Đại biểu QH: Làm rõ đồng tiền “sạch”, “bẩn” ra sao
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về 189 cá nhân, tổ chức Việt Nam xuất hiện trong Hồ sơ Panama, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, đây chính là cơ hội tốt để làm rõ đồng tiền “sạch”, “bẩn” ra sao, đồng thời cũng là dịp để thanh minh và thanh lọc cán bộ thoái hóa biến chất.
189 tổ chức cá nhân được nhắc đến trong Hồ sơ Panama phải có trách nhiệm giải trình trước cơ quan chức năng. Ảnh minh họa
Cơ quan điều tra cần vào cuộc
Ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết, đã trao đổi với lãnh đạo Bộ Tài chính về việc Hồ sơ Panama “điểm danh” 189 cá nhân, tổ chức tại Việt Nam. Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã bắt đầu vào cuộc thanh tra để làm rõ có tình trạng rửa tiền và trốn lậu thuế từ các tổ chức, cá nhân này hay không?
Cũng theo ông Thụ, đây là vấn đề hết sức phức tạp, chưa có tiền lệ, lại đụng đến các ban ngành, các tổ chức quốc tế, do vậy Bộ Tài chính phải chỉ đạo các cơ quan thuế, hải quan làm rõ xem có trốn lậu thuế không, đồng thời chỉ đạo phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xem có tình trạng rửa tiền không? Sau nữa, các cơ quan ngoại giao cũng cần vào cuộc...
“Vụ việc đụng đến đâu thì Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan vào cuộc tới đó. Sau khi có kết luận thì phải công bố công khai để dư luận biết. Đối với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng có thể phải khởi tố vụ án, để cơ quan điều tra và các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc”, ông Thụ nói.
“Đây là cơ hội rất tốt để các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ. Nếu đó là những đồng tiền “sạch”, chúng ta sẽ giải oan cho nhiều người. Ngược lại cũng là dịp để làm rõ xem có tiền “bẩn” hay không để đưa vụ việc ra ánh sáng. Đây cũng là cơ hội để thanh lọc, loại bỏ cán bộ thoái hoá, biến chất, tham nhũng khỏi bộ máy nhà nước”. Ông Lê Như Tiến |
Tuy nhiên, theo ông Thụ, không phải cứ xuất hiện trong Hồ sơ Panama là vi phạm pháp luật. Thực tế có trường hợp tổ chức, cá nhân mở chi nhánh, hoặc tham gia làm chủ sở hữu doanh nghiệp ở nước ngoài nhưng họ hoạt động đúng.
Ngược lại cũng có những trường hợp một số quốc gia ưu đãi về thuế mà báo chí vẫn gọi là “thiên đường thuế”, họ sẽ mở doanh nghiệp tại đó. Họ sẽ có quan hệ liên kết với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước thông qua việc chuyển giá để trốn lậu thuế, và cũng có biểu hiện rửa tiền để biến tài sản bất minh thành tài sản hợp pháp có nguồn gốc.
“Đúng sai thế nào, mức độ vi phạm đến đâu phải căn cứ vào kết quả thanh tra. Nếu xảy ra trốn lậu thuế, rõ ràng sẽ tạo ra một sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, gây ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước. Còn rửa tiền là hành động phi pháp, cần phải làm rõ, bởi theo quy định của pháp luật Việt Nam, đây là hành vi trái pháp luật cần phải xử lý nghiêm”, ông Thụ nói.
Cơ hội tốt khẳng định quyết tâm chống tham nhũng
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội Lê Như Tiến cho hay, phòng chống tham nhũng, tiêu cực là chủ trương nhất quán với một quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng và Nhà nước ta.
Do đó, vụ việc liên quan đến Hồ sơ Panama chính là một cơ hội để trả lời câu hỏi lâu nay vẫn đặt ra: Tiền gửi ra nước ngoài có tiền do tham nhũng không?
Theo ông Tiến, cơ quan kiểm tra của Đảng, cơ quan giám sát của Quốc hội cũng hoàn toàn có thể vào cuộc cùng với các cơ quan nước ngoài phối hợp làm rõ trắng đen vụ việc.
Trước tiên, 189 tổ chức cá nhân được nhắc đến trong Hồ sơ Panama phải có trách nhiệm giải trình trước cơ quan chức năng.
“Chỉ khi Hồ sơ Panama hé lộ chúng ta mới biết được, còn phần lớn vì bảo vệ bí mật cá nhân nên các ngân hàng nước ngoài không công khai danh tính. Đây là cơ hội tốt để quyết tâm chống tham nhũng của chúng ta trở thành hiện thực”, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.