Đã đủ cơ sở để hạ lãi suất

Lãi suất trái phiếu Chính phủ có xu hướng giảm trong những tháng cuối năm; lạm phát đang được kiểm soát chặt chẽ và có thể giảm dưới mức 8%...là những yếu tố khiến UBGSTCQG cho rằng cơ sở để giảm lãi suất đã khá rõ ràng.

Trong bản báo cáo đánh giá về tình hình kinh tế xã hội 11 tháng đầu năm 2012 Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) cho biết tình hình kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp vẫn trong giai đoạn rất khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động trong tháng 11 đang tiếp tục tăng so với 9 tháng đầu năm và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Cho đến thời điểm gần cuối năm 2012, doanh nghiệp Việt Nam ở đại đa số các ngành nghề vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức trên mọi phương diện, đặc biệt là ở 2 khâu chủ yếu là “đầu vào” và “đầu ra” của sản phẩm.

Ngoài những khó khăn ở khâu tiêu thụ sản phẩm chậm dẫn đến lượng hàng tồn kho cao, các doanh nghiệp hiện nay cũng đang chịu những khó khăn rất lớn do phải chi phí sản xuất đang tăng lên đáng kể.

Bên cạnh đó, chi phí tài chính cao cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp gần như rơi vào thảm cảnh. Việc phải chịu mức lãi suất cao (trên 15%/năm) trong một thời gian kéo dài tới nay đã trên 30 tháng làm khó khăn của doanh nghiệp tăng thêm.

Chi phí lãi vay cao dẫn đến chi phí tài chính cao làm lợi nhuận suy giảm, gây cản trở quá trình phục hồi của doanh nghiệp.

Ngoài ra, lãi suất cao cũng làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam so với các nước trong khu vực.

Theo tính toán, lãi suất của Việt Nam hiện đang cao hơn gấp 2-3 lần so với các nước trong khu vực, do đó nếu giả sử các yếu tố khác không đổi thì giá thành của Việt Nam đang cao hơn so với Ấn Độ 2%, Thái Lan 2,51%, Trung Quốc là 2,6% và Singapore là 2,8%...khiến thị trường tại Việt Nam sẽ kém hấp dẫn các nhà đầu tư.

Đã đủ cơ sở để hạ lãi suất - 1

Theo UBGSTCQG, đã đủ cơ sở để giảm lãi suất (ảnh minh họa)

Cơ quan này kiến nghị, Chính phủ cần sớm hành động quyết liệt, đưa ra những giải pháp cụ thể đi thẳng vào giải quyết vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể: có thể mạnh dạn hạ lãi suất huy động và lãi suất cơ bản khoảng 1% so với lãi suất quy định hiện nay, đồng thời khống chế trần lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không vượt quá 150% lãi suất cơ bản theo luật định, nhằm giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp.

Theo UBGSTCQG, cơ sở để giảm lãi suất đã khá rõ ràng. Lợi suất trái phiếu Chính phủ đang có xu hướng giảm trong những tháng cuối năm; Lạm phát đang được kiểm soát chặt chẽ và có thể giảm dưới mức 8%.

Như vậy, chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và lạm phát gần như không còn, tuy nhiên nguy cơ tiền gửi được rút khỏi hệ thống ngân hàng để chuyển sang các kênh đầu tư khác là rất thấp khi các kênh đầu cơ như vàng, bất động sản, chứng khoán đang gặp nhiều khó khăn, khó có khả năng sinh lời, thậm chí lỗ vốn.

Mặt khác, thực tế cho thấy dù lãi suất ngân hàng đã giảm 5% kể từ đầu năm nhưng tổng số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng vẫn tăng đều mỗi tháng và hiện có mức tăng khoảng 15% so với đầu năm. Điều này cho thấy, việc gửi tiền tại ngân hàng đang là sự lựa chọn ưu tiên của người dân so với các kênh đầu tư khác và cũng cho thấy lòng tin của thị trường vào đồng Việt Nam đang tăng lên đáng kể.

Dự trữ ngoại hối hiện nay khá dồi dào, hơn nữa tình trạng đô la hóa đã giảm đáng kể do tỷ giá được duy trì ổn định trong một thời gian khá dài, việc nắm giữ ngoại tệ không còn là công cụ kiếm lời ưu tiên của dân cư, do đó việc hạ lãi suất VND sẽ không có tác động đến sự chuyển dịch tài sản sang USD.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Trà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN