ra trước đó. Nguyên nhân do giá vốn tăng mạnh hơn doanh thu trong khi chi phí tài chính và chi phí bán hàng cùng tăng mạnh.

Hiện tại, giá HSG chỉ còn hơn 6.000 đồng/cổ phiếu. Nếu so với mức đỉnh giá trên 25.000 đồng/cổ phiếu đầu năm, HSG đã khiến ông chủ và các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu này thua lỗ trên 70% khoản đầu tư.

Sau bết bát, vua cá Hùng Vương muốn tăng lãi hơn 14 lần

Đại gia tuần qua: Ông Trịnh Văn Quyết, bà Phương Thảo mất nghìn tỷ thế nào - 2

Thủy sản Hùng Vương (HVG) của ông Dương Ngọc Minh dự tính lãi sau thuế tăng hơn 14 lần lên 255 tỷ đồng năm 2019.

Thủy sản Hùng Vương (HVG) của ông Dương Ngọc Minh vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2018 với nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của HVG đạt hơn 18 tỷ đồng trong năm 2018, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 713 tỷ năm 2017. 

Năm 2018 HVG đã giảm hơn 39% tổng giá trị tài sản của công ty, từ mức 13.877 tỷ về chỉ còn 8.434 tỷ đồng. Trong điều kiện khó khăn, HPG đã liên tục phải bán ra tài sản như Địa ốc An Lạc (TP HCM), thoái vốn tại Thực Phẩm Sao Ta, bán bớt vốn tại Việt Thắng (VTF),...

Đáng nói là với năm 2019, HVG đặt mục tiêu tham vọng với lãi sau thuế tăng hơn 14 lần lên 255 tỷ đồng, bao gồm 75 tỷ tại mảng kinh doanh cá và 180 tỷ đồng kinh doanh thức ăn thủy sản..

Theo lý giải, sau khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) ban hành kết luận sơ bộ POR14, HVG thuộc diện được miễn thuế đối với mặt hàng cá tra – basa xuất sang Mỹ từ 2019. 

Bởi vậy, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Hùng Vương cho rằng khó khăn với doanh nghiệp đã qua. Công ty sẽ tiếp tục tập trung vào hai mảng chính là nuôi trồng và chế biến cá tra vốn là sở trường của công ty lâu nay.

Đại gia 8x Đặng Đức Thế Anh lộ diện trong vụ thâu tóm Vinaconex

Một doanh nghiệp vừa thành lập Star Invest đã nâng sở hữu tại Vinaconex từ 0 cổ phiếu lên hơn 3 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 7,57% từ ngày 24/12/2018. Ước tính, Star Invest đã bỏ ra khoảng 25.000 đồng cho mỗi cổ phiếu VCG, tương ứng bỏ ra khoảng 840 tỷ đồng.

Trong phiên đấu giá cổ phiếu Vinaconex (VCG) do SCIC thoái vốn diễn ra hôm 22/11, Star Invest cũng là một trong 4 nhà đầu tư đã tham gia đấu giá nhưng đã thất bại trước An Quý Hưng.

Công ty TNHH Đầu tư Star Invest được thành lập ngày 9/11/2018 có địa chỉ tại Tầng 5, tòa nhà Sentinel Place, 41A Lý Thái Tổ, Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật của Star Invest là ông Đặng Thế Anh Đức sinh năm 1985.

Trong bản đăng ký của mình, Star Invest cho biết công ty có định hướng đầu tư, gắn bó lợi ích lâu dài với Vinaconex.

Trước đó, trong phiên đấu giá hồi cuối tháng 11, An Quý Hưng của ông Nguyễn Xuân Đông bỏ ra 7.360 tỷ đồng để sở hữu trọn lô 57,7% cổ phần VCG.

Đại gia tuần qua: Ông Trịnh Văn Quyết, bà Phương Thảo mất nghìn tỷ thế nào - 3

Một doanh nghiệp vừa thành lập Star Invest đã nâng sở hữu tại Vinaconex từ 0 cổ phiếu lên hơn 3 triệu cổ phiếu.

Dragon Capital liên tiếp thành cổ đông lớn của các đại gia

Tuần qua, nhóm quỹ Dragon Capital đã thông báo mua thêm 112.660 cổ phiếu Công ty cổ phần Chứng khoán SSI

Sau giao dịch trên, nhóm quỹ Dragon Capital đã tăng tỷ lệ sở hữu từ 4,99% lên 5,04% vốn, tương đương sở hữu hơn 25 triệu cổ phiếu và chính thức trở thành cổ đông lớn của SSI.

SSI là một trong những công ty chứng khoán hàng đầu ở Việt Nam với tổng tài sản chạm 1 tỷ USD và vốn điều lệ hơn 5.000 tỷ đồng.

Ngoài SSI, nhóm quỹ Dragon Capital cũng là cổ đông lớn tại Bản Việt (VCSC) với tỷ lệ gần 8%. Dragon Capital cũng là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 30,27% cổ phần HSC. Đây là 3 công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất Việt Nam.

Ngay sau đó, Dragon Capital tiếp tục mua thêm 1,86 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG). Qua đó, nhóm này chính thức trở thành cổ đông lớn sở hữu 107,6 triệu cp, chiếm tỷ lệ 5,06% vốn HPG. Ước tính, nhóm quỹ này đã chi khoảng 57 tỷ đồng cho giao dịch trên.

Nhiều đại gia Việt ngầm, giàu ”khủng” lộ diện

Những thương vụ “khủng” diễn ra trong năm 2018 đã thu hút được nhiều sự chú ý của giới kinh doanh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Linh ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN