Cổ phiếu ngân hàng hồi phục
Nhóm cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng sẽ trở lại vị trí của nhóm cổ phiếu "vua" một thời trên thị trường chứng khoán sau khi hoàn thành việc tái cấu trúc, cục "ung" nợ xấu được cắt bỏ dần.
Từ đầu năm đến nay, các cổ phiếu thuộc nhóm tài chính ngân hàng (NH) đang niêm yết trên sàn hay chưa đều tăng giá liên tục. Nhiều cổ phiếu tăng gấp đôi, nhất là trong thời gian gần đây. Quan trọng hơn, lãnh đạo nhiều NH đang mạnh tay gom vào số lượng lớn cổ phiếu khiến giới đầu tư nôn nao về nhóm cổ phiếu một thời đình đám trên thị trường.
Dẫn dắt thị trường
Trong các phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu NH luôn dẫn dắt thị trường. Cụ thể, phiên 16-10, đa số trong nhóm cổ phiếu này đã tăng điểm mạnh, nhất là các mã BID, VCB, ACB, STB… cùng lượng giao dịch khớp lệnh lớn. Đến phiên giao dịch ngày 20-10, nhóm cổ phiếu này tiếp tục làm chủ thị trường với đa số tăng giá. So với đầu năm, các cổ phiếu NH đã tăng 20%-40%.
Không chỉ trên sàn, các cổ phiếu chưa niêm yết và của các NH nhỏ cũng được săn tìm ráo riết do kết quả kinh doanh tốt. Hoạt động thu gom cổ phiếu NH nhộn nhịp nhất trong quý III/2017. Cổ phiếu NH TMCP Phương Đông (OCB) đã vọt từ hơn 6.000 đồng lên gần 12.000 đồng/cổ phiếu chỉ trong vài tháng gần đây. Hay kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2017 của NH TMCP Kiên Long (Kienlongbank) đã vượt kế hoạch với tổng tài sản đạt 34.407 tỉ đồng, tăng 12,99% so với cùng kỳ năm 2016; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 191,56 tỉ đồng, hoàn thành 76,63% kế hoạch năm 2017.
Hoạt động kinh doanh của các ngân hàng đạt hiệu quả cao đã thu hút nhà đầu tư Ảnh: TẤN THẠNH
Một nhân viên đang làm việc tại NH TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết mấy tuần nay liên tục có người hỏi tìm mua cổ phiếu TPBank. Giá cổ phiếu TPBank hiện đã nhảy lên 16.000 đồng chứ không còn 10.000 đồng/cổ phiếu như mấy tháng trước. Kết quả kinh doanh quý này, TPBank đã đạt lợi nhuận đến 807 tỉ đồng, trong khi kế hoạch là 780 tỉ đồng.
Không chỉ các nhà đầu tư bên ngoài mà nội bộ, lãnh đạo các nhà băng cũng liên tục đăng ký mua vào cổ phiếu NH. Cụ thể, cổ phiếu LPB của NH Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank) trước khi chào sàn UpCom, vợ của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Hưởng và Tổng Giám đốc LienVietPostBank Phạm Doãn Sơn công bố mua tổng cộng 1,5 triệu cổ phiếu. Hay người nhà Chủ tịch HĐQT NH TMCP Quốc tế (VIB) cũng đang mua vào 28,1 triệu cổ phiếu của VIB.
Tín hiệu lạc quan
Báo cáo mới nhất của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho thấy kết quả kinh doanh 9 tháng đấu năm của các NH rất khả quan, với 47.000 tỉ đồng lợi nhuận toàn ngành, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2016, lợi nhuận tăng hơn 30%.
Đây là kết quả hết sức khả quan, được các chuyên gia nhận định như là một sức sống mới sau "bão" tái cấu trúc. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đạt 5.635 tỉ đồng, tăng đến 78% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, riêng quý III, lợi nhuận của nhà băng này đã đạt 2.371 tỉ đồng, quý có mức lợi nhuận cao kỷ lục. Hay như cổ phiếu STB của NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đang gây chú ý với nhà đầu tư với việc đổi tên, chuyển sàn sau khi Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh công bố đã xử lý khoản nợ xấu khá lớn. Sacombank ước lợi nhuận hợp nhất đến quý III trên 1.100 tỉ đồng, vượt xa chỉ tiêu cả năm là 585 tỉ đồng.
Báo cáo phân tích cổ phiếu NH của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng nhận định lợi nhuận của các NH sẽ tăng trưởng tốt trong năm nay. Cụ thể, NH TMCP Á Châu (ACB) đạt 2.000 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm 2017, tăng 60,7% so với cùng kỳ. NH TMCP Quân đội (MBB) 9 tháng đầu năm 2017 ước tăng lợi nhuận 40%, đạt 3.900 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, đánh giá nhà đầu tư đặt niềm tin vào cổ phiếu NH là có cơ sở. Bởi sau những nỗ lực rất lớn trong việc tái cấu trúc, đến nay chất lượng hoạt động và tín dụng của các NH đã tăng lên rất nhiều, đặc biệt là việc mạnh dạn xử lý nợ xấu… Khi hệ thống NH ổn định, doanh nghiệp vay vốn thuận lợi tạo cơ sở để kinh tế phát triển nên cổ phiếu NH được quan tâm vào thời điểm này là hợp lý.
Ông Lê Vương Hùng, Giám đốc Kinh doanh - Môi giới Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt, nhận xét ngành NH phải mất 4-5 năm "vật lộn" trong tái cấu trúc, cắt giảm chi phí mới được như hôm nay. Cùng với đó, thị trường bất động sản hồi phục, nợ xấu cơ bản đã được xử lý, NH thu hồi được vốn. Bên cạnh đó, sự phục hồi của nền kinh tế, huy động vốn đầu vào cũng như cho vay hợp lý đã giúp các NH "khỏe" hơn. Ngoài ra, sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại vào hoạt động tài chính, cổ đông bên ngoài góp vốn mua cổ phần đã tạo lực cầu lớn đối với cổ phiếu NH.