Đại biểu QH đề nghị giảm lãi suất cho vay về mức 5%-7%/năm

Lạm phát tính đến tháng 9-2015 đã ở mức rất thấp nhưng lãi suất cho vay trung và dài hạn đối với doanh nghiệp đang rất cao, ở mức 10%-11%. Đây là một nghịch lý.

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM bên lề buổi thảo luận tổ về báo cáo kinh tế-xã hội năm 2015 và định hướng 2016 diễn ra sáng 22-10, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô trong năm 2015 đã đạt được một số kết quả như kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nợ xấu,… Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp trong nước vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là lãi suất cho vay vẫn quá cao.

Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị Chính phủ cần có biện pháp cụ thể hơn để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, trong đó ưu tiên giảm bớt các chi phí thủ tục hành chính, giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn.

“Hiện nay lãi suất cho vay ở kỳ hạn này đang dao động mức 8%-11%/năm, cao hơn rất nhiều so với lạm phát. Tôi đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tính toán giải pháp giảm lãi suất cho vay về mức 5%-7%/năm, giúp doanh nghiệp có vốn đầu tư sản xuất” - ông Nam đề xuất.

Đồng quan điểm, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình), nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng lãi suất cho vay dài hạn theo thông lệ quốc tế hiện chỉ 5%-6%/năm trong bối cảnh lạm phát thấp. Lạm phát Việt Nam hiện quanh mốc 2%. Điều này đã giảm được gánh nặng đầu vào, tín hiệu tốt để giảm lãi suất.

“Theo tôi, mức lãi suất cho vay dài hạn chỉ khoảng 5-6%/năm và lãi suất ưu đãi 3%-4%/năm là thích hợp để tạo điều kiện vốn cho doanh nghiệp. Bởi thực tế lãi suất của ta hiện nay vẫn cao ở mức 9%-11%. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý các ngân hàng nếu giảm mạnh lãi suất ngay sẽ ảnh hướng đến cả hệ thống; do đó lãi suất cho vay có khả năng sẽ giảm dần từng mức trong năm 2016” - ông Kiêm kiến nghị.

Về vấn đề bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp như Vinamilk, FPT, Nhựa Bình Minh…, ông Nam ủng hộ phương án này bởi đây là những doanh nghiệp, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm chi phối. Nhà nước bán vốn để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia phát triển doanh nghiệp nhiều hơn.

Thế nhưng theo vị này, Bộ Tài chính cần có phương án rõ ràng để sử dụng nguồn bán vốn này vào các danh mục hợp lý, không nên sử dụng vào ngân sách chung chung; chẳng hạn như đầu tư vào hạ tầng, xây dựng các bệnh viện, cơ sở phúc lợi xã hội,…

Trong khi đó, ông Kiêm cho rằng Nhà nước thoái hết vốn ở doanh nghiệp để dành nguồn tiền cho ngân sách là phương án tốt. Chủ trương bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp là chủ trương đúng nhưng cần phân tích, cân nhắc, phân loại lĩnh vực. Chẳng hạn như lĩnh vực nào sinh lời nhiều, đóng góp ngân sách nhiều, kỹ thuật đơn giản thì để doanh nghiệp tư nhân làm.

Theo ông Kiêm, việc Chính phủ quyết định bán vốn cổ phần ở một số doanh nghiệp để bù đắp ngân sách không phải mới nhưng đã thể hiện sự thay đổi trong tư duy quản lý của Nhà nước trước bối cảnh hội nhập TPP.

“Cái gì Nhà nước không làm được nên để cho tư nhân làm, Nhà nước chỉ tập trung vào những vấn đề dài hạn. Tuy nhiên, bán vốn cổ phần cũng nên phân loại đơn vị, lĩnh vực để đảm bảo hài hòa lợi ích xã hội và ngân sách. Nhà nước chỉ nên nắm giữ lĩnh vực dầu khí, điện, còn những lĩnh vực khác như sữa, viễn thông, hàng không… nên bán hết cổ phần” - ông Kiêm nêu quan điểm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà Phương (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN