Cổ phiếu ngân hàng đi lùi, bất động sản giằng co
Cổ phiếu ngân hàng bất ngờ đi lùi trong khi cổ phiếu bất động giằng co, nhiều blue-chip vẫn tăng điểm.
Sàn thành phố Hồ Chí Minh
600 điểm vẫn là ngưỡng kháng cự mạnh của VN-Index. Kể từ khi VN-Index chinh phục thành công ngưỡng quan trọng này, thị trường chứng khoán luôn rơi vào tình trạng giằng co mạnh. Áp lực bán ra ngày càng lớn như để “thử thách” ngưỡng 600 điểm.
Tiếp đà giảm của phiên cuối tuần trước, sáng nay, sàn thành phố Hồ Chí Minh mở cửa trong sắc xanh. Nhưng chỉ vài phút sau đó, sắc đỏ chiếm lĩnh bảng giao dịch điện tử khi nhà đầu tư tham gia thị trường với tâm lý thận trọng.
Blue-chip giảm điểm hàng loạt khiến thị trường ngày càng giảm sâu. Ngưỡng 605 điểm nhanh chóng bị phá vỡ. VN-Index lùi dần về ngưỡng 600 điểm. Chốt phiên giao dịch đầu tuần 11/8, VN-Index giảm 3,3 điểm, tương ứng 0,55% và đóng cửa ở mức 602,13 điểm. VN-Index vẫn giữ vững ngưỡng thành công 600 điểm.
Thanh khoản của sàn thành phố Hồ Chí Minh sụt giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 87.720.330 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 1.728,61 tỷ đồng, giảm gần 20% so với cuối tuần trước. Khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 13.470.760 cổ phiếu, tương đương 443,76 tỷ đồng, tăng mạnh về khối lượng nhưng giảm nhẹ về giá trị. Toàn sàn ghi nhận có 88 mã tăng giá, 70 mã đứng giá và 119 mã giảm giá.
VN30-Index có tốc độ suy giảm tương tự VN-Index. Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/8, VN30-Index giảm 3,71 điểm, tương ứng 0,58% và dừng ở mức 638,22 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 37.012.500 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 888,7 tỷ đồng, giảm mạnh so với cuối tuần trước. Điều đó cho thấy dòng tiền đang điều chỉnh chảy sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Nhóm VN30-Index có 8 mã tăng giá, 6 mã đứng giá và 16 mã giảm giá.
Nhóm blue-chip có 8 mã tăng giá. Trong đó, đa số các cổ phiếu thuộc ngành bất động sản. CII tăng 400 đồng/CP lên 21.500 đồng/CP. OGC tăng 300 đồng/CP lên 11.500 đồng/CP. FLC tăng 200 đồng/CP lên 14.100 đồng/CP. IJC tăng 200 đồng/CP lên 14.800 đồng/CP.
Trong khi đó, ngoài MBB, tất cả các cổ phiếu ngân hàng đều giảm giá hoặc đứng giá. VCB giảm 200 đồng/CP xuống 25.700 đồng/CP. STB giảm 200 đồng/CP xuống 19.100 đồng/CP. BID giảm 300 đồng/CP xuống 14.500 đồng/CP. CTG và EIB đứng giá ở mức 14.600 đồng/CP và 12.700 đồng/CP.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng không có phiên giao dịch lạc quan nhưng tốc độ giảm của cổ phiếu ngành này vẫn khiêm tốn hơn một số blue-chip khác. MSN giảm 2.000 đồng/CP xuống 86.500 đồng/CP. VNM giảm 2.000 đồng/CP xuống 138.000 đồng/CP. PPC giảm 900 đồng/CP xuống 21.700 đồng/CP. BVH giảm 800 đồng/CP xuống 41.800 đồng/CP.
Giao dịch thỏa thuận tăng vọt về khối lượng chủ yếu là do sự đóng góp của VNS. Đã có tới 6 triệu cổ phiếu VNS, tương ứng 263 tỷ đồng được trao tay. Ngoài ra, KDC, HVG cũng có khối lượng giao dịch thỏa thuận khá lớn, đạt hơn 1 triệu đơn vị.
Sàn Hà Nội
Sàn Hà Nội cũng không tránh được một phiên suy giảm. Đóng cửa phiên giao dịch 11/8, HNX-Index giảm 0,35 điểm, tương ứng 0,43% và đóng cửa ở mức 80,59 điểm. Thanh khoản trên sàn Hà Nội “lao dốc” rất mạnh.
Tổng khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội đạt 37.511.960 cổ phiếu, tương ứng 463,333 tỷ đồng, giảm gần 40%. Khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 388.503 cổ phiếu, tương ứng 2,53 tỷ đồng, đứng ở mức rất thấp. Toàn sàn ghi nhận 85 mã tăng giá, 67 mã đứng giá và 100 mã giảm giá.
HNX30-Index có tốc độ giảm tương tự HNX-Index. Chốt phiên ngày 11/8, HNX30-Index giảm 0,94 điểm, tương ứng 0,58% và đóng cửa ở mức 161,59 điểm. Khối lượng giao dịch trong nhóm HNX30-Index đạt 25.868.700 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 326,73 tỷ đồng. Trong nhóm ghi nhận 4 mã tăng giá, 11 mã đứng giá và 15 mã giảm giá.
Nhóm blue-chip trên sàn Hà Nội chỉ có 4 mã tăng giá. Trong đó BCC đi lên rất mạnh. BCC tăng 600 đồng/CP lên 8.200 đồng/CP, thấp hơn giá trần đúng 100 đồng/CP. Điều đáng nói, đầu phiên BCC giảm nhẹ xuống 7.500 đồng/CP.
3 blue-chip còn lại chốt phiên trong sắc xanh là PVC, PVS và DBC. DBC tăng 100 đồng/CP lên 22.900 đồng/CP. PVC tăng 200 đồng/CP lên 23.700 đồng/CP. PVS tăng 300 đồng/CP lên 33.900 đồng/CP. Cả 3 mã này đều có thời điểm giảm giá trong suốt phiên giao dịch.
Ở chiều ngược lại, ACB trở thành một trong những blue-chip được chú ý vì ACB là ngân hàng lớn đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý 2/2014. Lãi sau thuế của ngân hàng này sụt giảm nên cổ phiếu ACB giảm 100 đồng/CP xuống 15.300 đồng/CP.