Cựu Thứ trưởng Bộ KHĐT: "Tôi khẳng định tăng trưởng GDP không phải con số ảo"

Sự kiện: Kinh Doanh

"Con số tăng trưởng GDP đạt 6,81% cả năm 2017, cá nhân tôi khẳng định đó không phải con số ảo", cựu Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Huy Đông cho biết tại hội thảo Cơ hội đầu tư - kinh doanh 2018 được tổ chức sáng nay 5/1.

Cựu Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Huy Đông khẳng định: "Tăng trưởng GDP 6,81% là kết quả phản ánh đúng nỗ lực phấn đấu của các thành viên tham gia phát triển kinh tế đất nước từ người làm chính sách đến cộng đồng doanh nghiệp".

Ông Đông cũng thừa nhận, về con số tăng trưởng vượt bậc 6,81% cả năm 2017, nhiều diễn đàn, báo chí đặt câu hỏi về tính xác thực của số liệu.

"Cá nhân tôi khẳng định đó không phải con số ảo", cựu Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ông cho biết: "Bản thân tôi nhiều lần gặp Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê và chứng kiến các chuyên viên thực hiện, tôi khẳng định các công thức này chuẩn xác, không cần hoài nghi, phần còn lại là số liệu đầu vào có chuẩn hay không".

Cựu Thứ trưởng Bộ KHĐT: "Tôi khẳng định tăng trưởng GDP không phải con số ảo" - 1

Hội thảo Cơ hội Đầu tư - Kinh doanh 2018

Theo ông, có chăng số từ các bộ ngành địa phương đưa lên độ tin cậy thế nào, điều này có thể ảnh hưởng phần nào. Nhưng theo cá nhân ông Đông con số địa phương cũng khá sát. Ví dụ như Hà Nội - khu vực đầu tàu có mức tăng trưởng trên 7% là con số khá chính xác.

Ông cho rằng nền kinh tế có động lực lớn do bộ máy chính trị từ Đảng, Nhà nước cho đến Chính phủ đều đã và đang thực hiện đúng những cam kết của mình, trong đó cam kết quan trọng là xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch chống tham nhũng. 

"Như vậy có thể nói động lực lớn nhất là đến từ niềm tin", ông Đông cho biết.

Tuy nhiên, khi phân tích về các con số liên quan đến tăng trưởng 2017, các chuyên gia đưa ra không ít ý kiến nghi ngại.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, cần phân tích tiếp theo về ngành công nghiệp chế biến chế tạo, sự dẫn dắt của khu vực FDI đối với tăng trưởng kinh tế. 

Hiện nay, công nghiệp chế biến chế tạo, đặc biệt lĩnh vực thép và điện tử đang được cho là đóng góp lớn cho tăng trưởng.

Vị chuyên gia phân tích, theo ông Đông, nếu tin vào số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê, công nghiệp chế biến tăng 14,2%, trong 18 ngành công nghiệp chế biến, chỉ có hai ngành có tốc độ tăng trưởng trên mức bình quân, đằng sau điện tử là Samsung, sau kim loại là Formosa.

Những ngành mang tính truyền thống giá trị gia tăng chiếm tỷ trọng cao nhưng tăng trưởng thấp như chế biến lương thực thực phẩm chiếm 18% công nghiệp chế biến chế tạo, nhưng tăng 5,9%. Hay ngành da giày chiếm tỉ trọng 9% nhưng tăng 5,1%. Vì vậy, theo ông Thành cần có những số liệu, thống kê khớp hơn vì sao công nghiệp tăng mạnh như vậy nhưng chỉ có 2 ngành tăng trên trung bình.

Còn TS Trần Đình Thiên đưa ra lo ngại về việc những số liệu lạc quan năm 2017 có thể khiến Việt Nam bị "ru ngủ" trên chiến thắng. Ông cho rằng tất nhiên với nỗ lực, xuất phát điểm thấp như đầu năm, tăng trưởng đạt kết quả 6,81% như vậy là điều ai cũng sửng sốt, cho là kỳ tích nhưng nhiều chuyện còn hấp dẫn hơn. TS Thiên cho rằng ở khía cạnh kinh tế nên đánh giá bình tĩnh hơn.

"Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận thành tích năm nay. Nhưng vấn đề đáng quan tâm là chất lượng. Đó là chất lượng của các con số và chất lượng của cơ cấu", ông Thiên nói.

Ông cho rằng về chất lượng của tăng trưởng GDP cũng cần bàn lại, chất lượng tăng trưởng xuất khẩu cũng cần bàn lại vì nó có liên quan đến cơ cấu. 

Về thành tích của năm 2017, TS Võ Trí Thành cho rằng cần nhìn nhận 2 ý từ động lực cho tăng trưởng và cả động lực của Chính phủ.

Đối với tăng trưởng, TS Võ Trí Thành phân tích Việt Nam đang là nền kinh tế mở, vì vậy, năm 2017 kinh tế thế giới chuyển sang tích cực hơn, Việt Nam được lợi hơn. 

Thứ hai, kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn phục hồi, tích cực hơn. Thứ ba, đột biến trong sản xuất, xuất khẩu mà người ta hay đề cập đến Samsung và Formosa. Thứ tư, nỗ lực cải cách, đặc biệt cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp cảm nhận, thế giới ghi nhận.

"Nếu nhìn tăng trưởng 2017 thì 2 cái mang tính xu thế, tích cực của thế giới và giai đoạn phục hồi, quan trọng là cải cách môi trường kinh doanh", ông Thành một lần nữa khẳng định.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, đây là giai đoạn phục hồi rõ hơn của kinh tế Việt, chứ chưa phải là giai đoạn tăng trưởng bền vững và có tính lâu dài.

Ông Thành cho rằng giai đoạn này kinh tế Việt Nam phục hồi tốt hơn, nhưng với đà phục hồi ấy, con số tăng trưởng với đất nước như thế này là 6,8% thì không đáng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nam Anh(Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN