Đại gia Dương Ngọc Minh nói gì về hàng chục tỷ đồng xuất hiện sau kiểm toán?
Sau kiểm toán, hàng loạt khoản mục kế toán của Thủy sản Hùng Vương trong năm 2018 xuất hiện chênh lệch hàng chục tỷ đồng, mới đây “vua cá tra” – đại gia Dương Ngọc Minh vừa phải lên tiếng giải trình.
Công ty Cổ phần Hùng Vương (mã chứng khoán: HVG) vừa có báo cáo giải trình chi tiết các khác biệt giữa báo cáo tài chính riêng và hợp nhất cho năm tài chính 2018 (kết thúc ngày 30/9/2018) do công ty tự lập và báo cáo tài chính riêng và hợp nhất đã được kiểm toán.
Khoản mục được chú ý nhất là con số lợi nhuận sau thuế của Hùng Vương tăng gần 9,2 tỷ đồng sau kiểm toán.
Trong bản giải trình gửi sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), Tổng Giám đốc Dương Ngọc Minh cho hay, lợi nhuận sau thuế TNDN sau kiểm toán tăng gần 9,2 tỷ đồng so với số liệu trước kiểm toán, chủ yếu do các điều chỉnh sau:
- Doanh thu tăng gần 62,3 tỷ đồng, trong khi giá vốn hàng bán giảm gần 10,8 tỷ đồng đã khiến lợi nhuận sau thuế của Thuỷ sản Hùng Vương tăng 130%, lên gần 16,3 tỷ đồng.
- Tăng giá vốn tại ALR liên quan đến việc chuyển nhượng bất động sản với số tiền là 15,5 tỷ đồng.
- Ghi nhận giảm bút toán loại trừ doanh thu và giá vốn hàng bán từ các giao dịch trong nội bộ tập đoàn với số tiền 57 tỷ đồng chưa được phản ánh phù hợp trong BCTC hợp nhất tự lập.
- Tăng chênh lệch lãi/lỗ nội bộ chưa thực hiện là 51 tỷ đồng…
Nhiều khoản mục kinh doanh trước và sau kiểm toán của HVG có sự chênh lệch lớn. (Ảnh: HVG)
Ngoài ra, nhiều khoản mục khác trước và sau kiểm toán cũng có sự chênh lệch lớn. Cụ thể, lợi nhuận từ các công ty liên kết, liên doanh giảm gần 4,4 tỷ đồng do điều chỉnh lợi nhuận chưa thực hiện ở các công ty liên kết, liên doanh.
Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 40 tỷ đồng, chủ yếu do việc trích lập bổ sung dự phòng các khoản phải thu khó đòi, tăng do trích lập bổ sung dự phòng nợ phải thu các đối tượng nước ngoài và phân loại lại chi phí xóa sổ công nợ phải thu tại ALR từ khoản mục chi phí khác.
Mặc dù năm 2018 các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thắng lớn song "vua cá tra" Dương Ngọc Minh vẫn "mắc cạn" trong đống nợ nần hàng nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp bị điều chỉnh tăng 14,9 tỷ đồng chủ yếu do việc trích lập bổ sung dự phòng các khoản phải thu khó đòi; Chi phí tài chính tăng 201 tỷ đồng chủ yếu là do tăng tương ứng với nghiệp vụ lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty liên kết, liên doanh…
Lỗ lũy kế tăng 215,5 tỷ đồng do ghi nhận thêm chi phí vay với số tiền gần 11 tỷ đồng và phân loại lại giữa doanh thu hoạt động tài chính và chi phí tài chính liên quan đến chênh lệch đánh giá lại các khoản mục có gốc ngoại tệ với số tiền là 19 tỷ đồng, cùng với việc điều chỉnh một số bút toán khác…
Trước đó, Thuỷ sản Hùng Vương đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán niên độ 2017-2018. Tại báo cáo, kiểm toán đã đưa ra các vấn đề cần nhấn mạnh, như lưu ý đến thuyết minh về khoản lỗ lũy kế tại ngày 30/9/2018 của HVG là 423 tỷ đồng cùng với các khoản vay đến hạn trả chưa được thanh toán tại các ngân hàng thương mại.
Theo cơ quan kiểm toán, các điều này cho thấy sự tồn tại yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của HVG.
Cho đến giờ, tồn tại lớn nhất của Hùng Vương vẫn là vấn đề công nợ. Cuối niên độ, nợ phải trả của HVG ở mức 6.441 tỷ đồng, giảm đến 3.300 tỷ đồng so với đầu năm (43%), song trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn hơn 6.298 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, trong kỳ Hùng Vương đã phải chuyển 183 tỷ đồng từ nợ vay dài hạn sang vay ngắn hạn. |
Trong số 6.441 tỷ đồng công nợ thì vay ngân hàng chiếm hơn phân nửa trong cơ cấu nợ phải trả, tương ứng 3.358 tỷ đồng.
Hiện chủ nợ lớn nhất của "vua cá tra" Hùng Vương là ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với dư nợ bằng đôla Mỹ và đồng Việt Nam lên đến 2.146 tỷ đồng. Hai khoản này lần lượt đáo hạn vào tháng 6 và tháng 8 năm nay.
Ngoài ra đại gia Dương Ngọc Minh còn vay ngắn hạn 620 tỷ đồng từ ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với lãi suất 5,3-7% một năm. Đây là khoản nợ có giá trị lớn thứ hai, phát sinh từ giữa tháng 10/2017 và đáo hạn vào cuối tháng 3 năm nay.
Ngoài ra, một số khoản vay còn lại đến từ Vietinbank, HDBank, Agribank... và đều đáo hạn trước tháng 6 năm nay.
Phía Kiểm toán cho biết, mới đây Phía Hùng Vương phải xin Vietcombank giãn thời hạn thanh toán khoản vay 620 tỷ đồng trong 8 năm, tuy nhiên chưa nhận được câu trả lời.
Trên thị trường, cổ phiếu HVG vẫn đang giao dịch dưới mệnh giá, hiện ở mức 5.140 đồng/cổ phiếu. Trong 21 ngày giao dịch gần nhất, mã HVG mất 3,93%, tương đương 210 đồng mỗi cổ phiếu.