Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Các nước Đông Nam Á hưởng lợi?
"Không ai chiến thắng từ chiến tranh thương mại" là điệp khúc được không ít nhà kinh tế học nói đến.
Dù vậy, các doanh nghiệp tại Đông Nam Á đang tìm cách chứng minh điều ngược lại trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Ồ ạt nhận đơn hàng
Khu vực này đang nỗ lực tận dụng cơ hội từ sự gia tăng đơn hàng và dịch chuyển hoạt động sản xuất khi ngày càng nhiều doanh nghiệp xem xét hoạt động kinh doanh của mình tại Mỹ và Trung Quốc để tránh bị vạ lây.
Theo cuộc khảo sát được công bố hôm 13-9, khoảng 1/3 trong số 430 công ty Mỹ làm ăn tại Trung Quốc cho biết đã hoặc đang cân nhắc chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài. Đáng chú ý, theo Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, Đông Nam Á là điểm đến được xem xét nhiều nhất. Nỗi lo bị mắc kẹt trong cuộc chiến giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng xuất hiện ngày càng nhiều trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu làm ăn tại Trung Quốc. Theo Phòng Thương mại Liên minh châu Âu ở Trung Quốc, một số công ty đang xem xét chuyển hoạt động sang Đông Nam Á.
Các nước Đông Nam Á sẽ tăng xuất khẩu khi cuộc chiến thương mại leo thang Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trang Bloomberg nhận định sức hút của Đông Nam Á đến từ chi phí sản xuất thấp, tốc độ tăng trưởng ổn định, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, chưa kể vị trí địa lý gần Trung Quốc. Tại cuộc họp báo hôm 18-9, ông Nicholas Kwan, Giám đốc nghiên cứu của Hội đồng Phát triển thương mại Hồng Kông, khuyến nghị doanh nghiệp địa phương nên tìm nơi trú ẩn an toàn ở Đông Nam Á.
Với những biện pháp thuế quan trả đũa qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay, Đông Nam Á khó tránh những tác động tiêu cực. Dù vậy, khu vực này cũng hưởng lợi khi các công ty bên ngoài chuyển sang đặt hàng doanh nghiệp tại đó để tránh bị đánh thuế. Đại diện một số doanh nghiệp Việt Nam cho Bloomberg biết họ xem cuộc chiến trên là cơ hội để tăng xuất khẩu sang Mỹ do nhiều nhà nhập khẩu chuyển từ mua hàng Trung Quốc sang hàng Việt Nam.
Doanh nghiệp tại một số quốc gia Đông Nam Á khác cũng đang hưởng lợi từ cuộc chiến này. "Đơn hàng mới đến từ các công ty đã chuyển dây chuyền sản xuất đến Thái Lan, giúp làm tăng chuỗi cung ứng ở đây" - ông Koratak Weeradaecha, Giám đốc tài chính Công ty Điện tử tiêu dùng Star Microelectronics Thailand, giải thích. Theo ông, số đơn hàng công ty nhận được gần đây đã tăng ít nhất 15% so với cùng kỳ năm ngoái và xu hướng này dự kiến trở nên rõ ràng hơn cuối năm nay. Câu chuyện tương tự đang diễn ra ở Malaysia. "Chúng tôi nhận được quá nhiều đơn hàng mới và vấn đề lớn nhất của chúng tôi là làm sao tăng công suất" - Bộ trưởng Tài chính Lim Guan Eng cho biết.
Ông Trump "chơi tới cùng"?
Những doanh nghiệp nói trên càng có lý do để lạc quan bởi chưa có dấu hiệu nào cho thấy cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sớm khép lại. Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều khả năng "chơi tới cùng" sau khi Bắc Kinh áp thuế lên số hàng hóa Mỹ trị giá 60 tỉ USD để trả đũa động thái đánh thuế lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc của Washington. Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo bất kỳ biện pháp đáp trả nào của Trung Quốc có thể dẫn đến biện pháp đánh thuế lên 267 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại của Trung Quốc.
Theo một số chuyên gia, Trung Quốc có thể trả đũa bằng cách gây khó dễ những công ty Mỹ đang làm ăn tại thị trường này. Đi xa hơn, Bắc Kinh có thể khuyến khích người dân tẩy chay hàng hóa Mỹ, không đến nước này du lịch hoặc học hành. Những biện pháp tiềm tàng khác là làm gián đoạn chuỗi cung ứng, bán tháo trái phiếu Mỹ hoặc làm yếu đồng nội tệ để giúp xuất khẩu.
Số liệu mới nhất cho thấy giá trị lượng trái phiếu, tín phiếu và hối phiếu Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ đã giảm từ 1.180 tỉ USD trong tháng 6 còn 1.170 tỉ USD trong tháng 7 - mức thấp nhất kể từ tháng 1. Tuy nhiên, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 19-9 khẳng định sẽ không làm suy yếu đồng nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu bởi "việc phá giá một chiều đồng nhân dân tệ sẽ có hại nhiều hơn lợi."