"Cứu" Phố Wall: Lại là Trung Quốc
Bất chấp nhiều tin tức không tốt, Phố Wall vẫn đi lên nhờ tín hiệu tích cực từ Trung Quốc.
Trong phiên đêm qua, tin tức vĩ mô tiêu cực dồn dập xuất hiện bên cạnh sự lao dốc của Facebook. Tuy nhiên, Phố Wall vẫn đi lên nhờ tín hiệu tích cực từ Trung Quốc.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/05/2012, chỉ số Dow Jones đảo chiều tăng 125,86 điểm, tương ứng 1,01%, đóng cửa ở mức 12.580,69 điểm.
Trong số 30 cổ phiếu đang niêm yết tại đây, cổ phiếu của ngân hàng Bank of America và hãng nhôm lớn nhất thế giới Alcoa tăng điểm mạnh nhất phiên giao dịch với tỷ lệ tương ứng 4,06% và 3,01%.
Chỉ số S&P 500 tăng 14,60 điểm, tương ứng 1,11%, dừng ở mức 1.332,42 điểm. Trong 10 chỉ số ngành trên S&P 500, cổ phiếu ngành nguyên vật liệu có mức tăng mạnh nhất trong khi đó, cổ phiếu ngành công nghệ lại giảm điểm mạnh nhất.
Chỉ số Nasdaq tăng 33,46 điểm, tương ứng 1,18%, chốt phiên ở mức 2.870,99 điểm.
Chỉ số CBOE Volatility Index, VIX, chỉ số đo mức độ sợ hãi của các nhà đầu tư, đóng cửa sát mức 22 điểm trong phiên này.
Trong tuần trước, chỉ số Dow Jones tăng 0,69%, chỉ số S&P 500 tăng 1,74%, chỉ số Nasdaq tăng 2,11%.
Phố Wall vẫn đi lên nhờ tín hiệu tích cực từ Trung Quốc.
Chứng khoán Mỹ tăng điểm bất chấp nhiều thông tin kém lạc quan của Mỹ. Nguyên nhân là do nhà đầu tư phấn chấn trước kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế ở Trung Quốc và các cuộc thăm dò bầu cử tại Hy Lạp cho thấy các bên đều ủng hộ gói cứu trợ tài chính. Ngoài ra đã xuất hiện dấu hiệu Hy Lạp có thể ở lại khu vực đầu EUR khiến lo ngại của nhà đầu tư tạm lắng xuống.
Hôm qua, thị trường chứng khoán đón nhận nhiều thông tin vĩ mô kém lạc quan. Cụ thể số liệu từ khảo sát về niềm tin người tiêu dùng trong tháng 5 do Conference Board tiến hành cho thấy chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 5 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng gần đây.
Standard & Poor’s/Case Shiller công bố chỉ số giá nhà tại 20 thành phố lớn nhất nước Mỹ đã rơi xuống mức kỷ lục trong quý đầu tiên của năm 2012. Mức giá nhà này còn thấp hơn mức giá trước thời kỳ khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu năm 2008 – 2009.
Hôm qua thị trường cũng bị ảnh hưởng xấu bởi Facebook. Giá cổ phiếu Facebook tiếp tục lao dốc, giảm 3,07 USD/cổ phiếu, tương ứng 9,62% về mức 28,84 USD/cổ phiếu. Mức giá này đang cách xa so với giá IPO ở mức 38 USD/cổ phiếu khi giảm tới gần 24%.
Dường như thị trường đang miễn nhiễm với tin xấu và nhạy cảm với tin tốt. Ryan Detrick, chiến lược gia kỹ thuật cao cấp tại Viện Nghiên cứu đầu tư Schaeffer cho biết: “Hiện tại có quá nhiều tin tiêu cực tới mức bất kỳ tin tức tốt xuất hiện đều giúp thị trường đi lên.
Tuy nhiên, đà tăng của thị trường được nhận xét là không vững chắc khi nhà đầu tư vẫn lo lắng về tình trạng không chắc chắn của hệ thống ngân hàng của Tây Ban Nha, khả năng Madrid sẽ sớm phát hành trái phiếu mới để tài trợ người cho vay mặc dù chi phí đi vay tăng cao tới mức 7%,…
Những yếu tố vĩ mô không tốt có thể nhấn chìm Phố Wall bất cứ lúc nào. Todd Schoenberger, quản lý tài chính tại The BlackBay Group nhận xét: “Chỉ số niềm tin tiêu dùng sụt giảm là do kết quả trực tiếp của giá gas và giá lương thực tăng cao. Điều này đã hủy diệt bảng cân đối kế toán gia đình”. Rõ ràng đây là thông tin rất tiêu cực trong thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Âu vẫn giữ được sắc xanh. Chỉ số Stoxx Europe 600 tiếp tục tăng 0,8% đóng cửa ở mức 244,30 điểm. Chỉ số FTSEurofirst 300, chỉ số của các cổ phiếu bluechip tại khu vực châu Âu, tiếp tục lên nhẹ 0,8% chốt ở mức 991,39 điểm.
Có tới 16 trong tổng số 18 chỉ số chứng khoán chính tại khu vực châu Âu tăng điểm trong phiên. 2 thị trường giảm điểm là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Chỉ số chung IBEX 35 của Tây Ban Nha giảm 2,3% chốt ở mức 6.251,70 điểm.
Chỉ số chứng khoán của Đức, DAX 30 tăng 73,65 điểm, tương ứng 1,16% chốt ở mức 6.396,84 điểm. Chỉ số FTSE của Anh tăng 34,80 điểm, tương ứng 0,65% chốt ở mức 5.391,14 điểm. Chỉ số chung của Pháp - CAC 40 tăng 41,73 điểm, tương ứng 1,37% đóng cửa ở mức 3.084,70 điểm.