Đại biểu Quốc hội nói gì về “ẩn số” nợ xấu?

Trước những báo cáo đề cập tới nhiều con số khác nhau về tỷ lệ nợ xấu, các ĐBQH đề nghị cần có một báo cáo thật chuẩn xác về tỷ lệ nợ xấu hiện là bao nhiêu…

Theo báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình, nợ xấu đến cuối tháng 12/2014 là 3,25%. Tuy nhiên, theo một dữ liệu mới cập nhật từ NHNN thì tính tới hết tháng 1/2015 nợ xấu đã tăng lên 3,49%. 

Đáng nói, đây là con số nợ xấu tập hợp từ báo cáo của các NHTM, còn con số nợ xấu giám sát từ xa của Cơ quan thanh tra giám sát NHNN vẫn chưa được công bố. Và có thể con số này còn cao hơn rất nhiều tỷ lệ 3,49%...

Trước những “ẩn số” về con số nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, chia sẻ quan điểm với PV bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Bùi Đức Thụ (Lai Châu), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội tỏ ra băn khoăn và hoài nghi về những tỷ lệ nợ xấu khác nhau được đưa ra.

“Hiện tại tôi cũng nhận được các báo cáo về tình hình nợ xấu, nhưng mỗi báo cáo lại đề cập một con số khác nhau. Có báo cáo nói tỷ lệ nợ xấu là trên 3%, có báo cáo lại đề cập một con số cao hơn rất nhiều… ”- ĐB Bùi Đức Thụ nói và đề nghị, không chỉ riêng ông mà khá nhiều ĐBQH muốn có một báo cáo thật chuẩn xác về tỷ lệ nợ xấu hiện là bao nhiêu.

Đại biểu Quốc hội nói gì về “ẩn số” nợ xấu? - 1


ĐBQH Bùi Đức Thụ: Cần có một báo cáo thật chuẩn xác về tỷ lệ nợ xấu hiện là bao nhiêu

Dù băn khoăn giữa “ma trận” những con số khác nhau của tỷ lệ nợ xấu, song ĐB Thụ cũng thừa nhận, nếu cách đây 1 năm báo cáo mà ông có được tỷ lệ nợ xấu hệ thống ngân hàng lên tới 8,6% thì nay đã giảm đáng kể. 

“Nếu tỷ lệ nợ xấu giảm về còn trên 3% là con số thực thì đây là sự cố gắng lớn của hệ thống ngân hàng trong xử lý “cục máu đông” này” – ông nói.

Có 4 nguyên nhân được Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách đề cập giúp nợ xấu “giảm nhiệt”. Trước tiên, ngành ngân hàng đã nâng cao chất lượng tín dụng, đánh giá dự án hiệu quả có khả năng thu hồi vốn mới quyết định cho vay.

Thứ 2, chính là chất lượng hoạt động của nền kinh tế. Tăng trưởng GDP ở mức 6,03% trong 3 tháng đầu năm, cộng với một số lĩnh vực kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi như công nghiệp, dịch vụ… cho thấy nền kinh tế đã bắt đầu có sức vươn trở lại, hoạt động doanh nghiệp đã khá hơn. Cùng với đó, tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới gia tăng, số DN trước đây “chết lâm sàng” nên đã tái hoạt động trở lại… là điều kiện để không làm phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn…

Quá trình xử lý nợ xấu qua VAMC đã giải phóng được một tỷ lệ tương đối lớn nợ xấu “ẩn  mình” trong các ngân hàng thương mại.

Ngoài ra, việc bắt buộc các TCTD phải nâng trích lập dự phòng rủi ro với các khoản vay lớn và sử dụng nguồn này trang trải nợ xấu đã giúp “kìm” đáng kể nợ xấu không “phình to” hơn.

Không tỏ ra quan tâm tới “ẩn số” nợ xấu hiện là bao nhiêu, ĐBQH Trần Du Lịch (TP.Hồ Chí Minh) nói thẳng, điều ông quan tâm nhất hiện nay là tác hại của nợ xấu đến nền kinh tế đã giảm lùi trên tất cả các mặt.

“Chúng ta đừng nên quá quan trọng về con số, có thể nợ xấu là 3%, trên 3% hay 4% đi chăng nữa, mà điều đáng nói nhất là hệ lụy của nó tới nền kinh tế đã được “kìm” lại” – ĐB Trần Du Lịch nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội nói gì về “ẩn số” nợ xấu? - 2


ĐBQH Trần Du Lịch: Hệ lụy của nợ xấu tới nền kinh tế đã được kìm lại...

Theo ông, hiện “cục máu đông” nợ xấu đã tương đối thông, tín dụng tăng trưởng ổn định, không còn nguy cơ làm mất thanh khoản và đổ vỡ hệ thống ngân hàng. “Bài toán nợ xấu cho tới thời điểm này đã giải quyết những thành quả mà tôi đề cập, đó mới là điều đáng nói. Chứ chúng ta cũng không nên quá quan tâm tới con số nợ xấu hiện là bao nhiêu, vì con số cũng chỉ mang tính định tính mà thôi” – ông nhấn giọng.

Dẫn lại một khảo sát của mình thực hiện đối với hệ thống ngân hàng tại TP.Hồ Chí Minh, ông Lịch cho biết, hiện tổng nợ xấu hệ thống ngân hàng, bao gồm cả nợ của các công ty tài chính, các ngân hàng hiện nay đang được NHNN đưa vào diện giám sát đặc biệt do mất vốn. “Số nợ “dính” đến các công ty tài chính, ngân hàng có khả năng mất vốn… thuộc nợ nhóm 5 và đã được khoanh lại nên sẽ dễ dàng xử lý. Nếu trừ đi số này thì tỷ lệ nợ xấu thấp chứ không cao”- ĐB Trần Du Lịch chia sẻ.

Vị ĐBQH đồng thời cũng là một chuyên gia kinh tế uy tín nhấn mạnh lần nữa quan điểm của mình về nợ xấu, “như tôi đã nói nợ xấu về bản chất không có gì xấu vì nó là chuyện bình thường của tổ chức tín dụng…”. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ, về nguyên tắc nợ xấu là một sản phẩm của thị trường nên phải dùng thị trường để giải quyết, nghĩa là phải khơi thông thị trường mua bán nợ để các doanh nghiệp, công ty mua bán nợ, các ngân hàng… có thể tham gia. Như thế, nợ xấu mới được giải quyết “thực” và dứt điểm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoài (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN