Đại gia phố núi đình đám: ngập nợ ngàn tỷ, giá cổ phiếu chưa bằng ly trà đá
Kết quả kinh doanh suy giảm, vay nợ lớn, vốn hóa thị trường của Đức Long Gia Lai đang thấp nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2010.
Chốt phiên giao dịch ngày 12/12, cổ phiếu DLG (Tập đoàn Đức Long Gia Lai) rơi xuống mức giá 1.820 đồng, ngưỡng thấp nhất trong lịch sử niêm yết của đại gia phố núi này. Đồng thời, DLG cũng đang nằm trong danh sách 10 cổ phiếu “trà đá, cọng hành” thấp nhất trên sàn HOSE. Giá trị vốn hóa của DLG hiện chỉ còn 545 tỷ đồng.
Tập đoàn Đức Long Gia Lai có trụ sở tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Sau nhiều lần tăng vốn, hiện vốn điều lệ của DLG đã lên tới 2.993 tỷ đồng. Công ty đang có hơn 30 công ty thành viên, 4 công ty liên kết hoạt động ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau như nông nghiệp, năng lượng, sản xuất linh kiện điện tử, xây dựng...
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 năm 2018, doanh thu của DLG đạt 770 tỷ đồng, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt 11,5 tỷ đồng, tăng 3,6%. Tính cả 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu hợp nhất đạt 2.113 tỷ đồng, tăng 4,6%. Tuy nhiên, lợi nhuận thu về chỉ vỏn vẹn 33,5 tỷ đồng, giảm mạnh chỉ còn một nửa so với cùng kì năm 2017. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh.
Với quy mô vốn điều lệ “khủng” gần 3000 tỷ đồng, trong nhiều năm qua, lợi nhuận công bố của Đức Long Gia Lai chỉ dao động quanh ngưỡng 60 tỷ đồng.
Doanh thu và lợi nhuận của DLG trong những năm gần đây. Đơn vị: tỷ đồng
Tính đến 30/9/2018, quy mô tổng tài sản của DLG đạt 8.421 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 3.922 tỷ đồng, chủ yếu bao gồm khoản phải thu ngắn hạn (2.824 tỷ đồng) và hàng tồn kho (720 tỷ đồng). Tài sản dài hạn là 4.499 tỷ đồng, gồm tài sản cố định 2.591 tỷ đồng, khoản phải thu dài hạn 930 tỷ đồng, tài sản dở dang dài hạn 547 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng nợ phải trả của DLG lên đến 5.044 tỷ đồng. Đáng chú ý, tổng nợ vay ngân hàng của công ty là 3.709 tỷ đồng, chiếm tới 73,5% tổng nợ. Trong đó, vay ngắn hạn chiếm 735 tỷ đồng, chủ yếu tại BIDV (241 tỷ đồng), Vietcombank (85 tỷ đồng)…Còn khoản vay dài hạn ngân hàng là 2.974 tỷ đồng, chủ yếu tại các ngân hàng như BIDV (1.574 tỷ đồng), VietinBank (906 tỷ đồng), Sacombank (151 tỷ đồng)… Trong 9 tháng đầu năm, chi phí lãi vay mà DLG phải trả ghi nhận ở mức 244 tỷ đồng, ăn mòn phần lớn khoản lợi nhuận gộp 335 tỷ đồng mà công ty này có được.
Chi phí trả lãi vay của DLG trong 9 tháng đầu năm là hơn 244 tỷ đồng
Vốn chủ sở hữu tại cuối quý III của DLG đạt 3.377 tỷ đồng, trong đó, vốn của góp chủ sở hữu là 2.850 tỷ đồng. Điểm tích cực là DLG vẫn đang có khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 203 tỷ đồng. Năm 2018, DLG đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 140 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, DLG mới chỉ đạt 66% chỉ tiêu doanh thu và vỏn vẹn 24% chỉ tiêu lợi nhuận.
Mới đây, Dự án Trung tâm thương mại căn hộ cao cấp Dragon Court hay còn có tên là Dự án Đức Long Golden Land (Quận 7) đã được UBND TP.HCM giao công an TP.HCM chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra rõ những vi phạm mà Thanh tra TP.HCM đã phát hiện. Dự án này do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Vạn Gia Long làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp này là thành viên của Đức Long Gia Lai Land - công ty được đầu tư bởi Tập đoàn Đức Long Gia Lai.
Trước đó, cơ quan chức năng đã nhận đơn tố cáo của một số người dân về những khuất tất của dự án. Qua rà soát, Thanh tra thành phố phát hiện nhiều sai phạm tại dự án như bán hàng chưa đủ điều kiện, liên quan đến đất công, chủ đầu tư chưa bồi thường và giải phóng mặt bằng vẫn được cấp phép quy hoạch, năng lực tài chính của chủ đầu tư, phần đất công trong dự án đã biến mất, dự án chuyển nhượng gây thiệt hại cho Nhà nước…
Cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai bất ngờ tăng kịch trần với dư mua lớn trong phiên hôm nay.