Cuộc “xâm lăng” của giới siêu giàu Ả Rập vào nước Anh

Cứ vào dịp tháng 7, tháng 8 hàng năm, các vị khách siêu giàu tới từ Trung Đông lại đổ về các khu mua sắm và các con phố tại London, Anh để tiêu tiền và tận hưởng cuộc sống tại đây.

Cuộc đổ bộ của các vị khách siêu giàu tới từ Trung Đông năm nay diễn ra sau khi tháng ăn chay Ramadan kết thúc. Họ là những vị khách tới từ các quốc gia như Ả-rập Xê-út, Cô-oét, Jordan hay Qatar. Cuộc ăn chơi của họ kéo dài suốt tháng 8, không chỉ ở Lodon mà còn trên khắp nước Anh. Việc Pháp cấm những người phụ nữ sử dụng trang phục đạo Hồi đã khiến số người đổ vể Anh sau tháng Ramadan cao hơn. Vào tháng 8 năm ngoái, dịch vụ thanh toán toàn cầu Worldpay đã xử lý hơn 73,2 triệu bảng Anh từ những khách hàng tới từ Trung Đông, ước tính tăng 25%.

Cuộc “xâm lăng” của giới siêu giàu Ả Rập vào nước Anh - 1

Tại quán cà phê Pháp Ladurée duy nhất tại Harrods ở thủ đô London, Anh, nơi các bàn ngoài trời đầy những vị khách nói tiếng Ả Rập cùng những phụ nữ quyến rũ trong trang phục Hồi giáo truyền thống và những chiếc khăn màu sắc rực rỡ, họ trò chuyện, cười đùa một cách sôi nổi. Họ cũng là chủ sở hữu của những chiếc siêu xe như Rolls-Royce, Phantom, Lamborghini, Ferraris, Bentleys ...

Chi tiêu cởi mở, đó là điều dễ dàng thấy được từ những vị khách Trung Đông giàu có. Tại cửa hàng đồng hồ và đồ trang sức ở Selfridges trên phố Oxford, một người đàn ông Trung Đông đang thử chiếc đồng hồ Hublot với giá thành 18.000 bảng Anh (tức hơn 600 triệu VND), phiên bản được sản xuất với số lượng hạn chế, trong khi những chiếc đồng hồ khác hiệu Piaget có nạm kinh cương xung quanh là 23.000 bảng Anh.

Còn đối với những người phụ nữ Trung Đông giàu có, các mặt hàng được quan tâm nhiều nhất đó là những chiếc túi xách và những đôi giày thiết kế thuộc nhãn hiệu của Dolce & Gabbana, Yves St Laurent, Gucci ... Những người phụ nữ sẽ đi thành nhóm 2 hoặc 3 người, có thể với trẻ em theo sau, họ dễ dàng bị hấp dẫn bởi những phụ kiện sang trọng có giá từ 1.000 bảng Anh tới 87.000 bảng Anh.

Một nhân viên tại trung tâm mua sắm Harrods chia sẻ: “Tôi đã từng thấy một cô gái 14 tuổi, mua một chiếc túi cá sấu cho mẹ cô ấy, cô ấy đã trả 12.000 bảng Anh (hơn 400 triệu) bằng tiền mặt.”

Để phục vụ những vị thượng đế này, các nhân viên tại trung tâm mua sắm ở Anh thường được đào tạo một cách chuyên nghiệp, họ có thể sử dụng tiếng Ả-rập để phục vụ khách hang một cách chu đáo. Rất nhiều cửa hàng sang trọng như Harrods, Selfridges và Harvey Nichols kéo dài giờ mở cửa vào tháng 7 và tháng 8 do các vị khách vùng Vịnh thường thích mua sắm muộn do họ thức dậy muộn. Đây cũng là đặc điểm khiến giới siêu giàu của Trung Đông thích tới mua sắm tại nước Anh.

Cô LamObi tới từ Ả-rập Xê-út mỉm cười sung sướng khi mua được chiếc thắt lưng và những chiếc túi xách ưng ý: “Tôi yêu London, thời tiết, nhà hàng và tất cả mọi thứ.”

Cuộc “xâm lăng” của giới siêu giàu Ả Rập vào nước Anh - 2

Và tất nhiên dịch vụ khách sạn gần các khu mua sắm tại thủ đô London cho các vị khách Trung Đông là điều không thể thiếu, có thể thấy những khách sạn như Royal Garden tại phố Kensington hay The Langham tại phố Regent, các vị khách Trung Đông vào thời gian này chiếm tới 80%. Họ được các nhân viên hướng dẫn và chăm sóc một cách tận tình, đảm bảo rằng các vị khách có thể tận hưởng cuộc sống tại Lodon.

Sự hào phóng của các vị khách lắm tiền người Trung Đông được thể hiện qua nhiều phương diện. Ông Steven Skippen, một người đánh giày tại Hilton Park Lane trong 14 năm qua, đã đánh bóng những đôi giày cho nhà vua Jordan hay Quốc vương Brunei, khẳng định những vị khách Trung Đông là “vô cùng hào phóng”. Một vị khách Ả rập thậm chí còn tặng ông một đôi giày Berluti trị giá 1.500 bảng, một nhãn hiệu ông vô cùng yêu thích. Và không chỉ có vậy, hàng ngày những vị khách của ông còn là những em nhỏ Trung Đông với các đôi giày hiệu Gucci và Louis Vuitton.

Cuộc “xâm lăng” của giới siêu giàu Ả Rập vào nước Anh - 3

Những vị khách Ả rập không chỉ mang lại doanh thu lớn cho các nhà bán lẻ, mà các trung tâm chăm sóc sắc đẹp cao cấp cũng giành được sự quan tâm của các đối tượng giàu có này.

Tiến sĩ Aamer Khan, trung tâm chăm sóc da tại phố Harley: “Trong tháng Ramadan, những người phụ nữ không được tiêm bất cứ thứ gì vào cơ thể. Sau những ngày tháng đó, họ muốn được chăm sóc cơ thể như tiêm Botox hoặc những can thiệp thẩm mĩ mà họ không cần phẫu thuật.”

Và khi hoàng hôn xuống, những vị khách giàu có Trung Đông lại tiếp tục những giờ phút tận hưởng cuộc sống xa hoa của mình sau tháng Ramadan, đó là những cuộc diễu hành của siêu xe bên ngoài Harrods hay Harvey Nichols, hay những người phụ nữ trở về khách sạn sau một ngày tất bật mua sắm. Họ cần một giấc ngủ ngon để tiếp tục việc mua sắm vào ngày mại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Nhung ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN