Công ty chứng khoán không được "ôm" BĐS

Công ty chứng khoán không được mua, góp vốn mua BĐS, trừ trường hợp để sử dụng làm trụ sở chính, chi nhánh, phòng giao dịch phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của công ty.

Đây là một trong những nội dung của Thông tư số 210 vừa được Bộ Tài chính ban hành ngày 17/12 về hướng dẫn thành lập và hoạt động của Công ty chứng khoán

Theo đó, để được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động, công ty chứng khoán phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: có trụ sở làm việc; cơ sở vật chất phục vụ hoạt động kinh doanh chứng khoán; có vốn điều lệ là vốn thực góp, tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định của pháp luật; có tối thiểu 3 người hành nghề chứng khoán cho mỗi nghiệp vụ kinh doanh đề nghị cấp phép hoạt động.

Công ty chứng khoán có thể thành lập theo hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn, trong đó phải có ít nhất một tổ chức là Ngân hàng Thương mại (NHTM), DN bảo hiểm hoặc tổ chức nước ngoài. Tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp tối thiểu là 65% vốn điều lệ (trong đó, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức nước ngoài sở hữu tối thiểu 30%).

Tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán không được vượt quá 3 lần. Giá trị tổng nợ theo quy định này không bao gồm các khoản sau đây: Tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng; Quỹ khen thưởng phúc lợi; Dự phòng trợ cấp mất việc làm; Dự phòng bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư. Nợ ngắn hạn của công ty chứng khoán tối đa bằng tài sản ngắn hạn.

Cá nhân tham gia góp vốn thành lập công ty chứng khoán phải chứng minh khả năng góp vốn bằng tiền đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi có trong tài khoản ngân hàng.

Ngoài ra, công ty chứng khoán không được mua, góp vốn mua bất động sản trừ trường hợp để sử dụng làm trụ sở chính, chi nhánh, phòng giao dịch phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của công ty chứng khoán.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/1/2013.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Trà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN