Cổ tức ngân hàng: "Mời bác xơi… cổ phiếu !?"
Ngoại trừ Vietcombank và một vài ngân hàng mạnh tay trả cổ tức bằng tiền mặt cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm còn lại năm nay, nhiều nhà băng đã xin khất không chia cổ tức, hoặc tiếp tục mời cổ đông “xơi” cổ phiếu, đặc biệt là các nhà băng sau sáp nhập.
Lãi nhưng ngân hàng quyết định không chia cổ tức tiền mặt. Ảnh: Như Ý.
Lãi ngàn tỷ vẫn xơi cổ phiếu…
Chiều 26/4 tại Hà Nội, ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2016. Tại đại hội này, VietinBank vui mừng thông báo kết quả lợi nhuận 2015 ở mức hoành tráng hơn 7.000 tỷ đồng. Tuy nhiên do đã thông qua phương án sáp nhập PGBank, nâng vốn chủ sở hữu của ngân hàng lên hơn 64.000 tỷ đồng nên Ban lãnh đạo VietinBank bày tỏ mong cổ đông hết sức thông cảm khi không chia cổ tức nhằm đảm bảo việc tăng vốn và sáp nhập.
Tương tự, tại Đại hội đồng cổ đông PGBank diễn ra sau một ngày, dù lãi không nhiều nhưng theo ông Bùi Ngọc Bảo, chủ tịch HĐQT, thì cũng như VietinBank, PGBank sẽ không chia cổ tức trước khi sáp nhập theo hợp đồng sáp nhập giữa 2 ngân hàng trừ khi chia cổ tức trước khi sáp nhập theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Không tính trường hợp VietinBank bất khả kháng, thì vẫn không hiếm nhà băng làm cổ đông buồn khi liên tục nói không với cổ tức tiền mặt. Tại ĐHCĐ thường niên 2016 SHB vừa qua, cổ đông SHB bày tỏ sự không hài lòng khi 2 năm tù tì phải “xơi” cổ tức bằng cổ phiếu. Khi cổ đông đề nghị đưa vào nghị quyết Đại hội nội dung trả cổ tức bằng tiền mặt, lập tức lãnh đạo nhà băng “né” hạ cho rằng việc trả cổ tức năm 2016 bằng tiền mặt hay cổ phiếu nên để ĐHCĐ năm sau quyết định, sau khi kết thúc năm tài chính.
Mới đây, BIDV cũng thông báo chia cổ tức không bằng tiền mặt. “Lợi nhuận thuần cao, so với nhiều ngân hàng mà họ còn chia 10% cổ tức. Vậy tại sao BIDV lại giảm xuống 8,5% mà lại trả bằng cổ phiếu, sao không trả bằng tiền mặt 9% rồi phát hành cổ phiếu sau?”. Trước câu hỏi này, Ban lãnh đạo BIDV phải trấn an: Nếu thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt, việc thực hiện tăng vốn hơn 9.400 tỷ trong năm nay sẽ rất khó...Chúng tôi thấy 8,5% là phù hợp, không thấp hơn lãi suất tiết kiệm ngân hàng 12 tháng, vẫn đảm bảo lợi ích của cổ đông đồng thời mong cổ đông thông cảm chia sẻ.
Câu chuyện không cổ tức tiền mặt cũng diễn ra tại Techcombank. Lý do được lãnh đạo đưa ra nhấn mạnh: ngân hàng giữ lại lợi nhuận để tăng năng lực cạnh tranh. Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank đơn cử, hiện nay Techcombank bắt đầu áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về Basel II, “Mọi trường hợp nào thì chia hay không chia đều nằm trong giá trị cổ phiếu của cổ đông”, ông Hùng Anh nói.
Trả lại giá trị thật
NH cổ phần Sài Gòn (SCB) vốn là ngân hàng đầu tiên tái cơ cấu trên cơ sở hợp nhất 3 ngân hàng. Năm 2015 dù lãi trước thuế 111 tỷ đồng nhưng do phải trích lập các khoản dự phòng rủi ro tín dụng nên ngân hàng này cũng “tuyên ngôn” không trả cổ tức. Khi cổ đông thắc mắc về việc “nhịn” cổ tức đã lâu quá rồi, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB trần tình: Chúng ta đang trải qua quá trình “tích tụ tư bản” dưới hình thức trích lập dự phòng có tài sản đảm bảo đi kèm. Quá trình này rất đau đớn và mệt mỏi nhưng tôi hy vọng cổ đông chia sẻ quan điểm đó và chia sẻ việc lợi nhuận chỉ 111 tỷ đồng hay không chia cổ tức.
Còn tại TPBank năm 2015, lợi nhuận ngân hàng này đạt 626 tỷ đồng, vượt kế hoạch. Tuy nhiên, ĐHCĐ 2016 đã thống nhất dành toàn bộ lợi nhuận của năm 2015 vào việc tái đầu tư cho hoạt động kinh doanh. Trước thắc mắc về chính sách chi trả cổ tức năm nay, trả lời trên một tờ báo, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, sẽ xem xét việc trả cổ tức sau khi bù hết thặng dư âm vốn chủ sở hữu, trên cơ sở tối ưu hóa lợi ích của cổ đông, hài hòa với mục tiêu phát triển dài hạn của ngân hàng…
Tuy nhiên, nỗi niềm buồn bã của cổ đông thì vẫn còn hiện hữu. Một cổ đông PGBank cho biết: “Có tiền, tôi vẫn dồn gửi cả tại ngân hàng vì vẫn nghĩ mình là cổ đông của nhà băng này nên tìm cách đóng góp thêm. Nhưng đến giờ này tôi thực sự không vui khi 3 năm nay ngân hàng đều có lãi ít nhiều vậy mà bản thân không được nhận cổ tức.”
Theo các chuyên gia, trong quá khứ không ít các NHTM đã tìm cách “xào nấu” sổ sách để đưa ra con số lợi nhuận cao từ đó có cơ sở chia cổ tức tiền mặt rất cao cho cổ đông nhưng thực chất tiền được ngân hàng làm phép (trường hợp Eximbank là một ví dụ). Hậu quả của việc “lãi ảo, chia cổ tức thật” này đã “ăn mòn” cả vào vốn chủ sở hữu. Và đây là lúc nhiều ngân hàng làm ăn thua lỗ phải tự “bù da đắp thịt”.
Dĩ nhiên, không phải tất cả ngân hàng không chia cổ tức tình hình đều xấu. Năm 2015, nhiều ngân hàng đã được NHNN phê duyệt chia cổ tức bằng cổ phiếu...Cơ quan này cũng cho biết đang khuyến khích các ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu để nâng cao năng lực vốn.
Còn các chuyên gia thì chỉ ra thời gian qua, tổng tài sản của các ngân hàng tăng quá nhanh trong khi vốn chủ sở hữu lại quá thấp, khiến hệ số an toàn vốn (CAR) giảm mạnh. Vì vậy, cùng với việc tìm kiếm đối tác để phát hành riêng lẻ, phát hành cổ phiếu thưởng…, thì trả cổ tức bằng cổ phiếu là một trong những giải pháp hữu hiệu để các ngân hàng tăng vốn trong thời gian tới.
Năm nay, ĐHCĐ Vietcombank đã quyết định chia cổ tức ở mức cao đặc biệt bằng tiền mặt. Theo đó, mỗi cổ đông của Vietcombank được nhận cổ tức 10% bằng tiền mặt và sẽ nhận 35% cổ phiếu thưởng nhằm tăng vốn điều lệ lên 39.575 tỷ đồng. Còn ngân hàng Quân đội MB dự kiến đảm bảo tỷ lệ cổ tức 10% cho cổ đông cho năm tài chính 2015 với ngân hàng trả 5% bằng tiền mặt (khoản này đã ứng trước trong năm 2015) và trả thêm 5% bằng cổ phiếu. Thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm 815,59 tỷ đồng. |