Cường Đô la và sự rút lui đầy bất ngờ khỏi Quốc Cường Gia Lai
Nhờ kinh doanh thuận lợi và các khoản lãi khủng từ thoái vốn từ đầu tư tài chính, Quốc Cường trở thành một trong những tâm điểm gây sự chú ý nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2017.
Nguyễn Quốc Cường, hay còn gọi là Cường Đô la, được biết đến nhiều hơn với hình ảnh một dân chơi siêu xe có tiếng tại Việt Nam. Ông Nguyễn Quốc Cường cũng đã gắn bó với doanh nghiệp gia đình là Quốc Cường Gia Lai trong một thời gian dài.
Ông Nguyễn Quốc Cường đã gắn bó với Quốc Cường Gia Lai trong thời gian dài
Ông Cường tham gia ban lãnh đạo QCG từ năm 2007 với các vị trí Phó TGĐ và thành viên HĐQT khi doanh nghiệp này còn là một doanh nghiệp địa ốc nhỏ, cho tới một tập đoàn có tiếng trên sàn chứng khoán và trải qua rất nhiều thăng trầm trong kinh doanh. Động thái rút lui khỏi các vị trí Phó Tổng Giám đốc, Thành viên HĐQT Công ty CP Quốc Cường Gia Lai mới đây của ông Cường đã gây nhiều bất ngờ.
Thời kì hoàng kim năm 2010
Quốc Cường Gia Lai xuất phát với cái tên Xí nghiệp Tư doanh Quốc Cường, thành lập năm 1994, hoạt động trong lĩnh vực khai thác chế biến gỗ xuất khẩu và xuất nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp.
Ngày 21/03/2007, Quốc Cường Gia Lai chính thức thành công ty cổ phần với vốn điều lệ là 259 tỷ đồng. Trong giai đoạn này, QCG đã có bước phát triển chóng mặt với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận được tính bằng lần. Năm 2009, doanh thu thuần của QCG tăng hàng chục lần so với năm 2008 do ghi nhận doanh thu từ các dự án đất đã thực hiện trong thời gian trước đó.
Tháng 8/2010, Quốc Cường Gia Lai chính thức góp mặt trên sàn chứng khoán Việt Nam với mã cổ phiếu QCG. Năm 2010, doanh thu của QCG đạt 717 tỷ đồng và lãi ròng tới 283 tỷ đồng, một con số rất ấn tượng tại thời điểm đó. Dự án đình đám của QCG khi đó là bất động sản tại Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, TP.HCM và Lý Chí Thắng.
Cổ phiếu QCG đã có lúc lên tới 45.000 đồng/cổ phiếu. Bà Nguyễn Thị Như Loan, mẹ của ông Nguyễn Quốc Cường và là Chủ tịch Hội đồng quản trị QCG khi đó từng đứng trong top 15 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam các năm 2010, 2011.
Lao đao giai đoạn 2012-2015
Tuy nhiên, chỉ sau năm đầu khởi sắc, doanh nghiệp của mẹ con Cường Đô la đã bước vào thời kì khó khăn khi lợi nhuận liên tục sụt giảm. Năm 2011, doanh thu của QCG giảm gần một nửa còn 397 tỷ đồng, đặc biệt lỗ ròng gần 40 tỷ đồng. Cùng với sự sụt giảm về lợi nhuận, cổ phiếu QCG của Công ty Quốc Cường Gia Lai cũng sụt giảm không phanh xuống chỉ hơn 4 nghìn đồng/cổ phiếu.
Các năm tài chính sau đó từ 2012 tới 2015, QCG không lỗ nhưng lãi cũng không mấy cải thiện, chỉ èo uột vài chục tỷ đồng. Nguyên nhân được cho là không chỉ do sự lên xuống của thị trường bất động sản chung, mà còn do QCG đầu tư dàn trải ngoài ngành nhiều và không đạt hiệu quả. Điển hình nhất là việc đầu tư vào 4 dự án thủy điện thời điểm đó như Iagrail I, Iagrail 2, Ayuntrung và Plekeo. QCG đã chịu áp lực nợ vay lớn, lãi vay tăng. Trong khi đó, hiệu quả kinh doanh không cao đã gây áp lực thanh khoản với doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh một số khoản nợ lớn sắp đến hạn phải trả.
Tình hình doanh thu và lợi nhuận của QCG từ khi niêm yết đến nay. Đơn vị: tỷ đồng
Bất ngờ trúng lớn vào năm 2017
Năm 2016, nhờ chuyển nhượng dự án đất nền Hải Châu (dự án Trung tâm thương mại tại Đường 2/9, phường Bình Hiên Bình Thuận, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) và tiền lãi 106 tỷ đồng QCG nhận được từ thanh lý đầu tư, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận doanh thu đột biến lên tới 1.588 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ. Lãi ròng thu về gần 70 tỷ đồng.
Năm 2017, tiếp tục có khoản lãi từ thanh lý toàn bộ khoản đầu tư vào Công ty TNHH Sparkle Values và Công ty CP Bất động sản Hiệp Phú, Quốc Cường Gia Lai trúng lớn với khoản lãi ròng lên tới 406 tỷ đồng, gấp gần 6 lần cùng kì năm trước. Bên cạnh đó, QCG còn nhận từ Sunny Island khoản tiền 2.882,8 tỷ đồng và tất toán khoản nợ đến hạn với BIDV Quang Trung.
Nhờ kinh doanh thuận lợi và các khoản lãi khủng từ thoái vốn từ đầu tư tài chính, Quốc Cường trở thành một trong những tâm điểm gây sự chú ý nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2017.
Giá cổ phiếu QCG kể từ khi niêm yết tới nay
Giá cổ phiếu QCG khi đó đã tăng khủng từ quanh 4000 đồng lên tới hơn 26.000 đồng/cổ phiếu, mức tăng trong mơ với các nhà đầu tư. Tài sản của nhà Cường Đô la vì thế cũng tăng lên nhanh chóng.
Bước ngoặt năm 2018
Tuy nhiên, việc dự án Phước Kiển bị chậm trễ trong việc bàn giao mặt bằng đã khiến trong 3 quý đầu năm 2018, Sunny Island đã tạm dừng rót vốn vào QCG. Chủ tịch HĐQT QCG, bà Nguyễn Thị Loan cũng từng thừa nhận nếu việc giải phóng mặt bằng kéo dài, có thể đối tác sẽ đòi lại tiền ứng trước.
Sau đó, Quốc Cường Gia Lai lại nhận tin sốc khi khi thương vụ nhận chuyển nhượng hơn 30 ha đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP. HCM năm 2017 từ Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận bị kiểm tra dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, vào đầu tháng 8, dự án Tổ hợp Khu dân cư Thương mại – Dịch vụ đường 2 tháng 9, quận Hải Châu, Đà Nẵng cũng đã bị Uỷ ban Thành phố Đà Nẵng tạm ngừng cấp phép xây dựng và chuyển nhượng bất động sản do một loạt các vi phạm về xây dựng của Quốc Cường Gia Lai.
Tình hình kinh doanh của QCG cũng vô cùng bết bát. Trong quý 3, công ty chỉ đạt 83 tỷ đồng doanh thu và lãi ròng 1,3 tỷ đồng, giảm rất mạnh so với cùng kỳ. Sau 9 tháng, doanh thu Quốc Cường Gia Lai đạt 519 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế gần 58 tỷ đồng, giảm lần lượt 24% và 88% so với 9 tháng 2017. Cổ phiếu QCG lao dốc không phanh chỉ còn 6.510 đồng/cổ phiếu vào ngày 20/11.
Trước tình hình này, ông Nguyễn Quốc Cường đã viết đơn xin từ nhiệm toàn bộ vị trí lãnh đạo tại QCG gồm Phó. TGĐ và thành viên HĐQT. Hiện ông Cường chỉ còn nắm 537.500 cổ phiếu QCG, giá trị khoảng 3,4 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Cường không còn nắm giữ vị trí lãnh đạo tại Quốc Cường Gia Lai.