Cứu đại gia, dân có mua được nhà rẻ?
Bộ Tài chính vừa chính thức công bố 21 đề xuất hỗ trợ nền kinh tế, trong đó có rất nhiều phần liên quan tới BĐS. Đây là giải pháp chấp nhận giảm thu ngân sách. Khi nhà nước chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, nhất là BĐS hy vọng sẽ hồi sinh nhưng liệu người dân có được mua nhà giá rẻ.
Giảm thuế, ưu đãi lãi suất, mua hộ tồn kho
Cụ thể hóa cho định hướng tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế trong năm 2013, Bộ Tài chính vừa công bố đề xuất với Chính phủ với 21 vấn đề, trong đó nổi bật là gia hạn nộp thuế và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); giảm 50% tiền thuê đất trong 2 năm tới cho một số đối tượng.
Theo đó, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở được gia hạn nộp thếu TNDN đối 6 tháng với thu nhập từ hoạt động đầu tư - kinh doanh nhà ở, không phân biệt quy mô doanh nghiệp và số lao động sử dụng.
Cũng các đối tượng trên cùng với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng: sắt, thép, xi măng, gạch, ngói được gia hạn 6 tháng thuế GTGT (đang thực hiện theo phương pháp khấu trừ) của tháng 1, tháng 2 và tháng 3 năm 2013.
Doanh nghiệp đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội được áp dụng thuế TNDN 10% từ 01/7/2013 (sớm hơn 06 tháng so với dự kiến) và được giảm 50% số thuế GTGT đầu ra từ 01/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014.
Một điểm nổi bật là các doanh nghiệp hoạt động đầu tư - kinh doanh nhà ở bất kỳ có sản phẩm là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 được giảm 30% số thuế GTGT đầu ra từ 01/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014.
Cũng theo đề xuất, Nhà nước cho phép các chủ đầu tư dự án đã được nhà nước giao đất nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ về nộp tiền sử dụng đất do có khó khăn về tài chính được nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán hàng trong thời gian tối đa 24 tháng kể từ ngày có thông báo nộp tiền sử dụng đất của cơ quan thuế.
Bên cạnh đó, một đề xuất rất đáng chú ý khác là cho phép Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp (kinh phí giải phóng mặt bằng, Quỹ đầu tư, Quỹ phát triển đô thị…) mua nhà ở làm quỹ nhà tái định cư, quỹ nhà ở để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua cho các đối tượng chính sách: người thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, sinh viên…
Có thể thấy, trong 21 đề xuất được Bộ Tài chính trình lên Chính phủ thì có tới 9 đề xuất liên quan trực tiếp tới BĐS. Các đề xuất khác cũng liên quan ít nhiều đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Ngoài các giải pháp về giảm và giãn thuế có phần ưu ái hơn các doanh nghiệp lĩnh vực khác, các doanh nghiệp BĐS có lẽ cũng rất vui mừng nếu đề xuất cho phép Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp mua nhà ở làm quỹ nhà tái định cư, quỹ nhà ở để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua cho các đối tượng chính sách được thông qua. Với đề xuất này, nếu thuận lợi, hàng tồn kho của doanh nghiệp sẽ giảm đi nhanh chóng.
Nếu thực hiện các giải pháp này, chắc chắn ngân sách sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều, bên cạnh đó còn sự chia sẻ lợi nhuận của các ngân hàng và nhất là các địa phương sẽ bỏ tiền ra mua nhà tồn kho của các DN
Mấu chốt vẫn là giảm giá
Ngược lại với niềm vui có thể thấy rõ của các doanh nghiệp BĐS và nó được phản ánh vào giá cổ phiếu BĐS trên sàn chứng khoán, không ít người làm công ăn lương tỏ ra lo lắng với nhóm giải pháp cứu doanh nghiệp với trọng tâm là cứu doanh nghiệp BĐS nói trên. Họ lo về khả năng giá BĐS sẽ được giữ ở mức cao, ngân sách Nhà nước bị hao hụt và theo đó nền kinh tế sẽ ngày càng kém cạnh tranh.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, việc hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung trong đó có BĐS là một hướng đi đã được tính toán rất kỹ. Tuy nhiên, với nhóm doanh nghiệp BĐS đã được hưởng lợi rất lớn trong nhiều đợt sốt nhà đất trong những năm qua, nhiều người cho là không hợp lý bởi giá BĐS vẫn ở mức quá cao và nhiều doanh nghiệp không chịu thua lỗ như một tất yếu của quy luật kinh tế thị trường.
Có thể thấy, thu nhập của người dân đang ở mức thấp và có dấu hiệu ngày càng khó khăn hơn do chi phí tăng cao và dường như đang ngày càng đội lên như điện vừa được công bố tăng giá thêm 5% từ 22/12, phí đường bộ được áp dụng từ đầu năm 2013. Thực tế, đối với những người có thu nhập trung bình khá mới chỉ đủ chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu hàng ngày thì việc có tiền để mua nhà, hay vay tiền ngân hàng để mua nhà có lẽ là không đễ.
Giải pháp Nhà nước mua nhà của các chủ đầu tư làm quỹ nhà tái định cư, quỹ nhà ở để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua cho các đối tượng chính sách, nhìn về một khía cạnh nào đó thì cũng hợp lý bởi Nhà nước đang thiếu nhà tái định cư, thị trường cho thuê thì kém phát triển và chưa được quen thuộc tại Việt Nam. Việc nhà quản lý định hướng thị trường cũng là cần thiết. Tuy nhiên, điều mà nhiều người lo ngại là ngân sách đang rất mỏng nếu tung tiền vào lĩnh vực này thì bao nhiêu cũng không đủ. Hơn thế, liệu có phát sinh tiêu cực trong hoạt động mua bán lại này không?
Bên cạnh các giải pháp nói trên, Bộ Tài chính cũng đang kiến nghị Chính phủ chỉ đạo NHNN có các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Trong đó, kiến nghị sớm ban hành quyết định đưa tín dụng cho chứng khoán, bất động sản ra khỏi nhóm tín dụng phi sản xuất và giảm lãi suất và xem xét áp dụng trần lãi suất cho vay.
Có một thực tế không thể phủ nhận là hàng tồn kho lớn không bán được khiến hàng trăm ngàn tỷ đồng đang nằm chết” trong BĐS. Thực trạng này đang ảnh hưởng rất tiêu cực tới nền kinh tế và cần có giải pháp gấp rút giải nút khó khăn này.
Tuy nhiên, bản chất của vấn đề nằm ở chỗ cung không gặp cầu, giá BĐS có lẽ đang cao hơn hẳn so với mặt bằng chung thu nhập của người dân. Người dân tích lũy cả vài chục năm cũng khó lòng mua được nhà ở tại các đô thị lớn. Không thay đổi được mấu chốt của vấn đề này là giá thì các giải pháp khác có lẽ chỉ mang tính tình thế. Nó rất có thể không phát huy được tác dụng như mong muốn, thậm chí còn là phản tác dụng nếu trình độ quản lý và giám sát không tương xứng.