Có USD chợ đen ắt có "chợ" vàng

Hiện tại, Việt Nam có 8 thương hiệu vàng miếng nhưng số lượng đơn vị kinh doanh mặt hàng này lên tới hàng nghìn. "Chợ" vàng có thể họp bất cứ đâu mà không nhất thiết phải có cửa hàng, miễn có người mua, kẻ bán là thành chợ.

Ngày 25/5 - đúng vào ngày Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng có hiệu lực thi hành. Thông tư hướng dẫn mới được ban hành, thị trường tĩnh lặng.

Việt Nam có 8 thương hiệu vàng miếng nhưng số lượng đơn vị kinh doanh mặt hàng này lên tới hàng nghìn.

Ngày đầu tiên Nghị định về quản lý, kinh doanh vàng có hiệu lực, giá vàng SJC trên thị trường TP.HCM ở mức mua vào 41,250 triệu đồng/lượng, bán ra 41,450 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước nhích nhẹ là do giá vàng trên thị trường quốc tế tăng thêm 5 USD/oz, lên 1.562 USD/oz. Như vậy, giá vàng trong nước vẫn bị giới kinh doanh đẩy lên cao hơn giá vàng thế giới đến gần 2 triệu đồng/lượng.

Giá: chẳng biết đâu mà lần

Tháng trước, khi giá vàng thế giới đang ở mức trên 1.640 USD/oz, các chuyên gia thế giới dự báo giá vàng sẽ giảm về mức 1.580 USD/oz. Không ngờ giá vàng đã xuống thấp hơn mức này, chỉ 1.540 USD/oz. Lóp ngóp mãi giá vàng vẫn quanh ngưỡng 1.560 USD/oz. Tương lai của vàng khá ảm đạm khi đồng tiền chung châu Âu (EURO) vẫn ở vào thế trước ngưỡng tan rã. Giá vàng thế giới giảm đã khiến giá vàng trong nước rơi khỏi mốc 41 triệu đồng/lượng. Giá vàng thấp, cộng thêm chính sách về quản lý kinh doanh vàng, dù đã có Nghị định, nhưng chưa rõ ràng, cụ thể khiến thị trường càng trầm lắng. Nhưng vẻ trầm lắng đó, dường như chỉ là vẻ tĩnh lặng đáng ngờ trước khi sóng gió nổi lên.

Chờ đợi mãi, cuối cùng NHNN cũng "lên tiếng". Chiều muộn ngày 25/5, NHNN mới chính thức ban hành Thông tư 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn thi hành Nghị định 24. Theo thông tư này, thời hạn chuyển tiếp đối với hoạt động kinh doanh, mua bán vàng miếng là 6 tháng kể từ ngày 10/7/2012 (như vậy, thực tế là thời hạn chuyển tiếp được kéo dài từ ngày 25/5 đến ngày 10/7/2012). NHNN khẳng định, từ nay đến khi Thông tư 16 có hiệu lực, hoạt động kinh doanh, mua bán vàng miếng vẫn được tiếp tục như từ trước đến nay. Sau ngày 10/7, các tổ chức, cá nhân chỉ được phép mua, bán vàng miếng với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được NHNN cấp phép kinh doanh vàng miếng. Hoạt động sản xuất vàng miếng của các đơn vị được NHNN cấp phép sản xuất vàng miếng trước đây sẽ chấm dứt (theo quy định tại Điều 21 của Nghị định 24).

Sau ngày 10/7, các loại vàng miếng, bao gồm vàng miếng SJC và kể cả các loại vàng miếng nhãn hiệu khác của các đơn vị đã được NHNN cấp phép sản xuất vàng miếng trước đây vẫn được mua bán, giao dịch nhưng chỉ tại các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được NHNN cấp phép. Như vậy, sau này các loại vàng khác ngoài SJC vẫn được giao dịch chứ không phải bị xóa sổ hoàn toàn.

Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, thời hạn chuyển tiếp là 12 tháng kể từ ngày 25/5/2012. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh đồ trang sức, mỹ nghệ có thêm đúng một năm nữa để "lo" đăng ký kinh doanh lại và hoàn tất thủ tục xin NHNN cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh đồ trang sức, mỹ nghệ (nếu muốn tiếp tục kinh doanh trong lĩnh vực này).

Ngoài phần hướng dẫn về các điều kiện kinh doanh vàng miếng, vàng mỹ nghệ, trang sức, Thông tư 16 cũng có quy định rõ ràng hơn về điều kiện nhập khẩu vàng nguyên liệu; tạm nhập vàng nguyên liệu, tái xuất sản phẩm mỹ nghệ ra nước ngoài. NHNN cũng có những quy định về việc doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực khai thác vàng.

Có USD chợ đen ắt có "chợ" vàng - 1

Việt Nam có 8 thương hiệu vàng miếng nhưng số lượng đơn vị kinh doanh mặt hàng này lên tới hàng nghìn

Ai "đạo diễn" thị trường vàng?

Theo Nghị định 24, doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng phải đáp ứng các điều kiện: có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng miếng từ 2 năm trở lên; có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp; có mạng lưới, chi nhánh bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành thuộc Trung ương. Điều kiện đối với tổ chức tín dụng kinh doanh trong lĩnh vực này cao hơn: vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng; số mạng lưới kinh doanh là từ 5 tỉnh, thành trở lên...

Hiện tại, Việt Nam có 8 thương hiệu vàng miếng nhưng số lượng đơn vị kinh doanh mặt hàng này lên tới hàng nghìn. Căn cứ theo những quy định này, 2 doanh nghiệp vàng lớn ở Hà Nội là DOJI và Bảo Tín Minh Châu đã đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng. Bên cạnh đó là 7 ngân hàng được NHNN thời gian qua cho phép bán vàng miếng ra can thiệp thị trường sẽ nằm trong danh sách các tổ chức tín dụng được kinh doanh vàng miếng sau ngày 10/7/2012. Còn chục ngàn tiệm vàng nhỏ lẻ sẽ như thế nào sau ngày này? Thực ra người Việt Nam đã quá quen với cụm từ thị trường tự do. Đã có thị trường USD tự do, cớ gì không có thị trường vàng tự do? Đúng như vậy. Khả năng các tiệm vàng nhỏ lẻ sẽ vẫn tham gia thị trường ngầm là rất có thể. Họ sẽ vẫn đến các điểm kinh doanh chính thức mua vàng (việc này không bị cấm khi họ đóng vai một người dân mua vàng) sau đó bán lại cho những người cần mua khác.

"Chợ" vàng có thể họp bất cứ đâu mà không nhất thiết phải có cửa hàng, miễn có người mua, kẻ bán là thành chợ. Lúc đó sẽ ra sao? Tất nhiên là giá sẽ có nhiều mức, và mức chênh lệch sẽ khá lớn khi số điểm được phép kinh doanh vàng chính thức rất hạn chế. Thay vì phải thêm khoản chi phí đi lại, thời gian, người mua vàng sẽ sẵn sàng trả thêm để được "phục vụ" tận nơi. Như vậy việc "quy hoạch" kinh doanh vàng của NHNN e rằng sẽ thất bại. Giá vàng khó kiểm soát đồng nghĩa với việc vàng lậu sẽ gia tăng. Lúc đó, nhu cầu USD (để nhập vàng lậu) càng khó dự báo. Với quan hệ dây chuyền như vậy, thị trường đang ẩn chứa những cơn sóng ngầm.

Lãi suất lại giảm

Theo quy định mới nhất của NHNN: từ ngày 28/5/2012, các mức lãi suất điều hành như sau: lãi suất tái cấp vốn còn 12%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng 13%/năm, lãi suất tái chiết khấu 10%/năm.

Đối với lãi suất huy động, cũng giảm tiếp 1 điểm phần trăm mỗi loại. Cụ thể: lãi suất huy động bằng VND, loại không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng còn 3%/năm, có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên còn 11%/năm. Riêng quỹ tín dụng nhân dân cơ sở lãi suất huy động tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên là 11,5%/năm.

Như vậy, theo Thông tư số 17/2012/TT-NHNN quy định về lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với các lĩnh vực: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ sẽ phải giảm tương ứng 1 điểm phần trăm, tức từ 15%/năm xuống còn 14%/năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Thanh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN