Cổ phiếu ngân hàng: Ngủ mãi cũng phải… tỉnh!
Năm 2014, nhóm cổ phiếu ngân hàng là một trong 3 ngành tăng mạnh nhất trên sàn với mức trung bình hơn 40%, vượt xa mức tăng gần 10% của VN-Index. Sau những “chịu đựng” về nợ xấu, thanh khoản, tác động dài hạn tích cực trong tương lai đang trở lại ủng hộ nhóm cổ phiếu này.
Cú lội ngược dòng
Chị Hoàng Anh, một nhà đầu tư trên sàn HSC cho hay chị và nhóm bạn bắt đầu đang chú ý đến nhóm cổ phiếu này trong năm 2015 bởi thanh khoản của nhóm ngân hàng niêm yết đã tốt lên nhiều trong năm cũ. “Nhóm cổ phiếu này ngủ mãi chắc cũng đến lúc tỉnh”- chị Hoàng Anh nói.
Cổ phiếu ngân hàng có đủ hấp dẫn trở lại?. Ảnh: Duy Thái.
Trong những ngày giao dịch đầu tiên của năm 2015, nhóm cổ phiếu ngân hàng trở thành trụ đỡ chính kéo đỡ thị trường tăng điểm cũng như tạo sự hưng phấn cho nhà đầu tư. Nhóm ngân hàng cũng trở thành nhóm ngành dẫn đầu tăng trưởng trên thị trường những ngày này trong bối cảnh sắc đỏ vẫn ngự trị do tiếp tục chịu ảnh hưởng từ thông tin giá dầu xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua. Nếu như những lần tăng điểm trước đây là nhờ những các mã vốn hóa lớn như GAS hay VIC, MSN thì nay VN-Index đã có được đóng góp không nhỏ từ VCB (Vietcombank), BID (BIDV), STB (Sacombank), MBB (MB), EIB (Eximbank), ACB, SHB. Sự tăng điểm ấn tượng của nhóm ngân hàng trở thành cú lội ngược dòng mà nhóm này cũng đã nhiều lần thể hiện trong những thời điểm quan trọng của năm 2014.
Cú sốc giá dầu từ đầu quý 4/2014 đến nay khiến cho nhóm dầu khí bị sụt giảm hơn 30% mà điển hình nhất là GAS và PVD đã lôi kéo theo sự đi xuống của VN-Index. Do đó kết thúc năm chỉ số VN-Index chỉ tăng chưa đến 10% so với đầu năm và không đạt như kỳ vọng. Trong khi đó cổ phiếu ngân hàng lại bắt đầu được nhà đầu tư “để mắt” trở lại. Điều này hoàn toàn trái ngược với những dự báo hồi đầu năm và sự ghẻ lạnh của nhà đầu tư. Xét một năm giao dịch vừa qua của nhiều mã ngân hàng đã có sự tăng trưởng vượt trội, chẳng hạn như cổ phiếu VCB đã tăng trưởng 45%, SHB là 35%, MBB là 15%, các mã khác như ACB, NVB, STB, EIB đều có sự tăng trưởng và chỉ có CTG, BID giảm nhẹ. Có những thời điểm của thị trường khi các mã khác giảm điểm thì cổ phiếu ngân hàng lại tăng giá và góp phần lớn giúp duy trì sắc xanh của các chỉ số.
VCB (Vietcombank) được xem là “sao sáng” của cổ phiếu niêm yết trong năm vừa qua. Đây cũng là ngân hàng được đánh giá có sự phân loại nợ thận trọng cũng như tích cực xử lý nợ xấu trong các năm qua. Các phân tích đều dự báo lợi nhuận năm 2015 của Vietcombank sẽ đánh dấu bước tích cực sau nhiều năm tăng trưởng đều đặn ở mức bình quân 3%/năm. Đó là lý do dễ hiểu về sự tăng điểm vượt bậc của VCB cũng như những quan điểm khả quan của các công ty chứng khoán dành cho ngân hàng này.
Áp lực vẫn còn
Thông tư 36/2014/TT-NHNN ban hành vào tháng 11/2014 là bước ngoặt trong quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng. Theo các chuyên gia, những quy định của thông tư về dài hạn sẽ tháo gỡ những rắc rối là nguyên nhân khiến nhà đầu tư nguội lạnh với nhóm ngân hàng như sở hữu chéo, xử lý nợ xấu. Khi chính thức có hiệu lực vào đầu tháng 2/2015, các ngân hàng sẽ tiến hành đưa tỉ lệ cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu tối đa bằng 5% vốn điều lệ thay vì 20% như trước đây, những ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu dưới 3% mới được cho vay chứng khoán và cũng là điều kiện để sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng khác… Có thể thời gian đầu, đây là nguyên nhân khiến thị trường phản ứng sụt giảm do lo ngại dòng vốn vào thị trường chứng khoán bị hạn chế nhưng các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng mang tính dài hơi của mục tiêu tái cơ cấu ngân hàng. Do đó chú ý đến nhóm cổ phiếu này trên sàn là phản ứng đầu tiên của họ bởi những biến động giá hiện tại đã thể hiện kỳ vọng trong tương lai của ngành này.
Đồng thời, còn nhớ một yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước hồi cuối tháng 7-2014, tất cả các ngân hàng thương mại phải niêm yết cổ phiếu vào năm 2015. Mặc dù được cho là kế hoạch khó khả thi nhưng chủ trương này đều đã có trong lộ trình của nhiều ngân hàng. Có thể số lượng ngân hàng trong năm 2015 sẽ giảm xuống do các thương vụ mua bán sáp nhập sẽ gia tăng, các ngân hàng yếu kém sẽ phải bị sáp nhập vào ngân hàng lớn.
Với những “trả giá” trong giai đoạn vừa qua thì những quy định mới kỳ vọng sẽ đưa chất lượng hệ thống ngân hàng đi lên theo đó giá trị cổ phiếu của ngành này sẽ không còn bị lãng quên. Tuy nhiên, trong một báo cáo gần đây bộ phận SSI Research của Công ty chứng khoán SSI cho rằng không thể nâng triển vọng của ngành ngân hàng lên mức trung bình trong ngắn hạn do những áp lực tái cơ cấu vốn vẫn còn.
Trên sàn, giới đầu tư kỳ vọng cổ phiếu ngân hàng sắp lấy lại “ngôi vua”. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến quan ngại việc xử lý nợ xấu mới chỉ mang tính bề nổi và tiềm năng tăng trưởng của hệ thống ngân hàng Việt Nam không còn quá nhiều. Bên cạnh đó, quá trình tái cấu trúc ngân hàng sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn do đó cũng sẽ xuất hiện tình trạng phân hóa mạnh giữa các cổ phiếu ngân hàng. |