Đại gia Bình Dương “kiếm đậm” từ thanh lý cây "vàng trắng"

Sự kiện: Kinh Doanh

Khoản lời đậm từ thanh lý gỗ cao su đã giúp đại gia “vàng trắng” tại Bình Dương giữ vững được phong độ.

Trong bối cảnh thị trường cao su đang gặp khó khăn, CTCP Cao su Phước Hòa - một “đại gia” ngành cao su tại Bình Dương vẫn liên tục báo lãi khởi sắc và tăng trưởng. Kết quả này có được là nhờ công ty đã kiếm đậm từ thanh lý các tài sản cố định, trong đó có gỗ cao su.

Đại gia Bình Dương “kiếm đậm” từ thanh lý cây "vàng trắng" - 1

Gía bán cao su giảm nhưng Phước Hòa vẫn kiếm lãi đậm từ bán gỗ cao su

Theo báo cáo kinh doanh công ty mẹ Qúy II năm 2018, CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) đạt doanh thu gần 178 tỷ đồng, do giá vốn cao nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ 11 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kì. Tuy nhiên, do có khoản lợi nhuận khác tới hơn 118 tỷ đồng nên Cao su Phước Hòa lãi ròng 103,7 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kì năm ngoái.

Theo giải trình từ Phước Hòa, do trong quý 2/2018 sản lượng tiêu thụ cao su cao hơn 1.390,44 tấn mủ thành phẩm nhưng giá bán bình quân 1 tấn sản phẩm lại giảm 21% nên lợi nhuận kinh doanh mủ cao su giảm 12,6 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận khác tăng mạnh thêm 67,27 tỷ đồng chính là do thu nhập từ thanh lý cây cao su tăng.

Còn trong quý I, doanh thu Phước Hòa cũng đã giảm sâu 40% từ 328 tỷ xuống còn 193,7 tỷ đồng. Song, lợi nhuận từ thanh lý cây cao su và các tài sản cố định khác đạt hơn 75 tỷ đồng nên lãi ròng của Phước Hòa đã giữ vững được lợi nhuận.

Theo chứng khoán BSC, dự kiến giá bán cao su trong năm 2018 chỉ đạt bình quân 33 triệu đồng/tấn. Giá thành sản xuất hiện tại Việt Nam khoảng 30,5 triệu đồng/tấn (Biên lợi nhuận là 14,9%, thấp hơn mức 21,54% cùng kỳ năm ngoái). 

Như vậy có thể thấy, trong khi thị trường cao su đang gặp khó khăn do giá mủ giảm thì động lực tăng trưởng của Phước Hòa lại đến từ khoản lời đậm từ hoạt động thanh lý cây cao su. Theo nhận định của Chứng khoán BSC, với giá thanh lý trung bình hiện nay khoảng 280 triệu đồng/ha, hoạt động thanh lý gỗ cao su dự kiến sẽ đóng góp vào lợi nhuận cho Phước Hòa khoảng 320 tỷ đồng trong năm 2018. Hiện nay, Cao su Phước Hòa còn khoảng 4.500 ha chưa thanh lý và dự kiến mỗi năm sẽ thanh lý 1.000 ha.

Trên thực tế, kể từ năm 2014 đến 2017, PHR đã liên tục thanh lý cây cao su và thu về các khoản lời lớn hàng trăm tỷ mỗi năm, chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng lợi nhuận của công ty này.

Ngoài ra, Cao su Phước Hòa còn có quỹ đất khá lớn để mở rộng khu công nghiệp. Trong giai đoạn từ năm 2005-2017, công ty đã chuyển đổi 1.000 ha diện tích cao su thành 2 khu công nghiệp Nam Tân Uyên và Tân Bình. Trong giai đoạn 2018-2020, PHR dự kiến sẽ tiếp tục chuyển đổi 1.000-2.000 ha diện tích đất thành các khu công nghiệp giai đoạn 2018-2020.

Theo Chứng Khoán Bản Việt, PHR sẽ giao 355 ha đất cho Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) và 691 ha đất cho Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) với giá lần lượt 950 triệu đồng/ha và 1 tỷ đồng/ha. Đối với dự án VSIP, PHR sẽ nhận được 20% lợi nhuận hàng năm của khu công nghiệp này.

Đại gia Bình Dương “kiếm đậm” từ thanh lý cây "vàng trắng" - 2

Diễn biến cổ phiếu của PHR trong thời gian gần đây. Nguồn: hsx.vn

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu PHR của Cao su Phước Hòa cũng đã có diễn biến khá tích cực trong thời gian gần đây khi tăng hơn 34% kể từ khi thị trường chung chạm đáy.

Hàng loạt tỷ phú Việt đang muốn “lột xác” hoàn toàn

Giới doanh nghiệp Việt Nam chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ đến bất ngờ của các đại gia hàng đầu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Sơn ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN