“Đã đến lúc ngân hàng Trung ương cần độc lập”

Đã đến lúc xem xét cân nhắc đưa ngân hàng Trung ương thành một thể chế độc lập, là quan điểm của đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) tại phiên thảo luận dự thảo sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội, sáng 4/6.

"Tôi nhớ kỳ họp Quốc hội khóa 12, đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày dùng 8 tỷ USD để kích cầu, nhưng các đại biểu Quốc hội chất vấn Chính phủ lấy tiền đâu?"

Nhấn mạnh những vấn đề tương tự còn tranh luận phức tạp, đại biểu Tiên cho rằng, "đưa ngân hàng Trung ương thành một thể chế độc lập sẽ phù hợp với quy định Quốc hội quyết định các chính sách tài chính tiền tệ".

Cùng với đề xuất đưa Tổng cục Thống kê thành một cơ quan độc lập, đại biểu Tiên cho rằng đây chính là công cụ để kiểm soát ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, giúp cho sự phối hợp giữa thực hiện ba quyền này chặt chẽ, rõ ràng hơn.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cũng thể hiện sự nhất trí với đề xuất tách cơ quan thống kê thành cơ quan độc lập của đại biểu Tiên.

“Đã đến lúc ngân hàng Trung ương cần độc lập” - 1

Hội đồng bảo hiến

Với hai phương án có và không tổ chức hội đồng Hiến pháp, cơ chế bảo hiến cũng là nội dung được nhiều đại biểu tham gia bàn thảo.

Trong khi khá nhiều vị đại biểu cho rằng không cần thiết lập cơ quan bảo hiến thì đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) lại khẳng định, việc bổ sung chế định bảo hiến độc lập là sự đổi mới cần thiết, phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam.

Để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của hội đồng, vị đại biểu này cũng đề nghị bổ sung quy định hàng năm hội đồng bảo hiến báo cáo trước Quốc hội về những kết quả hoạt động của hội đồng và trình Quốc hội có phán quyết cuối cùng về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa hội đồng bảo hiến và cơ quan chức năng.

Còn về tổ chức, đại biểu Hùng đề nghị quy định Chủ tịch nước là chủ tịch hội đồng bảo hiến và các thành phần khác không nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội do Chủ tịch nước giới thiệu và Quốc hội phê chuẩn.

Theo phân tích của đại biểu Hùng, với tư cách là chủ tịch hội đồng bảo hiến, Chủ tịch nước sẽ kiến nghị với Quốc hội xem xét lại những điều luật được xem là vi hiến trước khi ký công bố luật do Quốc hội thông qua. Chủ tịch nước có quyền yêu cầu các cơ quan khác sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ các văn bản vi phạm Hiến pháp.

Với quan điểm không nên tổ chức hội đồng hiến pháp, đại biểu Nguyễn Văn Tiên lập luận, “tôi thấy hội đồng hiến pháp không có vị trí và không có chỗ đứng trong thể chế một đảng của chúng ta”.

Thiếu vắng doanh nhân

"Nói một cách hình tượng, chúng ta có thể thấy cả khối đại đoàn kết toàn dân tộc diễu hành trong bản Hiến pháp mới, nhưng lại thiếu vắng đội ngũ doanh nhân", đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) góp ý.

Đồng tình với ý kiến khẳng định "tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc", ông Lộc cho rằng nếu cần phải khẳng định nền tảng là khối liên minh giữa một số giai tầng xã hội thì cần bổ sung thêm đội ngũ doanh nhân.

“Đưa doanh nhân vào liên minh nền tảng cũng là trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, sứ mệnh của doanh nhân trong công cuộc kiến quốc”, ông Lộc nhấn mạnh.

Vị Chủ tịch VCCI cũng cùng quan điểm với một số ý kiến đã phát biểu trước là không cần nói đến vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước tại Hiến pháp.

"Việc không nói đến vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong Hiến pháp là phù hợp vì về mặt lý thuyết khi đã nói đến cạnh tranh, bình đẳng trước pháp luật thì khó có thể nói đến thành phần kinh tế này là chủ đạo, thành phần kinh tế kia không là chủ đạo. Về mặt thực tiễn, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế nhà nước đang có nhiều vấn đề và trong lịch sử kinh tế thế giới cũng chưa thấy một nền kinh tế nào phát triển đạt tới trình độ cao mà dựa trên nền tảng chủ đạo của kinh tế nhà nước", ông Lộc phát biểu. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Lê (Vneconomy)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN