CPTPP không chỉ là thương mại

Sự kiện: Kinh Doanh

Theo các chuyên gia, việc đạt được thỏa thuận CPTPP của 11 nước thành viên có ý nghĩa lớn về cải cách thể chế hơn là hướng đến các thị trường xuất khẩu

Chiều 11-11, ngay sau phiên họp báo về Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP, tên mới của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP) ở Trung tâm Báo chí Quốc tế TP Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã trao đổi với Báo Người Lao Động về vài điểm liên quan CPTTP.

CPTPP không chỉ là thương mại - 1

Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp nhận định CPTPP với Việt Nam có ý nghĩa lớn về mặt thể chế hơn là về thương mại, đầu tư. Trong ảnh: Xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Cát Lái (quận 2, TP HCM)Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay các bên đã tiến rất gần tới việc ký kết hiệp định này. Với hiệp định mới, 20 điều của thỏa thuận TPP ban đầu sẽ được treo lại, trong đó có 10 điều liên quan tới sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, 4 điểm được để riêng cho các bên đàm phán thống nhất. Các điều này sẽ được nêu trong phụ lục kèm theo tuyên bố chung. Tuy nhiên, hiện chưa thể thông báo chính thức về các điều khoản treo này.

"Các điều khoản treo lại sẽ được công bố sau khi có bản dịch chính thức và các nước cũng đều thống nhất như vậy. Các nước đang làm những bước thủ tục để rà soát lại và công bố" - ông Trần Tuấn Anh cho biết.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, mặc dù trong bối cảnh mới - có một quốc gia rút khỏi hiệp định nhưng các nước còn lại đều khẳng định quyết tâm và mong muốn tiếp tục con đường này. Chính vì vậy, tính chất và chất lượng của CPTPP thể hiện qua 2 từ bổ sung là Toàn diện và Tiến bộ. Đây là điều mà tất cả bộ trưởng TPP-11 đều hướng đến, thống nhất, nhấn mạnh và coi đó là mục tiêu chung cho tính bao trùm của hiệp định.

Về nội dung cơ bản của CPTPP, ông Trần Tuấn Anh cho biết hiệp định vẫn giữ nguyên những đòi hỏi với các tiêu chuẩn ở mức cao như TPP gồm 12 nước trước đây. CPTTP chỉ khác ở một số điều khoản được điều chỉnh tạm hoãn thực thi.

"Với TPP hay CPTPP, bao giờ cơ hội và thách thức cũng song hành, gần như không có gì khác biệt. Bởi lẽ, giống như TPP, CPTPP cũng là một hiệp định thế hệ mới với tiêu chuẩn cao, đòi hỏi phải thực hiện cải cách, đổi mới trong quan điểm cũng như pháp lý, thể chế, hành chính" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Theo người đứng đầu ngành công thương, chính những đòi hỏi này sẽ tạo động lực cho phát triển chung vì một nền kinh tế, một xã hội ngày càng mở cửa. Đồng thời, khi đạt được tiêu chuẩn cao về mặt thể chế, chất lượng quản lý nhà nước cũng như khuôn khổ pháp luật, tạo được sự cạnh tranh trong một nhà nước pháp quyền với môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng… sẽ mang lại động lực tích cực để phát triển.

Về mặt thách thức, ông Trần Tuấn Anh cho rằng có những điều chúng ta phải "chấp nhận", nhất là những cải cách "động chạm đến lợi ích và quan điểm cũ". Ví dụ, mở cửa thị trường là vấn đề tương đối nhạy cảm, trong khi năng lực cạnh tranh của một số ngành còn rất yếu, có thể phải "trả giá" khi đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt từ bên ngoài.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, quá trình đàm phán CPTTP đều bảo đảm mục tiêu hiệu quả cho các quốc gia tham gia. Vì vậy, Việt Nam cũng như các quốc gia khác đều nghiên cứu, đánh giá rất cụ thể về việc cải cách mở cửa, hội nhập trong các khía cạnh kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội để đưa ra được quan điểm cân bằng về lợi ích của mình khi tham gia hiệp định. 

Ý KIẾN

TS LÊ ĐĂNG DOANH, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM):

CPTPP không chỉ là thương mại - 2

Không nên tập trung vào miếng bánh to nhất

CPTPP là thành tựu đáng trân trọng, chúng ta cần ghi nhận nỗ lực của 11 nước thành viên đã vượt qua nhiều khó khăn để đạt được thỏa thuận chung. Không có Mỹ tham gia hiệp đình này là thiệt thòi cho Việt Nam bởi hiện nay, Mỹ chiếm đến 22,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của chúng ta. Mặc dù vậy, CPTPP vẫn rất quan trọng bởi thành viên lớn nhất trong CPTPP hiện nay là Nhật đang có mối quan hệ tốt, bổ sung với Việt Nam. Các quốc gia khác như Canada, Chile… cũng có nền kinh tế phát triển hơn Việt Nam. Khung pháp luật và các vấn đề CPTPP đề cập là một hình mẫu mới, các thỏa thuận trong CPTPP có giá trị vượt ra khỏi khuôn khổ 11 nước thành viên mà là mô hình hiệp định quốc tế cho các hiệp định khác tham khảo, học hỏi. Cuối cùng, không ai nói ra nhưng đều đang hy vọng một ngày nào đó Mỹ sẽ suy nghĩ lại, quay lại hiệp định này.

CPTPP còn treo 20 điểm để tiếp tục thỏa thuận thêm. Phải kết thúc thỏa thuận 20 điểm này mới có thể biết chính xác nó tác động thế nào đối với Việt Nam. Tuy nhiên, xét về mặt thị trường, một số doanh nghiệp (DN) không đánh giá cao cơ hội từ CPTPP vì lâu nay, họ chủ yếu nhắm đến thị trường Mỹ vì đây là miếng bánh to nhất, hấp dẫn nhất. Nhưng theo tôi, 10 thị trường còn lại cũng rất tiềm năng nếu DN chịu khó khai thác. Có thể cộng đồng DN chưa đánh giá hết những đóng góp của hiệp định về mặt thể chế. Nếu hiệp định đi vào thực thi, DN sẽ nhận thấy rõ ràng hơn.

Ông PHẠM NGỌC HƯNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM:

CPTPP không chỉ là thương mại - 3

Hy vọng vào sự thay đổi thể chế chính sách

Tâm lý chung của các DN - nhất là DN ngành dệt may, da giày, thủy sản... - là đặt kỳ vọng vào TPP sẽ được hưởng ưu đãi, tạo thuận lợi hơn trong làm ăn với thị trường Mỹ. Các thị trường còn lại, trừ Nhật, không phải là thị trường chính và thế mạnh của DN Việt. CPTPP đạt thỏa thuận cốt lõi nhưng vẫn chờ quốc hội các nước thông qua. Với CPTPP không có Mỹ, các quốc gia chắc chắn sẽ thỏa thuận lại một số nội dung mà trước đây, trước sức ép từ Mỹ, các nước - trong đó có Việt Nam - miễn cưỡng nhượng bộ.

CPTPP là hiệp định kiểu mới, cùng với việc mở cửa thị trường là hàng loạt vấn đề khác về thể chế, chính sách, hải quan… Vì vậy, DN không chỉ kỳ vọng vào thị trường chung trong khối mà còn hy vọng sự thay đổi thể chế, chính sách sẽ tạo môi trường, điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn, cạnh tranh bình đẳng, minh bạch hơn.

PGS-TS NGUYỄN VĂN NGÃI, Khoa Kinh tế - Trường Đại học Nông Lâm TP HCM:

CPTPP không chỉ là thương mại - 4

Ủng hộ mở cửa để nông nghiệp tiến bộ

TPP-11 hay CPTPP đem lại khả năng tự do hóa thương mại, hàng hóa được lưu thông tự do trong khối 11 nước. Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu nhưng thị trường trong nước cũng sẽ cạnh tranh quyết liệt, trong đó có nông sản. Nhiều trường hợp sẽ thất bại ngay trên sân nhà như bò sữa - không có khả năng cạnh tranh với sữa Úc, New Zealand. Nói chung, ngành trồng trọt có nhiều lợi thế, khả năng xuất khẩu nhiều hơn nhưng ngành chăn nuôi rất yếu thế. Tôi cho rằng nông nghiệp Việt Nam sẽ đảo lộn hoàn toàn khi CPTPP có hiệu lực nên cần phải cấu trúc lại toàn bộ và ngày đó sẽ đến rất nhanh.

Điều này sẽ tác động đến nông dân và buộc họ phải thay đổi từ tư duy đến trình độ kỹ thuật, kỹ năng kinh doanh để làm ăn với quốc tế. Nông dân có thể gặp khó khăn nhưng tôi cho rằng nếu đóng cửa bảo hộ cho họ thì Việt Nam sẽ càng tụt hậu. Quan điểm của tôi là ủng hộ mở cửa, cần mở cửa mạnh để Việt Nam hưởng những thành tựu của quốc tế.

TS CẤN VĂN LỰC, chuyên gia kinh tế tài chính:

CPTPP không chỉ là thương mại - 5

Việt Nam vẫn sẽ hưởng lợi nhiều

CPTPP mặc dù không được như kỳ vọng ban đầu nhưng cũng là bước tiến quan trọng trong bối cảnh còn một số điểm chưa thống nhất giữa các bên.

Tùy thuộc vào tiến độ đàm phán cũng như mức độ thống nhất giữa các bên về những điều khoản cuối cùng liên quan đến cam kết miễn giảm thuế... nhưng có thể khẳng định CPTPP tác động tích cực đối với hoạt động thương mại, đầu tư của Việt Nam. Hiện chúng ta chưa có tính toán, thống kê nào lượng hóa mức độ tích cực này nhưng theo các chuyên gia Nhật Bản, Việt Nam là một trong một số nước được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định mới này.

Ông TRẦN VĂN LĨNH, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng):

CPTPP không chỉ là thương mại - 6

Mong muốn cải cách thể chế thực sự

Điều quan trọng nhất khi vào CPTPP là Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn để trở thành một nền kinh tế thị trường hoàn toàn. Khi đó, DN Việt Nam sẽ thoát được những cản trở thương mại mà các nước áp đặt do không công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường (như bị áp thuế chống bán phá giá).

Việt Nam gia nhập CPTPP, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải chịu thêm sức ép từ bên ngoài để nhanh chóng trở thành chính phủ kiến tạo, chính phủ phục vụ như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh, tạo động lực cho đất nước phát triển.

DN thủy sản không trông chờ các hiệp định thương mại tự do để giảm thuế suất vì thực tế, các dòng thuế đã rất thấp, thậm chí 0%. Mong muốn lớn nhất của DN là sự thay đổi thể chế thực sự để đáp ứng yêu cầu hội nhập của bộ máy quản lý nhà nước.

TH.NHÂN - NG.ÁNH ghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Nhung (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN