"Cò" thổi giá đất, TP.HCM giao công an điều tra xử lý
Giá đất nền nhiều khu vực tại TP.HCM vẫn tăng miệt mài, một trong những nguyên nhân là do “cò đất” thổi giá khiến lãnh đạo TP một lần nữa phải có văn bản yêu cầu chấn chỉnh vấn nạn “cò” đất.
Giá đất tăng miệt mài vì bị “cò” thổi giá
UBND TP.HCM vừa ban hành Văn bản 4307/UBND-ĐT chỉ đạo các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát tình trạng tăng giá nhà ở riêng lẻ và đất nền trên địa bàn TP HCM. Công văn này nhằm chấn chỉnh tình trạng nhà đầu cơ thao túng, đưa thông tin sai lệch dự án bất động sản (BĐS) rồi đẩy giá. Đây không phải là lần đầu tiên TP HCM đưa thông điệp chấn chỉnh vấn nạn “cò” đất.
Theo khảo sát của Báo Giao thông, tại các quận như Thủ Đức, Cần Giờ, Củ Chi… giá đất vẫn tăng miệt mài và chưa có dấu hiệu dừng lại. Cụ thể, tại huyện Cần Giờ có những khu vực cuối năm 2017 giá chỉ 6 triệu đồng/m2, nhưng đến nay lên tới 30 triệu đồng/m2. Tương tự, tại Củ Chi giá đất cũng liên tục tăng giá.
Nguyên nhân, theo Anh Trung, một “cò” đất ở Củ Chi cho hay, nguồn đất nền ngày càng khan hiếm, đặc biệt là ở những khu vực làm dự án.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, ngay cả “cò” cũng chỉ nghe chứ cũng không hiểu dự án đã nằm trên giấy hay chưa. Và kể cả khi dự án đã nằm trên giấy thì đến lúc triển khai cũng cần một thời gian dài. Thế nhưng, giới “cò” luôn dùng chiêu dụ như thể đến ngày mai khách hàng mua đất sẽ trở thành triệu phú trong chớp mắt. Rằng “khách hàng đặt hàng mua còn nhiều hơn số lượng đất nền tìm được”, “nếu không mua một hai tuần tăng giá không còn giá này nữa...”.
Cứ như vậy, thông tin dự án được các “cò” đất truyền tai nhau, đồn thổi. Giá đất được thổi lên cao gấp mấy lần tính từ đầu năm đến nay.
Một khu đất ở quận 9 đã được phân lô để bán đất nền - Ảnh: Tấn Thạnh
Được biết, khách hàng mua đất không chỉ đến từ các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM mà còn ở các tỉnh. Không ít khách hàng trót mua đất “dự án” nhưng 10 năm nay dự án vẫn chưa khởi động mà tiền đã nằm “chết” đó, muốn bán cũng không được. Không chỉ TP HCM chịu ảnh hưởng mà các địa phương như: Đồng Nai, Bình Dương, Vạn Ninh, Phú Quốc… cũng đang chịu hậu quả từ việc “cò” đẩy giá đất.
Chẳng hạn như vừa qua thông tin Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ trở thành đặc khu kinh tế đã tạo thành cơn sóng khiến giới nhà giàu mạnh tay chi tiền vào Phú Quốc. Thậm chí có trường hợp, “cò” đất tại TP HCM nhân cơ hội này đã ra Phú Quốc nằm cả tháng trời tìm kiếm nguồn hàng và đi chào giá.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP cho rằng, những “chiêu” mà các công ty môi giới làm ăn kiểu “chụp giật” thường sử dụng là mạo danh chủ đầu tư của dự án để đứng ra ký kết các hợp đồng không đúng quy định; tự ý thay đổi tên dự án; tự ý thêm các tiện ích “ảo” vào dự án để lôi kéo khách hàng; sử dụng “chim mồi” dụ dỗ khách hàng xuống tiền hay tự ý “thổi giá” BĐS… Bởi vậy, ở góc độ khách hàng, khi muốn mua dự án nào cần yêu cầu nhân viên môi giới cung cấp thông tin về chủ đầu tư và các vấn đề pháp lý liên quan để tránh những rủi ro về sau.
Công khai thông tin quy hoạch, mạnh tay xử lý “cò”
Trước tình trạng trên, UBND TP đã giao Công an TP.HCM phối hợp với UBND quận, huyện kiểm tra, rà soát, sàng lọc các đối tượng cung cấp thông tin sai lệch về các dự án BĐS, dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị… hoặc có dấu hiệu lừa đảo trong việc môi giới, giao dịch BĐS để xử lý theo quy định.
Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở TN&MT, UBND quận, huyện các đơn vị liên quan kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư công khai, minh bạch thông tin về tiến độ dự án BĐS, công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị…
Môi giới đất bị khởi tố tội lừa đảo Bài học từ năm 2017, Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Công ty CP Địa ốc Kim Phát và Công ty CP Đầu tư Việt Hưng Phát vì đã có hành vi gian dối trong bán hàng, bị khách hàng đâm đơn khiếu kiện. Đây là một trong những đơn vị môi giới đầu tiên bị khởi tố liên quan đến các quy định về điều kiện, đạo đức hành nghề. |
Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty CP DKRA Việt Nam - một sàn giao dịch có tiếng trên thị trường cho rằng: Việc Nhà nước minh bạch hóa về quy hoạch sẽ giúp doanh nghiệp và người dân có thể kiểm tra thông tin dễ dàng. Như vậy, cũng sẽ hạn chế được tình trạng “cò” đất lộng hành, cố tình đưa thông tin sai lệch lừa khách hàng.
Ở góc độ hoạt động môi giới BĐS, theo ông Lâm, từ xưa đến nay, hoạt động môi giới nở rộ và mang tính tự phát nhiều. Bởi vậy, “cò” môi giới không hiểu biết Luật Kinh doanh bất động sản, không nắm được tính pháp lý của dự án và cũng không lường trước được hậu quả phải gánh chịu trước pháp luật. Thế nên, khi bán hàng, họ không từ các thủ đoạn, miễn bán được hàng.
“Tôi cho rằng, cần chấn chỉnh lại nghề môi giới. Người mua nhà cũng phải yêu cầu người làm nghề môi giới ghi vào trong hợp đồng mã số thẻ để được pháp luật bảo vệ khi gặp sự cố”, ông Lâm nói.
Một chuyên gia cho hay, trên thực tế, Bộ Xây dựng đã có Thông tư 11/2015/TT-BXD quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Tuy nhiên, thông tư này không đưa ra chế tài xử phạt đối với các cá nhân, môi giới BĐS không có chứng chỉ, nên cần điều chỉnh.
Với những “cò” đất, môi giới đăng tin quảng cáo sai lệch sự thật không đúng, ngang nhiên chào bán sản phẩm không đủ điều kiện theo quy định phải mạnh tay xử phạt. Văn phòng môi giới địa ốc mở ra cũng phải kiểm tra kỹ xem có đủ điều kiện pháp lý hay không, có chứng chỉ hành nghề hay không. Nếu có dấu hiệu không đủ điều kiện phải thanh, kiểm tra và xử lý ngay để tránh tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó” lừa đảo khách hàng.