Cổ phiếu ngân hàng đang hồi sinh?
Thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, cổ phiếu ngân hàng đánh mất “ngôi vua” khi nhiều mảng tối liên quan đến hệ thống bị lộ diện, thậm chí, bị “ủi” xuống thấp do nhà đầu tư ngại “né” rủi ro. Một số tin tốt xuất hiện, liệu đã đủ kích thích nhóm này hồi sinh?
Khởi sắc
Cổ phiếu ngân hàng trở lại vai trò dẫn dắt thị trường trong tuần giao dịch vừa qua và giúp thị trường duy trì sắc xanh. Cả nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đang đặt nhiều kỳ vọng vào nhóm ngành này thể hiện qua thanh khoản liên tục tăng cao cùng với rất nhiều thông tin hỗ trợ.
CTCK Rồng Việt (VDSC) nhận định: Sự khởi sắc của nhóm ngành ngân hàng trong phiên cuối tuần là điểm sáng tích cực đối với thị trường trong tháng còn lại của năm 2012.
Theo đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh với mức tăng chung là 3,86% và từng cổ phiếu đều duy trì được sắc xanh. Đặc biệt, các cổ phiếu đã được giao dịch thỏa thuận với khối lượng lớn.
Tâm điểm chú ý của thị trường cũng tập trung vào nhóm cổ phiếu này. Cổ phiếu EIB (Eximbank) tuần qua tăng 3,52% và hơn 1,26 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng chỉ trong phiên cuối tuần.
Hơn 1,36 triệu cổ phiếu MBB (Ngân hàng Quân đội) được giao dịch thành công trong cùng phiên. Các cổ phiếu khác như STB (Sacombank), VCB (Vietcombank), CTG (Vietinbank) đều tăng điểm.
Theo CTCK Bảo Việt (BVSC), nhóm các cổ phiếu ngân hàng như EIB, MBB, hay STB trở thành nhóm dẫn dắt và thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trên sàn HSX.
Đặc biệt, cổ phiếu ACB tăng điểm khá mạnh và đóng vai trò giữ nhịp, hỗ trợ cho chỉ số HNX-Index. ACB có 6 phiên liên tiếp tăng điểm và trong phiên cuối tuần qua có hơn 1,3 triệu cổ phiếu được sang tay. Tính tổng cộng tuần qua ACB tăng 12,67%.
Như vậy sau thời gian chịu sóng gió bởi một số lãnh đạo chủ chốt của ngân hàng này bị bắt hoặc bị khởi tố cùng với việc thua lỗ lớn trong quý 3/2012, ACB đã có những phiên tăng điểm bất ngờ.
Thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư là cổ phiếu SHB (Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội) do luôn duy trì được khối lượng giao dịch “khủng” với hơn 7,28 triệu cổ phiếu giao dịch thành công trong phiên cuối tuần. Trước đó, SHB cũng lần lượt khớp lệnh với số lượng 13,94 triệu và 16,6 triệu cổ phiếu.
Cổ phiếu ngân hàng trở lại vai trò dẫn dắt thị trường trong tuần giao dịch vừa qua và giúp thị trường duy trì sắc xanh (Ảnh minh họa)
Hy vọng?
Trong tuần qua, ngành ngân hàng chứng kiến sự thay đổi nhân sự ở nhiều đơn vị. Ngân hàng TMCP Á Châu ACB thông báo về việc bầu bổ sung thành viên HĐQT trong Đại hội đồng cổ đông bất thường 2012 sắp tới.
Có thông tin cho biết, ông Trần Mộng Hùng - nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB từ năm 1994 đến năm 2008, Tổng giám đốc ACB năm 1993-1994 và là một trong những sáng lập viên của ACB sẽ trở lại tham gia quản trị ngân hàng này trong thời gian tới.
Một số ý kiến cho rằng đây có thể là thông tin tích cực đối với ACB và nhà đầu tư kỳ vọng vào cổ phiếu này trong thời gian tới từ những thay đổi trong mô hình quản trị mới của những gương mặt mới. Đó cũng là lý do tại sao ACB nhiều phiên xanh điểm liên tiếp.
Các thông tin gần đây cho biết, Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ - thuộc tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ Financial Group Inc (MUFG) dự kiến sẽ chi 60 tỷ Yên, tương đương 720 triệu USD để nắm giữ 20% cổ phần tại Ngân hàng Vietinbank (CTG).
Tổ chức này dự kiến sẽ mua lại cổ phiếu CTG với 22.800 đồng/cổ phiếu, cao hơn khoảng 10% so với thị giá hiện tại. Nếu thương vụ này thành công, tỷ lệ phần vốn Nhà nước sỡ hữu tại Vietinbank sẽ giảm về mức khoảng 60%.
Bên cạnh đó, một loạt các vấn đề liên quan đến ngân hàng và doanh nghiệp như xử lý nợ xấu và giải cứu hàng tồn kho nhất là bất động sản cũng có dấu hiệu tích cực; lãi suất được kỳ vọng sẽ giảm trong năm tới; Chưa kể, dấu hiệu của một làn sóng tái cơ cấu sáp nhập đợt 2 của một số ngân hàng khả năng sắp diễn ra bên ngoài cũng “kích thích” thị trường.
Trong báo cáo đặc biệt về Triển vọng hệ thống ngân hàng châu Á - Thái Bình Dương 2013 do tổ chức Fitch vừa công bố, Fitch nhận định có khoảng 75% ngân hàng Việt Nam sẽ được đặt triển vọng ổn định và 25% còn lại có khả năng bị hạ triển vọng xuống mức tiêu cực. Đây là kết quả mà Fitch dựa trên các yêu tố tăng trưởng kinh tế, nợ xấu, lợi nhuận cũng như một số luật lệ liên quan đến hệ thống ngân hàng.