Đại gia tuần qua: Nữ đại gia bí ẩn mua 2 lâu đài khủng của Khải Silk

Giới đại gia Việt tuần qua gây chú ý bởi loạt thông tin về nữ đại gia 9x thâu tóm 2 tòa lâu đài trị giá triệu đô hay ông chủ Thế giới Di động, Nguyễn Đức Tài, buộc phải đóng cửa con cưng một thời của mình.

CEO 9X nắm quyền sở hữu 2 tòa lâu đài của Khaisilk

Thông tin Công ty TNHH MTV Chloe Hospitality phát đi tuần qua cho biết đơn vị này chính thức nắm quyền tiếp quản hoạt động của Khách sạn Tajmasago và Nhà hàng Cham Charm của tập đoàn Khaisilk.

Khách sạng và nhà hàng này có địa điểm tại số 2 - 6 Phan Văn Chương (khu vực Cầu Ánh Sao - Hồ Bán Nguyệt, Phú Mỹ Hưng, quận 7).

Khách sạn TajmaSago và Nhà hàng Cham Charm trước đó được ông Hoàng Khải, chủ Khaisilk nắm quyền khai thác, hoạt động. Giá trị chuyển nhượng của thương vụ chưa được đại diện 2 bên công bố.

Tajmasago là tòa lâu đài trắng bắt đầu đi vào hoạt động cuối tháng 5/2012. Khu nghỉ dưỡng có tổng vốn đầu tư tới 15 triệu USD với 19 phòng trong đó có một phòng President Suite có diện tích 260 m2.

Còn nhà hàng Cham Charm có diện tích 5.000m2, có thể chứa đến 600 khách. Nhà hàng được giới thiệu là nơi có tới hơn 1.300 loại rượu từ khắp thế giới.

Chloe Hospitality được thành lập từ 6/9/2018, trụ sở chính tại quận 7, TP HCM, vốn điều lệ 36 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đăng ký 40 ngành nghề kinh doanh, hoạt động chính là kinh doanh bất động sản. Tổng giám đốc của Chloe Hospitality là bà Đào Ngọc Bảo Phương, sinh năm 1994.

Còn với Khaisilk của doanh nhân Hoàng Khải, đây là cái tên đã vướng vào lùm xùm giả nhãn mác, hô biến lụa Trung Quốc thành lụa "made in Vietnam". Việc này đã khiến thương hiệu rơi vào khủng hoảng. 

Đại gia tuần qua: Nữ đại gia bí ẩn mua 2 lâu đài khủng của Khải Silk - 1

 Khách sạn TajmaSago đi vào hoạt động cuối tháng 5/2012 có tổng vốn đầu tư tới 15 triệu USD.

Bị đòi 575 tỷ, đại gia Unilever kêu cứu Thủ tướng

Công ty TNHH quốc tế Unilever Việt Nam vừa gửi thư kêu cứu lên Thủ tướng về việc có thể bị phong tỏa tài khoản ngân hàng.

Công ty cho biết đã nhận được thông báo của Cục Thuế TP.HCM yêu cầu nộp 575,8 tỉ đồng tiền thuế. Phía Unilever chưa nộp và tiếp tục nhận được công văn của Cục Thuế TP.HCM yêu cầu cung cấp tài khoản ngân hàng để cưỡng chế thuế. 

Unilever Việt Nam đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành không cưỡng chế doanh nghiệp để chờ kết luận của Chính phủ.

Nói về nguyên nhân chưa nộp tiền truy thu, Unilever Việt Nam cho rằng, lý do bởi có sự khác nhau giữa Luật đầu tư và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp giai đoạn trước năm 2014.

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã có công văn đề nghị Tổng cục Thuế có biện pháp truy thu thuế với Unilever số tiền 575 tỷ đồng.

Theo quy định, từ năm 2009 tới năm 2013, các doanh nghiệp đầu tư mở rộng không thuộc diện được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Giai đoạn này Unilever phát triển sản xuất, đầu tư mở rộng nên không được ưu đãi. Phía Kiểm toán Nhà nước bởi vậy đã kiến nghị truy thu Unilever.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho hay, Unilever đã đưa ra lý lẽ cho rằng mình đúng nhưng không cung cấp được chứng cứ. Cơ quan này đã cho Unilever 6 tháng nhưng công ty cũng không cung cấp tài liệu, chứng cứ.

Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng bất ngờ điều chỉnh room ngoại

Đại gia tuần qua: Nữ đại gia bí ẩn mua 2 lâu đài khủng của Khải Silk - 2

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam đã quyết định điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với mã chứng khoán VIC của CTCP Tập đoàn Vingroup từ 41% xuống 40%.

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) tuần qua đã có quyết định điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại) đối với mã chứng khoán VIC của CTCP Tập đoàn Vingroup từ 41% xuống 40%.

Theo lý giải, việc điều chỉnh căn cứ công văn ngày 29/11 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và công văn của Vingroup về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại mã chứng khoán VIC.

Trước đó, Đại hội đồng cổ đông hồi tháng 5 đã phê duyệt chủ trương tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa tại Vingroup sau khi rút các ngành nghề kinh doanh hạn chế là 49%.

Gần đây, thông tin đáng chú ý là tập đoàn này chuẩn bị chào bán trái phiếu ra công chúng với số lượng phát hành là 20 triệu trái phiếu với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng. 

Vingroup cho biết, mục đích của đợt phát hành trái phiếu này nhằm cơ cấu lại các khoản nợ, lành mạnh hóa các chỉ tiêu tài chính.

Về hoạt động kinh doanh, 9 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu thuần hợp nhất VIC đạt 84.148 tỷ đồng, tăng 47,2% so với cùng kỳ năm 2017. 

Qua đó, lợi nhuận trước thuế đạt 8.825 tỷ đồng, lợi nhuận kế toán sau thuế đạt 3.295 tỷ đồng, lần lượt tăng 72,1% và 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn điều lệ VinGroup hiện đạt 32.756 tỷ đồng.

Thế giới Di động của ông Nguyễn Đức Tài buộc phải dừng "cuộc vui"

Trang thương mại điện tử Vui Vui (vuivui.com) của Thế giới Di Động đã chính thức đóng cửa. 

Hiện tại, khi truy cập vào website của Vui Vui, người dùng sẽ tự động được chuyển sang trang bán hàng của Bách hoá Xanh (bachhoaxanh.com), một thành viên khác của Thế giới Di Động.

Vuivui.com là nền tảng thương mại điện tử được Thế giới Di Động phát triển từ năm 2016 và chính thức bán hàng từ năm 2017.

Trang thương mại điện tử này tập trung vào các mặt hàng thời trang, nhu yếu phẩm, tạp hoá, trong đó mỗi nhãn hàng chỉ có 1 nhà cung cấp được xuất hiện nhằm đảm bảo sự quản lý chặt chẽ. 

Ông Nguyễn Đức Tài đã kỳ vọng Vui Vui có thể sẽ vượt cả Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, trở thành đơn vị dẫn đầu ngành thương mại điện tử năm 2020. Trong kế hoạch năm 2018, Thế giới Di Động vẫn đưa ra kỳ vọng tương tự. Tuy nhiên, chỉ tới cuối năm, trang thương mại điện tử của Thế giới Di Động đã đóng cửa. 

Trước đó, theo báo cáo năm 2017, Vui Vui chỉ có doanh thu là 73 tỷ đồng, tức là tương đương khoảng 0,1% tổng doanh thu của Thế giới Di Động trong năm 2017.

Trong nghị quyết hội đồng quản trị thông qua kế hoạch 2019  mới đây, Thế giới di động cho rằng khi quyết định chỉ tập trung chiếm lĩnh mảng online thực phẩm và nhu yếu phẩm thì việc lựa chọn tên website Bachhoaxanh.com là phù hợp hơn so với Vuivui.com. Vì vậy, toàn bộ nền tảng website, hậu cần và giao nhận của Vuivui.com đã được chính thức chuyển sang cho Bachhoaxanh.com.

Đại gia tuần qua: Nữ đại gia bí ẩn mua 2 lâu đài khủng của Khải Silk - 3

Trang thương mại điện tử Vui Vui (vuivui.com) của Thế giới Di Động đã chính thức đóng cửa.

Novaland chơi lớn, góp thêm 1.600 tỷ vào Bất động sản Bách Hợp

Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) vừa thông qua việc góp vốn thêm vào Công ty TNHH Bất động sản Bách Hợp với tổng số góp thêm hơn 1.610 tỷ đồng.

Sau khi hoàn tất việc góp vốn, Novaland sở hữu 2.148 tỉ đồng tại Bất động sản Bách Hợp, tương đương 99,767% vốn điều lệ.

Theo đăng ký doanh nghiệp mới nhất tháng 8/2018, Bất động sản Bách Hợp có vốn điều lệ 543 tỉ đồng. Ngoài Novaland, Bách Hợp còn có hai cổ đông khác là Công ty Đầu tư và Phát triển Phước Long và bà Huỳnh Phương Thảo.

Trước đó, Novaland cũng đã thông qua việc góp thêm vốn vào Công ty TNHH No Va Thảo Điền với giá trị 1.000 tỷ đồng để tăng sở hữu lên gần 2.103 tỷ đồng, chiếm 99,99% vốn.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III, Novaland ghi nhận hơn 2.443 tỉ đồng doanh thu thuần. 

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Novaland đạt hơn 6.773 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 1.412 tỉ đồng, tăng tương ứng 18% và 5% so với cùng kì. Trong đó, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ tăng nhẹ lên 1.380 tỉ đồng.

Tại thời điểm 30/9, Novaland ghi nhận hơn 62.395 tỉ đồng tổng tài sản, trong đó có 32.988 tỉ đồng hàng tồn kho, tăng 21% so với thời điểm đầu năm.

Đại gia vừa thưởng 100.000 USD cho HLV Park đang làm ăn ra sao?

Sau 9 tháng đầu năm 2018, THACO đã hoàn thành được 54% kế hoạch doanh thu và 60% chỉ tiêu lợi nhuận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Linh ([Tên nguồn])
Khaisilk bán lụa Trung Quốc, gắn mác Made in Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN