'Đá bóng' chuyền nợ xấu

Trong khi vấn đề nợ xấu đang làm nền kinh tế rối ren hơn, các đơn vị thay vì ngồi với nhau cùng bàn thảo giải quyết thì tìm cách đẩy lỗi cho người khác, không ai nhận lỗi về mình.

“Doanh nghiệp (DN) đẩy cho ngân hàng (NH); NH đẩy cho DN; Trung ương đẩy cho địa phương và ngược lại, mà không tìm cách tiếp cận vấn đề chung của chúng ta cần phải làm”, chuyên gia Kinh tế Vũ Đình Ánh nói.

Tại anh tại ả

Nợ xấu bị coi là “cục máu đông” của nền kinh tế khiến dòng vốn cho dù có cũng không thể lưu thông. Ở Việt Nam, nếu không xử lý được nợ xấu thì không thể phá băng tín dụng, không thể hạ lãi suất để DN tiếp cận vốn vì tín dụng NH ảnh hưởng 82% khu vực DNNN; 30% tới đầu tư công từ ngân sách; ảnh hưởng tới 28% khu vực FDI. “Tín dụng đóng băng là một thảm họa thực sự của nền kinh tế”, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nói.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, nguyên nhân của nợ xấu trước tiên là do lỗi của NH. “Đây là hệ lụy của nền kinh tế và cả nền kinh tế phải xử lý”.

Để xử lý nợ xấu, ông Ánh cho rằng rất cần đến ngân sách. Mà theo thống kê dài hơi mà ông Ánh cung cấp, chưa bao giờ ở Việt Nam ít nhất trong 10 năm gần đây, ngân sách khó khăn đến vậy. Tính đến ngày 25/10, tổng thu ngân sách đạt 523.000 tỷ, trong khi chi ngân sách là 678.000 tỷ. Đến thời điểm này, thâm hụt ngân sách đã lên tới 155.000 tỷ, trong khi thâm hụt ngân sách cả năm 2012 chỉ được dừng ở 140.000 tỷ.

'Đá bóng' chuyền nợ xấu - 1
Nợ xấu chôn ở BĐS chiếm phần nhiều

Một con số đáng ngạc nhiên về nợ công mà vị chuyên gia này đưa ra là: năm nay, nợ công của VN là 55,4% trương đương với 60 tỷ USD, giảm so với 2011 là 1,9%. Nhiều người cho rằng con số này không đúng. “Nợ xấu của VN gọi là nợ “dây chuyền” cũng chưa đắt.

Ngân sách của chính quyền địa phương nợ DN 91.000 tỷ, không phải tiền đầu tư ngân sách không chịu trả mà là địa phương có dự án, nhưng cho làm vượt dự án 180.000 tỷ chi cho 63 tỉnh thành. Địa phương sáng tạo cho DN vay NH để làm trước dự án. Số này không tính vào nợ Chính phủ hay địa phương”, ông Ánh chia sẻ.

Trong khi các đơn vị đổ lỗi cho nhau về con số nợ xấu “khủng” thì các chuyên gia cho rằng: các đơn vị, các cơ quan có liên quan cần ngồi lại họp bàn, giải quyết chứ không thể đổ lỗi cho nhau, và một mình NH cũng không thể tự mình xử lý được.

“Đã đến lúc các bộ ngành cùng ngồi với nhau để xử lý việc chung”, ông Ánh nêu quan điểm.

Còn chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa thì cho rằng: Nợ xấu không phải lỗi do NH, mà do tâm lý thị trường. Tâm lý này đã giết chết nhiều nền kinh tế lớn như Nhật, Mỹ. Tuy nhiên, “muốn xử lý nợ xấu, Chính phủ phải nhảy vào. Nếu CP cứ ngồi tranh luận sợ bị cho là lợi ích nhóm, vác tiền ngân sách trả nợ thay thì DN còn chết nhiều. Mà chết rồi phục hồi không đơn giản”.

Nợ xấu chưa có đỉnh

Giải pháp xử lý nợ xấu được đưa ra nhiều, trong đó có nhắc đến giải pháp sử dụng quỹ dự phòng rủi ro là 70.000 tỷ đồng. Thế nhưng, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu, chúng ta cần nhiều hơn con số số đó gấp 2,5 lần.

'Đá bóng' chuyền nợ xấu - 2
Nợ xấu-lỗi không của riêng ai

Theo phân tích của ông Hiếu, cách đây 5 tháng, nếu lấy dư nợ của hệ thống là 2,6 triệu tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 10% thì nợ xấu là 260.000 tỷ. Mỗi tháng, tỷ lệ nợ xấu lại tăng thêm 8% nên nợ xấu chưa dừng ở mức đỉnh điểm vào tháng 6, tháng 7. 

“Đến giờ, theo kinh nghiệm quốc tế, nợ xấu đã lên tới 15%, tương đương với 375.000 tỷ nên việc các NH trích lập 70.000 tỷ là quá ít. Có lẽ, cần phải 2,5 lần trích lập hiện tại để có thể bù đắp được nợ xấu có khả năng mất vốn”, ông Hiếu nói.

Nguy hiểm hơn, theo ông Hiếu, nếu có 375.000 tỷ đồng nợ xấu, thì có 190.000 tỷ là mất trắng, chỉ có 70 nghìn tỷ trích lập quỹ dự phòng.

Câu hỏi đặt ra là vậy số tiền còn lại để xử lý nợ xấu ở đâu ra? Câu trả lời là phải thu hồi, thanh lý tài sản. Với thông tin 84% nợ có tài sản đảm bảo, và tài sản đảm bảo có giá trị 135% nợ vay, tưởng chừng như có thể yên tâm về nguồn này, không phải thành lập công ty mua bán nợ, nhưng đã có bao nhiêu NH đã tái thẩm định lại tài sản, nhất là BĐS, khi thị trường tụt giá 30-40% giá trị. Đó là câu hỏi không dễ trả lời vào thời điểm này. “Không thể để NHTM tự xử lý, vì nó vượt ngoài tầm tay, nhất là NH cho Cty con vay, vì thế, theo tôi, nên thành lập công ty xử lý nợ quốc gia”, ông Hiếu cho biết.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Mùi, cách giải quyết nợ xấu, tồn kho hiệu quả nhất là phải kiểm soát chặt dòng vốn vào-ra NH, phải nắn dòng vốn, xử lý bất ổn trong hệ thống NH. Bởi,“nếu không xử lý được thì không thể nắn được dòng vốn.Vốn không thể chảy vào nơi có hiệu quả, phục vụ sản xuất kinh doanh, đặc biệt là khu vực DN tư nhân, họ có sự xoay chuyển rất nhanh, hiệu quả cao hơn’, bà Mùi nói. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Trà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN