Coi chừng bong bóng bất động sản quay lại
Ngày 13/10, UBND TPHCM đã làm việc với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan về Đề án phát triển thị trường bất động sản TPHCM giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo chuyên gia, đề án chỉ mới nhằm mục tiêu phục vụ cho quản lý nhà nước, trong khi cái cần hơn chính là tìm ra giải pháp giúp lành mạnh hóa thị trường bất động sản.
TS Trần Du Lịch.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, đề án có 3 nội dung chính là đánh giá hiện trạng bất động sản TPHCM từ năm 2006 đến nay; phân tích tiềm năng, dự báo phát triển thị trường bất động sản của thành phố; định hướng phát triển bền vững và đề ra các nhóm giải pháp giúp phát triển thị trường bất động sản.
Phát biểu tại cuộc họp, TS Trần Du Lịch - nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM - đánh giá, mặc dù đề án được làm rất công phu, dày đến 454 trang nhưng mô tả quá nhiều, mà không có phân tích gì về thị trường.
“Nếu mục tiêu chung nhất của đề án là chỉ để phục vụ quản lý nhà nước, thì tôi nghĩ không cần phải công phu như thế. Theo tôi, mục tiêu lớn nhất của đề án này là phải làm sao lành mạnh hóa phát triển thị trường bất động sản. Phân tích được nó không lành mạnh chỗ nào, và phải phát triển như thế nào. Trong việc lành mạnh hóa phát triển thị trường này, cần làm rõ chức năng, vai trò của Nhà nước, từ Trung ương đến địa phương, phải làm gì, ở đâu, góp phần như thế nào để lành mạnh hóa thị trường”, ông Lịch nói.
Theo ông Lịch, thị trường bất động sản của TPHCM hoàn toàn không giống các thị trường khác, đặc biệt là nó tập trung hơn, bởi vì nó bị ức chế bởi nhiều yếu tố, trong đó có hệ thống luật pháp, gồm luật đất đai, luật quy hoạch đô thị, luật xây dựng, luật nhà ở, luật kinh doanh bất động sản… trực tiếp chi phối. Những luật này hiện nay đang có “xung đột”. “Chúng ta phải phân tích cho được những quy định của pháp luật hiện nay còn chồng chéo, cản trở, khó khăn chỗ nào để kiến nghị cụ thể với Trung ương”, ông Lịch nói.
Chỉ có “vé business”, không có “vé phổ thông”
Cũng theo ông Lịch, hiện tồn tại khá nhiều bất cập trong thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Đó là chưa có một mối quan hệ liên kết giữa 3 thị trường chuyển nhượng mua bán, cho thuê và thế chấp.
“Không có chính quyền, nhà nước nào lại đi giao đất cho doanh nghiệp mà không có đường đi. Rồi yêu cầu làm đường để tăng giá trị lên để bán. Đáng lẽ nhà nước phải làm cơ sở hạ tầng trước để nâng giá trị rồi mới giao đất. Chúng ta đang làm ngược lại. Chưa kể, thị trường nhà ở của chúng ta như chuyến máy bay toàn hạng business, không có hạng economic dành cho người ít tiền... Tôi đang dự báo coi chừng quay lại bong bóng bất động sản. Những cái này chấn chỉnh được không, tôi không thấy đề án kiến nghị những vấn đề này”, ông đặt vấn đề.
Ông Lê Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - kết luận, Sở Xây dựng cần nghiên cứu các ý kiến đóng góp để khi đề án được ban hành phải có sức sống, có tính khả thi cao, tác động ngay vào thị trường bất động sản. “Tôi đã thấy nhiều đề án ban hành rồi cho vào ngăn kéo”, ông Khoa nói.