Công ty vàng đã nợ thuế còn yêu sách!
Chủ tịch Tập đoàn Besra cho biết họ chỉ trả những khoản nợ thuế, nợ doanh nghiệp và nợ người dân khi hai mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn được hoạt động trở lại.
Sáng 7-8, Tập đoàn Besra (chủ quản hai công ty khai thác vàng Phước Sơn và Bồng Miêu) đã tổ chức buổi họp báo để thông tin về những khoản nợ của hai công ty vàng này. Tuy nhiên, mở đầu buổi họp báo, ông David Seton, Chủ tịch Tập đoàn Besra lại chỉ trích thời gian qua một số phương tiện thông tin đại chúng đã thông tin sai khi dẫn lời Cục Thuế tỉnh Quảng Nam mà không xác minh lại thông tin từ tập đoàn.
Ông này đưa ra nhiều lý do khiến công ty gặp khó khăn, nợ thuế nhưng cho rằng lý do duy nhất buộc công ty phải đóng cửa là bị cưỡng chế thuế.
Quang cảnh buổi họp báo
Ông nói do giá vàng thấp nên không chỉ công ty của ông mà hai năm qua nhiều công ty khác tại nước ngoài cũng gặp khó khăn, phá sản. Dù vậy, thời gian qua hai huyện Phước Sơn và Phú Ninh đã được hưởng lợi rất nhiều từ việc Besra đầu tư vào hai mỏ vàng ở hai huyện này.
Ông này khẳng định nếu nhường các mỏ vàng lại cho đơn vị khác “chắc chắn họ sẽ không hoạt động hiệu quả như chúng tôi…”. Ông đề nghị địa phương cho phép công ty Phước Sơn và Bồng Miêu được trở lại hoạt động với một chính sách tài chính, chính sách thuế và những thủ tục hành chính tốt hơn, công ty sẽ có kế hoạch trả nợ chi tiết.
Có mặt tại buổi họp báo, ông Lương Đình Đường, Cục phó Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, khẳng định việc nợ thuế của hai công ty vàng Bồng Miêu và Phước Sơn đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật thuế Việt Nam. Cục thuế tỉnh đã áp dùng nhiều biện pháp ưu ái để tạo điều kiện cho hai công ty này hoạt động nhưng số tiền nợ thuế ngày càng phình ra.
Việc cục thuế áp dụng các biện pháp cưỡng chế là chính xác, không thể nói rằng do đơn vị cưỡng chế thuế mà phải đóng cửa. Số tiền thuế đã cơ cấu vào trong giá bán. Công ty hầu hết tự khai, tự nộp cho ngân sách nhà nước theo cơ chế. “Tất cả các thông tin, tài liệu mà chúng tôi có, có thể nói rằng công ty cố tình không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho ngân sách nhà nước” - ông Đường thẳng thắn.
Ông Đường cũng khẳng định những đòi hỏi của tập đoàn về việc cho phép hai mỏ vàng được hoạt động trở lại để có tiền trả nợ là không thể chấp nhận được.
Trong lúc cuộc họp báo đang diễn ra thì một người đàn ông bất ngờ xuất hiện và giới thiệu tên là Lê Đình Thục, đại diện của Công ty TNHH MTV Xăng dầu Trường Xuân (đóng tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam).
Ông Lê Đình Thục, đại diện của công ty TNHH MTV Xăng dầu Trường Xuân bất ngờ xuất hiện tại cuộc họp báo để đòi nợ.
Ông Thục cho biết công ty ông là đơn vị cung cấp xăng dầu cho công ty Bồng Miêu và Phước Sơn. Hiện tại, công ty Phước Sơn nợ tiền dầu đến 5,5 tỉ đồng, công ty vàng Bồng Miêu nợ hơn 1,1 tỉ đồng nhưng không chịu trả. Đại diện pháp lý của các công ty này từng điện thoại cho ông nói ông nên thương lượng trả nợ dần chứ không nên đưa ra tòa “vì có ra tòa cũng không làm gì được”.
Ông Thục cho rằng hai công ty hoạt động tại Việt Nam, nợ tiền doanh nghiệp không chịu trả mà còn nói những lời nói như trên là thách thức pháp luật.
Đáp lại điều này, Ông David nói ông có bằng chứng chứng minh công ty ông Thục là một đối tác chuyên trộm cắp xăng dầu của hai công ty vàng. Ngoài ra, đối tác này cũng thường xuyên chở số lượng dầu thiếu so với số lượng cung cấp thực tế và cho rằng chính những điều đó càng đẩy các công ty vàng của tập đoàn Besra gặp nhiều khó khăn.
Nói xong, ông David Seton mời ông Thục ra khỏi phòng họp báo mặc dù ông này muốn đáp trả những lời chỉ trích trên.