Đà phục hồi Trung Quốc đang khựng lại

Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã khựng lại trong tháng 12.2012. Điều này cho thấy nền kinh tế này vẫn đang hồi phục nhưng khó có thể đi nhanh trong điều kiện kinh tế vĩ mô toàn cầu vẫn đang suy yếu.

Theo công bố của Liên đoàn Logistics và Mua hàng Trung Quốc (CFLP) vào hôm thứ Ba, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Trung Quốc vẫn không đổi so với mức 50,6 của tháng 11. Mặc dù tháng 12 là tháng thứ ba liên tiếp có chỉ số PMI đạt trên 50 (trên 50 nghĩa là tăng trưởng), nhưng theo chuyên gia phân tích Zhang Liqun của CFLP, chỉ số này cho thấy “đà phục hồi kinh tế đang tương đối yếu ớt”.

Điều đáng chú ý là con số thống kê chính thức của CFLP lại trái ngược với chỉ số PMI mà HSBC công bố hôm thứ Hai. Theo HSBC, chỉ số PMI ngành sản xuất Trung Quốc đã tăng lên 51,5 trong tháng 12 từ mức 50,5 của tháng 11. Chỉ số PMI của HSBC chủ yếu dựa vào tình hình của các doanh nghiệp nhỏ thuộc khu vực tư nhân trong khi chỉ số PMI của CFLP lại căn cứ nhiều hơn vào tình hình của các doanh nghiệp quốc doanh lớn.

Điểm chung giữa chỉ số PMI của HSBC và CFLP là đều cho thấy sự suy giảm trong đơn đặt hàng xuất khẩu mới, nghĩa là nhu cầu thế giới đối với hàng hóa Trung Quốc ở các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu vẫn tiếp tục ảm đạm. Theo số liệu của CFLP, đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm từ 50,2 xuống còn 50 trong khi của HSBC là giảm từ 52,1 xuống còn chỉ 46,7.

“Điều đó có nghĩa là sức cầu nội địa vẫn sẽ đóng vai trò là động cơ tăng trưởng chính của Trung Quốc”, chuyên gia kinh tế Lu Ting, thuộc Bank of America/Merrill Lynch, nhận xét.

Các chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng ANZ cũng có cùng chung nhận định. Họ cho rằng nhu cầu thế giới yếu ớt sẽ buộc các nhà điều hành chính sách Trung Quốc phải tung ra nhiều biện pháp hơn nữa để kích cầu trong nước nhằm đảm bảo đà phục hồi của nền kinh tế. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đàm Hoa (Nhịp cầu đầu tư/WSJ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN