Cuối năm, HN tiếp tục “bêu tên” 92 DN nợ thuế “khủng
Công khai đơn vị nợ đọng thuế, lập đoàn công tác xử lý vướng mắc hàng ngày... là những hành động quyết liệt của ngành Thuế để hoàn thành chỉ tiêu trong tháng cuối cùng của năm.
Trụ sở Công ty CP Đầu tư xây dựng Long Việt - một trong những doanh nghiệp nợ thuế bị bêu tên
Bị bêu tên, nhiều doanh nghiệp vẫn chây ỳ
Công ty CP Đầu tư xây dựng Long Việt (chuyển đổi từ Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Long Việt), trụ sở tại tòa nhà văn phòng Khu biệt thự Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội có vốn điều lệ trên 65 tỷ đồng, đăng ký hoạt động 30 ngành nghề khác nhau, từ nghệ thuật, giáo dục, chăn nuôi, ăn uống, khoáng sản tới xây dựng... Trong danh sách nợ thuế được Cục Thuế Hà Nội công bố đợt 6 mới nhất, công ty còn nợ tổng cộng 27,9 tỷ đồng và là đơn vị có số nợ thuế lớn nhất trong số 92 đơn vị bị “bêu” tên lần này.
Theo Tổng cục Thuế, 10 tháng năm 2015, ngành Thuế thu được 635.084 tỷ đồng, bằng 86,8% dự toán. Tuy nhiên, trong cuộc họp Chính phủ tháng 11, Thủ tướng Chính phủ đã lưu ý một trong những nhiệm vụ trọng tâm cuối năm là thu ngân sách trong tháng 12 này phải làm tốt công tác thu khoản nợ đọng hơn 70 nghìn tỷ đồng tiền thuế để bảo đảm cân đối ngân sách. |
Cùng trong bản danh sách với Long Việt, còn có nhiều cái tên khác như Công ty CP thép Việt Thanh (KCN Quang Minh, huyện Mê Linh) nợ 14,7 tỷ đồng; Công ty TNHH Hallim Precision vina (Số 13, tổ 61, tập thể Sở địa chính, P Yên Hòa, Q Cầu Giấy) nợ 7,9 tỷ đồng; Công ty TNHH SAM KU E & C VINA (tầng 5, tòa nhà hỗn hợp HH3, KĐT mới Mỹ Đình, đường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) nợ 6,2 tỷ đồng; Công ty TNHH NKB Archi Việt Nam (Tầng 14, số 444 phố Hoàng Hoa Thám, P Thụy Khuê, Q Tây Hồ) nợ 4,2 tỷ đồng...
Tổng số nợ thuế của 92 đơn vị tính đến 31/10 là 261,188 tỷ đồng. Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế Hà Nội) cho biết, đến ngày 27/11, sau 5 lần công khai 470 đơn vị nợ thuế, đã có 242/470 đơn vị nộp vào ngân sách số tiền 1.475,449 tỷ đồng. “Cục Thuế TP Hà Nội khuyến cáo những đơn vị còn nợ thuế cần thu xếp nguồn tài chính và khẩn trương nộp nợ vào ngân sách Nhà nước trước khi cơ quan thuế áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn”, bà Yến khuyến cáo.
Khó thu khối doanh nghiệp Nhà nước
Dù áp dụng các biện pháp “cứng rắn” nhưng UBND TP Hà Nội trong cuộc họp mới đây về công tác thu thuế cho biết, ba khu vực dự kiến khó hoàn thành dự toán được giao là khu vực doanh nghiệp Nhà nước T.Ư; doanh nghiệp Nhà nước địa phương và có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, UBND TP yêu cầu các công ty cổ phần có vốn góp Nhà nước do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ kê khai kịp thời, nộp số phát sinh từ cổ tức được chia và lợi nhuận còn lại theo đúng quy định.
Theo báo cáo của Cục Thuế Hà Nội, 11 tháng, Cục ước thu được 122.340 tỷ đồng, đạt 94,8% dự toán, tăng 14,6% so cùng kỳ.
Đối với thu thuế qua hải quan, đến ngày 15/11, Cục Hải quan TP Hà Nội đã thu 14.996 tỷ đồng, đạt 95% so với dự toán đầu năm, đạt 85,7% so với Chỉ thị 8369/CT-TCHQ. Nhưng để cuối năm đạt được 17.500 tỷ đồng như dự toán (cao hơn mức giao đầu năm là 15.800 tỷ đồng), Cục Hải quan Hà Nội đã phải lập Đoàn kiểm tra, đôn đốc và xử lý vướng mắc hàng ngày để thu hồi nợ đọng. Tính chung toàn ngành Hải quan, dự toán thu ngân sách được giao năm 2015 là 260 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với thực hiện năm 2014. Tính đến ngày 16/11, số thu NSNN toàn ngành đạt gần 218.373 tỷ đồng, đạt 83,99% dự toán.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc trong cuộc họp bàn về thu ngân sách cuối năm mới đây đã nhấn mạnh, thu ngân sách qua Hải quan năm nay khó do giá dầu thô liên tục giảm, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm 2014 nhưng kim ngạch có thuế lại giảm… Chỉ đạo các chi cục phải hoàn thành bằng được chỉ tiêu thu ngân sách trong năm nay, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc yêu cầu người đứng đầu các đơn vị phải làm hết trách nhiệm.