Công ty mua bán nợ xấu khó gánh được nợ?

Được hưởng ưu đãi chưa từng có (cơ chế tài chính đặc thù về tiền lương, thưởng, không phải lập dự phòng cho các khoản nợ xấu đã mua), nhưng các chuyên gia lo ngại về hiệu quả hoạt động của Cty Mua bán nợ xấu (VAMC).

Chỉ mua nợ tốt?

Nhiều chuyên gia cho rằng, dù được bàn kỹ với đủ mọi kỳ vọng, nhưng những “điểm mờ” về nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ là các rào cản chính với VAMC sau khi đi vào hoạt động từ ngày 9/7.

Một chuyên gia ngành ngân hàng khẳng định, VAMC hoạt động hiệu quả hay không phụ thuộc nhiều vào việc minh bạch số liệu về nợ xấu. Nhiều ý kiến trong ngành cũng cho rằng, số liệu nợ xấu ngành ngân hàng chỉ vài phần trăm là không chính xác. Nợ xấu thực tế phải cao hơn nhiều lần so với công bố.

“Với tốc độ tự xử lý nợ xấu của các ngân hàng, như báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xuống còn 4,65%, vài tháng tới nợ xấu sẽ xuống dưới 3%. Khi đó sẽ không phải lo gì cả. Nhưng sợ rằng việc xử lý nợ xấu chủ yếu trên giấy tờ không giúp được nhiều cho các ngân hàng trong bối cảnh hiện nay”, một chuyên gia kinh tế nói.

Ông Vũ Hữu Bình-Phó phòng Quản lý nợ Vietinbank cho rằng, có nhiều biện pháp hành chính can thiệp quá sâu vào hoạt động VAMC. Như việc buộc các ngân hàng phải bán nợ, trong khi cơ quan thanh tra, giám sát sẽ thẩm định quá trình mua theo giá thị trường.

Đại diện Agribank cũng cho rằng, quy định VAMC chỉ mua những khoản nợ từ 1 tỷ đồng trở lên với cá nhân, từ 3 tỷ đồng trở lên với tổ chức là bất hợp lý. Agribank hiện nay chủ yếu cho vay hộ cá nhân, hộ sản xuất. Nếu áp nguyên quy định này, ngân hàng không thể giải quyết nợ xấu từ khoản vay sản xuất kinh doanh.

Trao đổi với PV Tiền Phong, luật sư Trương Thanh Đức-Ban pháp chế của Hiệp hội Ngân hàng VN cho rằng, theo dự thảo Thông tư của NHNN, một trong những điều kiện để VAMC mua nợ là khoản nợ phải được bảo đảm bằng tài sản. Trong đó, không dưới 65% tổng giá trị tài sản bảo đảm bằng bất động sản (cả bất động sản hình thành trong tương lai). Chỉ riêng quy định này đã có thể tạo kênh cho VAMC được phép “lọc” nợ xấu, chỉ mua những khoản nợ tốt, có tài sản đảm bảo. Trong khi, các ngân hàng cần nhất là giải quyết được những khoản nợ xấu thực sự.

Với các quy định hiện hành, nợ xấu khó có thể được xử lý rốt ráo vì ngân hàng không muốn bán rẻ khoản nợ, còn VAMC cũng không mua nếu thấy rủi ro. “NHNN có quy định VAMC mua nợ xấu theo giá thị trường. Nhưng cơ sở để mua nợ xấu theo giá thị trường lại chưa có. Nên đây là chuyện đánh đố. Thực tế có những khoản nợ mà ngân hàng ra giá là 70%, nhưng Cty mua bán nợ và tài sản của Bộ Tài chính chỉ trả 40%. Như vậy khoản nợ không thể bán được. Mọi thứ lại bế tắc”, ông Đức nói.

Nguyên Thống đốc NHNN, TS Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng, vẫn còn thiếu nhiều điều kiện khác để VAMC đi vào hoạt động. Với cơ chế hiện nay, sau khi mua, các khoản nợ xấu của VAMC sẽ được gạt ra ngoài sổ sách, giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn mới. Tuy nhiên, thực chất nợ xấu vẫn còn đó. Nếu kinh doanh không được, sau 5 năm cục nợ xấu lại trả lại ngân hàng.

Công ty mua bán nợ xấu khó gánh được nợ? - 1

Cty mua bán nợ xấu liệu có hoạt động hiệu quả?. Ảnh: Hồng vĩnh.

Mọi thứ rất mù mờ

Theo TS Lê Xuân Nghĩa-Viện trưởng Phát triển Kinh doanh (BDI) rất khó có thể đánh giá hiệu quả hoạt động của VAMC vì đến nay mọi thứ đều rất mù mờ. Ngay như 2 quy chế quan trọng (quy chế về hoạt động của công ty mua bán nợ và quy chế phát hành trái phiếu đặc biệt) vẫn đang được soạn thảo. Quy chế hoạt động, cơ cấu tổ chức, ban lãnh đạo của VAMC cũng chưa có nên việc phải giải quyết từ 50.000 - 70.000 tỷ nợ xấu từ nay đến cuối năm là nhiệm vụ rất nặng nề.

“Về lâu về dài VAMC có thể chuyển dần thành ngân hàng đầu tư, tương tự như các công ty mua bán nợ ở nhiều nước trên thế giới. Trong chức năng, nhiệm vụ của VAMC cũng gần như của một ngân hàng đầu tư. Nếu điều đó xảy ra, Việt Nam sẽ chỉ có 1 ngân hàng đầu tư tập trung. Các ngân hàng thương mại sẽ bị rút chức năng đầu tư, chỉ còn lại chức năng huy động vốn và cho vay”, ông Nghĩa phân tích.

TS Trịnh Quang Anh cho rằng, VAMC được thành lập với mục đích xử lý nợ xấu nên tuổi thọ cũng sẽ chỉ có giới hạn (nên có những đặc thù, thẩm quyền đặc biệt). “NHNN cũng cho biết, năm 2013 VAMC chỉ giải quyết được từ 70.000 đến 100.000 tỷ đồng. Bản chất xử lý nợ xấu hiện nay mới chỉ là về kỹ thuật, xử lý sổ sách. Còn giải quyết thực chất bao nhiêu, chắc chắn sẽ không được như kỳ vọng. Mình vẫn muốn làm theo kiểu giải pháp tình thế chứ không phải giải quyết tận gốc vấn đề”, TS Quang Anh nói.

Theo các chuyên gia, thực tế hoàn toàn có thể làm cho nợ xấu giảm nhanh mà không cần tới VAMC. Do không có quy định cụ thể về số lượng nợ xấu nên chỉ cần các ngân hàng “bắt tay” mua chéo lại nợ xấu của nhau, lúc đó sổ sách lại đẹp như thường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tuyên (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN