Cuối năm, TTCK chưa thể phục hồi
Phân tích các yếu tố vĩ mô và nguồn vốn, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, dự kiến từ nay đến cuối năm nay, nhiều khả năng TTCK chưa thể phục hồi.
Nhiều ý kiến cho rằng, bức tranh kinh tế 8 tháng có ít gam màu sáng. Ý kiến của ông như thế nào?
8 tháng đầu năm nay, bức tranh kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Chỉ số quan trọng nhất trong rổ tính toán GDP của Việt Nam là chỉ số phát triển công nghiệp, 8 tháng chỉ tăng 4,7%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 7,8%. Tỷ lệ hàng tồn kho 8 tháng vẫn cao, ở mức 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái là 17,8%... Nguyên nhân tăng trưởng kinh tế thấp, chủ yếu vẫn do nền kinh tế đang mắc phải một căn bệnh rất nguy hiểm, là tín dụng đóng băng, nhưng giải pháp khắc phục tình trạng này chưa được triển khai rốt ráo, đủ liều lượng. 8 tháng, tăng trưởng tín dụng quá thấp, chỉ đạt 1,4%. Điều đáng ngại là tình trạng này diễn ra trong bối cảnh nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang ở mức cao, nhưng vẫn chưa được xử lý mạnh mẽ và hiệu quả. Kết cục là ngân hàng không tin DN, các ngân hàng không tin lẫn nhau.
Từ nay đến cuối năm, tình hình kinh tế vĩ mô liệu có khả quan hơn, thưa ông?
Nhiều khả năng GDP sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất trong quý IV/2012 so với 3 quý trong năm. Tuy nhiên, theo tôi, năm nay, GDP có thể chỉ tăng 5 - 5,1%, lạm phát khoảng 7%. Tuy bức tranh kinh tế vĩ mô từ nay đến cuối năm sáng sủa hơn so với 8 tháng đầu năm, nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, việc giải quyết 2 điểm nghẽn trọng yếu là nợ xấu và tỷ lệ hàng tồn kho cao sẽ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi quyết tâm và nỗ lực rất lớn của Chính phủ, người dân và cộng đồng DN.
Nhìn xa hơn một chút, bức tranh kinh tế vĩ mô năm 2013 sẽ có nhiều gam màu sáng hơn so với năm nay. Dự kiến, GDP trong năm tới tăng 6%, lạm phát 8 - 9%...
Chính phủ vừa phát đi chủ trương sẽ giảm số lượng tập đoàn kinh tế nhà nước từ con số 11 hiện tại xuống khoảng 5 - 7 tập đoàn. Nếu sớm hiện thực hóa chủ trương này, theo ông, sẽ là bước đi đột phá trong tái cơ cấu DNNN, qua đó mang lại hiệu ứng tích cực cho tình hình vĩ mô?
Chính phủ đang dồn tâm sức chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó trọng tâm là 3 tái cơ cấu: đầu tư công, DNNN và hệ thống ngân hàng. Việc cắt giảm số lượng tập đoàn kinh tế nhà nước kém hiệu quả xuống còn khoảng 5 - 7 tập đoàn sẽ là bước đột phá không chỉ trong tái cơ cấu DNNN, mà cả trong tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Lý do là bởi, việc Chính phủ mạnh tay tái cơ cấu các tập đoàn sử dụng nhiều nguồn lực quốc gia nhưng không mang lại hiệu quả cao, không chỉ góp phần chuyển nguồn lực mà lâu nay các DN này đang sử dụng kém hiệu quả sang những khu vực có khả năng sử dụng hiệu quả hơn, mà còn góp phần xử lý nợ xấu cả trong trước mắt và dài hạn. Thực tế, DNNN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang chiếm tỷ lệ nợ xấu khá lớn trong tổng nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Bởi vậy, khi giảm số lượng tập đoàn làm ăn kém hiệu quả sẽ góp phần giúp hệ thống ngân hàng giảm dần nợ xấu trong trước mắt, đồng thời giảm thiểu nguy cơ nợ xấu phát sinh trong tương lai.
Chính phủ đang quyết tâm xử lý loại tội phạm thâu tóm ngân hàng trái pháp luật, nhằm cùng với quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sớm mang lại “dòng máu sạch” cho nền kinh tế. Theo ông, động thái này sẽ tác động ra sao đến diễn biến vĩ mô?
Đây là một tín hiệu tích cực không chỉ cho diễn biến kinh tế vĩ mô hiện tại, mà cả trong thời gian tới. Việc Chính phủ quyết tâm xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi thâu tóm ngân hàng trái pháp luật, ngoài việc góp phần giảm thiểu rủi ro trong hệ thống ngân hàng, còn tạo ra những tiền đề thuận lợi cho xử lý nợ xấu nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Với bối cảnh vĩ mô như vừa phân tích, ông dự báo ra sao về diễn biến TTCK từ nay đến cuối năm?
Để đưa ra những dự báo tương đối tin cậy, không thể bỏ qua 3 yếu tố quan trọng đang tác động chủ yếu đến diễn biến của TTCK là: tình hình kiều hối, đầu tư gián tiếp nước ngoài vào TTCK (FII) và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Thứ nhất, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng hiều hối trong 3 quý liên tiếp đầu năm nay đều giảm. Trong đó, dự kiến lượng kiều hối chảy về Việt Nam trong quý III/2012 ước đạt 1,83 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 2,04 tỷ USD. Trong khi kiều hối đang có ảnh hưởng khá lớn đến dòng tiền trên TTCK, thì việc lượng kiều hối giảm sẽ tác động không tích cực đến sức cầu trên thị trường.
Thứ hai là dòng vốn FII. Nếu như quý I/2012, dòng vốn FII đầu tư vào thị trường đạt 774 triệu USD, thì đã giảm mạnh còn 299 triệu USD trong quý II; dự kiến quý III/2012 giảm còn 90 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 346 triệu USD.
Thứ ba, dự kiến vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong quý III/2012 ước đạt 2,1 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 2,19 tỷ USD.
Phân tích như vậy để thấy rằng, dự kiến từ nay đến cuối năm nay, nhiều khả năng TTCK chưa thể phục hồi. Cùng với bức tranh kinh tế vĩ mô dần được cải thiện, từ quý I/2013, TTCK sẽ bắt đầu phục hồi. Nhìn tổng thể, TTCK năm tới sẽ có mức tăng mạnh hơn năm 2012.