Cty "xử" nợ xấu chính thức hoạt động từ 26/7
Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày mai (26/7). Một buổi lễ long trọng ra mắt VAMC cũng sẽ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức.
Sau một thời gian khiến dư luận chờ đợi, cuối cùng VAMC cũng sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 26/7 với mục tiêu đẩy lùi "cục máu đông" nợ xấu đang ngày càng phình to trong hệ thống tài chính ngân hàng.
Mặc dù về mặt nhân sự VAMC đã ổn định khi mới đây NHNN đã công bố bổ nhiệm một loạt chức vụ điều hành quan trọng trong bộ máy của công ty này: ông Đặng Thanh Bình, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Thành viên VAMC. Ông Nguyễn Hữu Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra các tổ chức tín dụng nước ngoài thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước, giữ chức thành viên Hội đồng Thành viên kiêm Tổng giám đốc.
Các phó tổng giám đốc VAMC cũng được tiếp nhận và bổ nhiệm từ lãnh đạo thuộc NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), NHTMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
Tuy nhiên, kỳ vọng xử lý được 40.000 -70.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2013 như mục tiêu đề ra theo TS. Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) sẽ cực kỳ khó khăn, bởi thời gian còn lại không nhiều.
Theo tính toán của NHNN, dự kiến VAMC sẽ xử lý được khoảng 80.000 – 100.000 tỷ đồng nợ xấu với tỷ lệ thu hồi dự kiến là 20% – 40%
Thêm vào đó, các văn bản hướng dẫn hoạt động của VAMC, gồm Thông tư về việc mua, bán, xử lý nợ xấu của VAMC và Thông tư hướng dẫn chế độ tài chính đối với VAMC vẫn chỉ mới là bản ...dự thảo, chưa được công bố chính thức.
Việc chậm trễ trong các văn bản hướng dẫn quan trọng sẽ khiến các ngân hàng lúng túng trong hoạt động mua – bán nợ cho VAMC, dẫn tới việc kéo dài thêm thời gian xử lý nợ xấu.
Không lo biến tướng trong quá trình xử lý nợ xấu, nhưng TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, VAMC sẽ chỉ giải quyết được 1/3 số nợ xấu đang tăng lên nhanh chóng trong hệ thống nhà băng.
Theo tính toán của NHNN, dự kiến VAMC sẽ xử lý được khoảng 80.000 – 100.000 tỷ đồng nợ xấu với tỷ lệ thu hồi dự kiến là 20% – 40%. Như vậy, với quy định tỷ lệ VAMC được hưởng là 2% tương ứng với mức thu của công ty là 320 – 800 tỷ đồng.
Với thời gian xử lý dự kiến là 5 năm thì mức thu hàng năm của VAMC là khoảng 60 – 160 tỷ đồng, dự kiến số tiền này sẽ đủ bù đắp các chi phí liên quan hàng năm của DN.