Đại biểu Quốc hội lên tiếng taxi truyền thống yếu thế trước Grab, Uber

Sự kiện: Kinh Doanh

Góp ý dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), ĐBQH Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho rằng đang có sự bất bình đẳng giữa taxi truyền thống và Grab, Uber; khi taxi truyền thống phải nộp 10% thuế GTGT và 20% thuế TNDN còn Grap, Uber và các doanh nghiệp tham gia mạng lưới này chỉ đóng 3% thuế GTGT và 2% thuế TNDN...

Ngày 27-10, Quốc hội họp tại tổ Hà Nội cho ý kiến về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Phi Thường cho rằng đang có những bất cập trong chính sách quản lý đối với hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định và vận tải khách bằng xe taxi.

Đại biểu Quốc hội lên tiếng taxi truyền thống yếu thế trước Grab, Uber - 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường - Ảnh: Nguyễn Nam

Làm rõ thêm, ông Nguyễn Phi Thường cho biết công nghệ phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải nắm bắt thời cơ, ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh, đồng thời mang lại thêm nhiều tiện ích, giá trị dịch vụ cho khách hàng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phi Thường, công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa theo kịp dẫn đến những bất cập, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và ổn định trật tự, an sinh xã hội; trong đó có hoạt động vận tải hành khách bằng taxi và vận tải hành khách theo tuyến cố định.

Đại biểu Quốc hội lên tiếng taxi truyền thống yếu thế trước Grab, Uber - 2

GrabCar đang cạnh tranh quyết liệt với taxi truyền thống

Cụ thể vận tải hành khách bằng xe taxi truyền thống đang phải cạnh tranh khốc liệt với loại hình Grab, Uber, thường được gọi là taxi công nghệ.

Đây là 2 loại hình kinh doanh vận tải được Bộ Giao thông vận tải cấp phép thí điểm theo hình thức xe hợp đồng ứng dụng công nghệ kết nối điện tử (từ tháng 1-2016 đối với Grab và từ tháng 4-2017 đối với Uber).

ĐBQH Nguyễn Phi Thường phân tích về bản chất Grab, Uber là đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ kết nối khách hàng với chủ xe, hoạt động như taxi nhưng lại được quản lý theo loại hình xe hợp đồng với các điều kiện gia nhập thị trường và kiểm soát điều kiện kinh doanh dễ dàng hơn nhiều hơn so với taxi truyền thống (không khống chế số lượng xe, tự do đi vào các tuyến phố hạn chế xe taxi, giá cước tự do điều chỉnh, chính sách thuế ưu đãi, không có phù hiệu để kiểm soát …).

Thực chất có thể thấy Grab và Uber đã khai thác ứng dụng công nghệ để lôi kéo và khai thác các chủ xe cá nhân đưa xe vào kinh doanh như xe taxi. Grab, Uber không trực tiếp quản lý phương tiện, người lái mà chỉ cung cấp dịch vụ kết nối và thu phí dịch vụ (20% doanh thu); còn các xe cá nhân muốn tham gia dịch vụ này phải đăng ký qua các doanh nghiệp, HTX vận tải.

Lợi thế về các điều kiện kinh doanh và không bị hạn chế về số lượng đã khiến Grap và Uber phát triển nhanh chóng. Chỉ trong thời gian chưa đầy 2 năm, số lượng phương tiện tham gia kinh doanh Grab và Uber tại Hà Nội và TP HCM đã tăng chóng mặt.

Ông Nguyễn Phi Thường đưa ra con số đầu 2016, tại TP HCM chỉ có trên 300 xe dưới 9 chỗ đăng ký chạy hợp đồng thì đến tháng 4-2014 (chỉ sau hơn 1 năm Grab được cấp phép thí điểm) con số này đã tăng lên trên 22.000 xe (gấp 73 lần); tại Hà Nội hiện cũng đã có trên 10.000 xe đăng ký chạy Grab, Uber, gấp hàng chục lần so với đầu năm 2016. Đây thực sự là một áp lực nặng nề đối với giao thông tại Hà Nội và TP HCM.

ĐBQH Nguyễn Phi Thường nhìn nhận việc quản lý thuế đối với Grab, Uber cũng có nhiều bất cập, gây thất thu thuế: taxi truyền thống phải nộp 10% thuế GTGT và 20% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); trong khi Grab, Uber và các doanh nghiệp tham gia mạng lưới này chỉ phải đóng 3% thuế GTGT và 2% thuế TNDN.

"Các điều kiện kinh doanh bất bình đẳng so với Grab, Uber đã làm cho nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống đối mặt với nguy cơ phá sản. Hàng loại các hãng taxi lớn như Vinasun, Mai Linh, TaxiGroup phải giảm quy mô, thậm chí thay đổi phương thức quản lý sang nhượng quyền/khoán cho lái xe; hàng ngàn lao động mất việc làm, gây bất ổn xã hội"- ông Thường nhìn nhận.

Chưa hết, theo vị ĐBQH Hà Nội, nhiều năm qua đã có tình trạng vận tải hành khách tuyến cố định núp bóng dưới loại hình xe hợp đồng Dcar, Limousine.

Theo quy định đối với các tuyến cố định thì xe phải đón khách tại các bến xe liên tỉnh. Nhưng một số doanh nghiệp vận tải liên tỉnh (xe dưới 10 chỗ) đã lợi dụng kẽ hở để lách luật chạy xe theo hình thức hợp đồng, đón khách tận nhà theo phuơng thức khách hàng đặt xe qua điện thoại.

"Loại hình này hiện đang nở rộ trên hầu hết các tuyến cố định có lưu lượng khách lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM; dẫn đến gia tăng mật độ phương tiện xuyên tâm vào đón trả khách trong khu vực nội đô; tạo ra sự bất bình đẳng, cạnh tranh không lành mạnh đối với các doanh nghiệp vận tải liên tỉnh, gây thất thu thuế cho nhà nước; nhiều doanh nghiệp vận tải liên tỉnh đã bị phá sản, dừng tuyến"- ông Thường chia sẻ.

ĐBQH Nguyễn Phi Thường cho rằng ứng dụng công nghệ là tất yếu trong xu thế hội nhập và phát triển. Các doanh nghiệp taxi truyền thống cần phải chủ động các giải pháp để thích ứng, nâng cao chất lượng dịch vụ và tiện ích cho khách hàng như xây dựng các phần mềm công nghệ kết nối, liên kết các đơn vị thành lập sàn giao dịch taxi chung để nâng cao hiệu quả khai thác phương tiện, giảm giá thành và giá cước vận tải.

Tuy nhiên, để đảm bảo công bằng trong cạnh tranh giữa các loại hình vận tải, ĐBQH Nguyễn Phí Thường kiến nghị: "Các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành các quy định cụ thể, chặt chẽ để quản lý và kiểm soát các loại hình vận tải; đảm bảo trật tự an toàn giao thông và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong kinh doanh".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Trân (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN