Đại gia Bình Định: kẻ mất nghiệp, người chật vật với hướng đi mới
Gặp khó khăn trong tài chính, bị buộc rời bỏ sự nghiệp cả đời, chật vật trong hướng đi mới là những gì mà các đại gia xuất thân từ Bình Định đang gặp phải.
Bình Định là một vùng quê nghèo, khắc nghiệt nhưng là nơi đã sinh ra nhiều doanh nhân thành đạt, nổi tiếng với sự quyết liệt trên thương trường. Những cái tên có thể kể đến như ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), ông “trùm” gỗ Võ Trường Thành, “vua” tôn Lê Phước Vũ hay ông Bùi Pháp của Đức Long Gia Lai. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, loạt đại gia này lại đang gặp những khó khăn nhất định.
Bầu Đức chật vật với nông nghiệp, nhưng đã gặp được “quý nhân”
Ông Đoàn Nguyên Đức (biệt danh là bầu Đức) sinh năm 1962, nguyên quán tại xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Đình. Từng 4 lần thi trượt đại học, ông Đoàn Nguyên Đức bắt đầu sự nghiệp với một phân xưởng nhỏ tên Hoàng Anh, chuyên đóng bàn ghế học sinh.
Năm 1993, ông Đức thành lập công ty là xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku và sau đó được chuyển đổi thành CTCP HAGL vào năm 2006. Công ty chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE năm 2008 với mã chứng khoán là HAG.
Bầu Đức nhanh chóng mở rộng hoạt động kinh doanh sang rất nhiều lĩnh vực và trở thành tên tuổi hàng đầu giới kinh doanh. Năm 2009, mảng bất động sản đã giúp ông Đức trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán.
Ông Đoàn Nguyên Đức đang kiên trì với mảng trồng cây ăn trái.
Tuy nhiên tình hình kinh doanh của HAGL đã trở nên tiêu cực vào năm 2016 khi lỗ “khủng” hơn ngàn tỷ đồng. Bầu Đức đã quyết định chuyển hướng sang nông nghiệp và thủy điện. Sau khi không thành công với mía đường, cao su và bò sữa, ông Đức đã chuyển hướng sang trồng cây ăn trái. Bước đầu mảng này đã mang lại lợi nhuận cho bầu Đức, nhưng vấn đề lớn nhất của HAGL vẫn là dòng vốn và nợ đang rất tiêu cực.
Mới đây nhất, HAGL báo lỗ 14 tỷ đồng trong Qúy II năm 2018, 6 tháng đầu năm lỗ ròng 11 tỷ đồng. Nợ phải trả của HAGL tiếp tục tăng cao cả ngàn tỷ. Tuy nhiên, tin vui đã đến với bầu Đức khi đại gia ô tô THACO đã cam kết đầu tư cả tỷ USD vào HAGL để tái cơ cấu và phát triển mảng nông nghiệp, bất động sản.
Ông “trùm” gỗ Việt buộc phải rời bỏ sự nghiệp cả đời
Trong khi bầu Đức đang rất thành công trên thị trường gỗ nội địa, mảng gỗ xuất khẩu lại chứng kiến sự nổi lên của một doanh nhân gốc Bình Định khác đó là là ông Võ Trường Thành - người sáng lập Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF).
Với sự lèo lái của ông Võ Trường Thành, TTF đã liên tục phát triển và trở thành đại gia xuất khẩu gỗ lớn nhất Việt Nam. Năm 2015, Gỗ Trường Thành đạt doanh thu hơn 2.753 tỷ đồng, lãi ròng gần 189 tỷ đồng. Đầu năm 2016, cổ phiếu Gỗ Trường Thành còn đạt mức giá kỷ lục từ khi niêm yết và được đại gia Vingroup tỏ ý muốn thâu tóm.
Thế nhưng sau đó, Gỗ Trường Thành đã gây sốc cho các nhà đầu tư và giới doanh nghiệp khi báo cáo tài chính quý II/2016 cho thấy khoản lỗ lên đến 1.123 tỷ đồng. Sau kiểm toán, TTF báo lỗ tới 1.271 tỷ đồng trong năm 2016.
Ông Võ Trường Thành đã phải từ bỏ sự nghiệp cả đời của mình
Cổ phiếu TTF khi đó đã có chuỗi giảm sàn kỉ lục tới 24 phiên liên tiếp từ 43.600 đồng xuống 8.100 đồng và sau đó bị đưa vào diện hạn chế giao dịch. Ông Võ Trường Thành và con gái đã phải đắng cay từ nhiệm sự nghiệp cả đời của mình. Đến nay, Gỗ Trường Thành đã rơi vào tay người mới nhưng vẫn đang phải chật vật để tái cơ cấu và ổn định trở lại.
Ông chủ Tập đoàn Hoa Sen gặp khó với chiến lược mới và đeo khối nợ chục ngàn tỷ
Ông Lê Phước Vũ cũng là một doanh nhân nổi tiếng xuất thân từ Bình Định. Năm 1994, ông Vũ bắt đầu khởi nghiệp với một cửa hàng bán tôn, tự mở xưởng cán tôn và dần phát triển công việc kinh doanh của mình.
Năm 2001, ông Lê Phước Vũ thành lập Công ty Cổ phần Hoa Sen với số vốn ban đầu 30 tỷ đồng. Từ một doanh nghiệp nhỏ, Hoa Sen đã trở thành một Tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam. Từ năm 2012 đến nay, Hoa Sen luôn đạt doanh thu trên 10 ngàn tỷ đồng. Năm 2016, Hoa Sen lãi ròng kỉ lục hơn 1.500 tỷ đồng. Cổ phiếu HSG đã tăng gần gấp đôi, đại gia Lê Phước Vũ nhờ đó đã góp mặt vào top 15 người giàu nhất Việt Nam.
Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen – ông Lê Phước Vũ
Với những thành công lớn đạt được, Hoa Sen bắt đầu mở rộng sản xuất để tiếp tục tham vọng chiếm lĩnh thị trường tôn thép Việt và cạnh tranh với đối thủ Hòa Phát. Để đạt được tham vọng này, Hoa Sen đã tăng vay nợ ngân hàng và liên tục mở rộng hệ thống phân phối và nhà máy sản xuất. Và chiến lược này đã khiến Hoa Sen rơi vào cảnh làm bao nhiêu trả nợ vay ngân hàng bấy nhiêu.
Năm 2017, mặc dù doanh thu thuần đạt 26.336 tỷ đồng, tăng hơn 46% so với 2016, nhưng lãi ròng của HSG lại giảm 11,5%. Nguyên nhân là chi phí tài chính và chi phí bán hàng đã ăn mòn lợi nhuận của Hoa Sen.
6 tháng đầu năm 2018, tình trạng này vẫn tiếp diễn trong tình hình kinh doanh của Hoa Sen, trong khi đó tổng nợ vay ngân hàng của HSG đã lên ngưỡng 15.880 tỷ đồng. Cổ phiếu của HSG đã lao dốc không phanh xuống còn quanh mốc 10.000 đồng/cổ phiếu. Ông Vũ sẽ còn rất nhiều việc phải làm để đưa Hoa Sen trở lại ổn định.
Ngoài ra một đại gia khác đến từ Bình Định đó là ông Bùi Pháp – Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG). Hiện tại tình hình kinh doanh của DLG cũng không mấy sáng sủa khi lợi nhuận thấp, nợ nần nhiều. Cổ phiếu của Đức Long Gia Lai là DLG cũng đang giao dịch tại 2.600 đồng, mức giá ngang với ly trà đá.
Liên tiếp những thông báo kê biên, bán đấu giá tài sản để siết nợ và phạt tiền vì hành vi thao túng giá cổ phiếu đã...