Cổ phiếu Sabeco vượt đỉnh: Nan giải bài toán thoái vốn Nhà nước

Sự kiện: Kinh Doanh

Ngân sách dự thu về hơn 100.000 tỷ đồng với thương vụ thoái vốn Nhà nước sắp tới tại Sabeco khi cổ phiếu SAB vượt ngưỡng cao nhất thị trường chứng khoán 10 năm qua.

Đỉnh VNIndex

Chốt phiên 24/11, mã cổ phiếu SAB của tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) tăng mạnh 3,2% lên 318.800 đồng. Đây là mức giá cao nhất lịch sử thị trường chứng khoán kể từ giai đoạn đỉnh cao 2007. SAB cũng vượt xa những tên tuổi khác trên thị trường như: VNM, CTD, VCS, VCF, VNM, ROS...

So với mức giá điều chỉnh 108.000 đồng từ khi lên sàn cuối năm 2016, thị giá của SAB đã tăng gần gấp 3 lần. Giá trị vốn hóa theo đó đạt con số khổng lồ hơn 200 nghìn tỷ đồng, tương đương 9 tỷ USD.

Theo ghi nhận, từ cuối tháng Bảy, cổ phiếu Sabeco bắt đầu tăng mạnh khi bộ Công Thương yêu cầu đơn vị này trình phương án thoái vốn Nhà nước. Theo kế hoạch đã được Chính phủ thông qua ngày 9/11, bộ Công Thương dự kiến sẽ bán 53,59% vốn tại Sabeco ngay trong tháng 12 tới, giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước về 36%.

Thông tin thoái vốn Nhà nước là cú hích lớn đối với cổ phiếu Sabeco trên thị trường. Đây là cơ hội không thể tuyệt vời hơn đối với các nhà đầu tư ngoại đang muốn đặt chân và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.

Hiện tại, thị trường bia trong nước chủ yếu nằm trong tay 4 công ty lớn gồm: Sabeco, Heineken, Habeco và Carlsberg với hơn 90% thị phần. Trong đó, Sabeco sở hữu gần 41% thị phần tiêu thụ. Thâu tóm được Sabeco đồng nghĩa với việc chiếm lĩnh 2/5 thị trường 90 triệu dân.

Cổ phiếu Sabeco vượt đỉnh: Nan giải bài toán thoái vốn Nhà nước - 1

Ngân sách dự kiến thu về 100.000 tỷ đồng nhờ thương vụ thoái vốn khỏi Sabeco.

Theo thông tin từ bộ Công Thương, Việt Nam nằm trong top 25 quốc gia tiêu thụ bia hàng đầu thế giới và top 3 quốc giatiêu thụ bia châu Á.Có ít nhất 7 công ty bia nước ngoài đang “nhòm ngó” cổ phần Sabeco là Heineken (Hà Lan), Anheuser-Busch SABMiller (Mỹ), Asahi và Kirin (Nhật Bản); Singha và Thai Beverage (Thái Lan). Các công ty này đều là những doanh nghiệp lớn, có thương hiệu và uytín lâu năm trên thị trường quốc tế và có tiềm lực tài chính.

Có một điểm đáng chú ý, không riêng Sabeco, nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp Nhà nước có kế hoạch thoái vốn đều tăng đột biến trong vài tháng trở lại đây. Có thể kể đến "người anh em" của Sabecolà HABECO; hay trường hợp của FPT, Vinaconex, Nhựa Tiền Phong... Đây là nguyên nhân lớn góp phần chính yếu giúp chỉ số VNIndex liên tiếp vượt đỉnh và đạt giá trị cao nhất gần một thập kỷ qua.

Bài toán không dễ giải

Thương vụ thoái vốn khỏi Sabeco được kỳ vọng sẽ mang lại cho ngân sách số tiền lên tới khoảng 110.000 tỷ đồng với thị giá hiện nay. Bởi vậy, bộ Công Thương đã rất chăm chút cho thương vụ này. Ngay sau khi Chính phủ thông qua kế hoạch thoái vốn, Bộ này đã tổ chức roadshow giới thiệu về cổ phiếu SAB tại Singapore ngày 24/11 và tại London (Anh) ngày 27/11. Hiện tại, các công đoạn cho kế hoạch thoái vốn tại Sabeco đang được chuẩn bị để có thể hoàn tất trong tháng 12/2017.

Để việc bán vốn Nhà nước mang lại hiệu quả cao nhất, cơ quan này cũng có văn bản đề nghị bộ Công an, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng như sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HSX) thực hiện giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình giao dịch mã cổ phiếu SAB trên thị trường chứng khoán để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các giao dịch bất thường, đảm bảo minh bạch ổn định đến ngày 31/12/2017.

Tuy nhiên, không ít ý kiến tỏ ra băn khoăn trước mức giá rất cao của Sabeco trên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu các công ty bia trong khu vực hiện giao dịch với P/E dự phóng 2018 là 22,5 lần, trong khi ở mức giá hiện tại, cổ phiếu SAB có P/E dự phóng là 47 lần. Mức định giá này cũng cao hơn nhiều so với con số 16 lần của Asahi, 21 lần với Carlsberg và 20 lần với Heineken.

Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) trong báo cáo mới công bố cũng nhận định, mức định giá của Sabecođang "đắt theo bất kỳ phương pháp định giá nào". Dù vẫn nhận định Sabeco là một tài sản tốt và hiện không còn nhiều tài sản tương tự, tuy nhiên HSC cũng nhấn mạnh rằng liệu nhà đầu tư chiến lược có chấp nhận mua ở mức giá hiện tại hay khôn  lại là vấn đề khác.

Bên cạnh đó, những ràng buộc về mặt pháp lý cũng là yếu tố nhà đầu tư quan tâm. Việc "room"  hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài chỉ ở mức 49% sẽ khiến mức độ hấp dẫn của doanh nghiệp này phần nào giảm đi so với tỉ lệ chi phối (trên 50%). Ngoài ra, Điều 18, luật Cạnh tranh cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm 50% thị phần. Quy định này gần như sẽ loại bỏ một số nhà đầu tư đang rất "thèm khát Sabeco như Heineken, Carlsberg.

Một yếu tố nữa cần lưu ý là giá cổ phiếu Sabeco sẽ diễn biến ra sao sau khi về tay nước ngoài. Thị giá SABECO hiện đã được đẩy lên mức rất cao với kỳ vọng của cổ đông rằng các tập đoàn nước ngoài sẽ không tiếc tiền mua lại công ty bia lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên với P/E đang ở mức rất cao, vượt xa các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực cũng như mặt bằng chung của VNIndex, không ai dám chắc về một kịch bản tăng trưởng bền vững của SABECO hậu thoái vốn Nhà nước. Nếu một cuộc suy thoái xảy đến, không chỉ cổ đông SABECO chịu thiệt thòi, mà cả thị trường chứng khoán Việt chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoa Liên (Người đưa tin)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN